Xét tuyển theo phương thức chung: Bộ ôm đồm, thí sinh rối loạn?

Khôi Anh| 10/05/2016 11:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi thí sinh và các trường đang dần thích ứng với những thông tin tuyển sinh Đại học theo nhóm trường thì ngày 9/5, Bộ GD&ĐT lại bất ngờ tuyên bố, tuyển sinh năm 2016 sẽ thực hiện theo hình thức xét tuyển chung.

Quyết định này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng, trong đó có cả các em học sinh, những người trực tiếp bị ảnh hưởng.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, cách thức xét tuyển mới này sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch, triệt để giảm số thí sinh “ảo”. Trong đó các trường sẽ sử dụng phần mềm chung do Bộ đảm nhiệm. Phương thức xét tuyển của nhóm trường đã được lập ra theo quy định của Quy chế tuyển sinh sẽ không còn.

Câu hỏi đặt ra là liệu rằng với thời gian còn lại quá ngắn ngủi (hơn 2 tháng), việc xây dựng và thử nghiệm phần mềm xét tuyển chung trên cả nước có trôi chảy và liệu có sự nhầm lẫn xảy ra như trong kỳ xét tuyển năm 2015?

Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung là một trong những quy định mà các trường Đại học dùng kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển phải tuân thủ. Đây chỉ là sự hỗ trợ giải pháp hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn mà không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Theo ông Trinh: “Bộ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung sẽ hiệu quả hơn việc các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng rẽ. Đây là giải pháp kỹ thuật chứ Bộ không “ôm đồm” làm thay việc của các trường hay độc quyền khai thác dữ liệu”.

Khi tổ chức xét tuyển tập trung, các trường phải thống nhất một số điểm trong quy trình xét tuyển để đảm bảo phần mềm xét tuyển có thể hoạt động được. Còn các công đoạn chính của quá trình tuyển sinh vẫn được các trường thực hiện bình thường.

Xét tuyển theo phương thức chung: Bộ ôm đồm, thí sinh rối loạn?

Việc thay đổi phương thức xét tuyển khi kỳ thi đang đến gần sẽ ảnh hưởng nhiều đến thí sinh

Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức tuyển sinh của Bộ đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối của các nhà trường. Theo GS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ, việc tuyển sinh là việc của các trường và Luật Giáo dục Đại học đã quy định. Bộ không nên làm thay việc của các trường, do đó, quy định dùng chung phần mềm là không hợp lý. 

GS Đỗ Văn Xê cũng khẳng định nếu Bộ GD&ĐT đưa cả nước vào một nhóm để xét tuyển là vi phạm quyền lựa chọn của thí sinh. “Bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ vào hai trường, nếu thí sinh đỗ cả hai trường, Bộ sẽ lấy quyền gì để yêu cầu thí sinh chỉ học trường này mà không được học trường kia. Việc học trường nào là lựa chọn tự do của thí sinh”. 

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa cho rằng, để đảm bảo đúng Luật Giáo dục Đại học, Bộ phải dựa trên tinh thần tự nguyện của các trường và phải hỏi ý kiến các trường có chập nhận phương thức xét tuyển mới hay không?

Cũng có ý kiến đánh giá về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Giáo dục ĐH cho rằng sử dụng kết quả và cách thức xét tuyển như thế nào là quyền của các trường mới phù hợp với luật còn bắt tất cả theo một cách áp đặt là trái với quy định của Luật giáo dục Đại học.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thì cho biết, Bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh thì không nên sửa chữa nhiều, nhất là kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đang đến rất gần. Việc sửa chữa “cấp tập” này sẽ khiến cho thí sinh rối loạn, các trường không chủ động được công việc. 

Chưa cần biết phương thức tuyển sinh nào tốt hơn bởi điều này chưa thể đánh giá nhưng với kiểu thay đổi “như thời tiết” của những nhà làm giáo dục thì thí sinh sẽ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi, cách đây chưa lâu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký cho phép các nhóm trường GX (bao gồm 10 trường ĐH khu vực phía bắc) được tuyển sinh theo nhóm và các trường đã tốn khá nhiều công sức lập nhóm tuyển sinh. 

Thiết nghĩ, giáo dục là vấn đề lớn, do vậy những thay đổi, điều chỉnh đều phải được đưa ra từ đầu năm học để thí sinh và các trường chuẩn bị, bởi khi kỳ thi đang đến gần, các thí sinh và nhà trường đã gần hoàn tất khâu chuẩn bị thì Bộ GD&ĐT lại thay đổi. Điều này khiến cho thí sinh hoang mang trong khi Bộ lại quá "ôm đồm".

Theo khoản 2, khoản 3, Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học nêu rõ:

2. Tổ chức tuyển sinh:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tuyển theo phương thức chung: Bộ ôm đồm, thí sinh rối loạn?