TS. Lê Viết Khuyến “giải mã” vì sao 279.000 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT

Hoài Đan| 22/05/2015 15:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo TS. Lê Viết Khuyến, con số 279.000 thí sinh trên toàn quốc chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT là do Bộ GD -ĐT phân biệt kết quả thi giữa 2 cụm thi của Kỳ thi THPT Quốc gia.

Khi Bộ GD-ĐT công bố con số 279.000 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ với nguyện vọng xét tốt nghiệp, TS. Lê Viết Khuyến, hiện là Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT cho biết: "Với cách thức tổ chức, quy chế thi cũng như các điều kiện xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT như hiện nay thì 279.000 thí sinh trên toàn quốc chỉ đăng ký xét tốt nghiệp không có gì là lạ".

TS. Lê Viết Khuyến phân tích: "Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT quy định có 2 cụm thi, một là cụm thi liên tỉnh (cứ 2 tỉnh thì chung nhau một cụm thi), hai là cụm thi nội tỉnh. Cả hai cụm thi này đều sử dụng đề thi, đáp án thi của Bộ GD-ĐT, đều do Sở GD-ĐT địa phương và các trường đại học phối hợp tổ chức. Khác nhau ở chỗ, cụm thi liên tỉnh thì trường đại học chủ trì còn cụm thi nội tỉnh thì Sở GD-ĐT chủ trì. Đặc biệt, kết quả thi ở cụm thi liên tỉnh được chấp nhận lấy làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ còn kết quả thi ở cụm thi nội tỉnh thì chỉ để xét tốt nghiệp. Đây là điều hết sức vô lý”.

TS. Lê Viết Khuyến “giải mã” vì sao 279.000 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT

TS. Lê Viết Khuyến,Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT 

Việc tổ chức hai cụm thi và công nhận kết quả thi ở hai cụm thi nói trên gây tâm lý lúng túng, hoang mang cho thí sinh. Trước hết là những thí sinh có ý định dùng kết quả thi THPT để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải chấp nhận thi ở cụm thi liên tỉnh, tức là đi xa, là tốn kém. Điều này bất lợi đối với thí sinh ở các địa phương nghèo. Và có thể xảy ra trường hợp, vì nhà quá nghèo không có đủ tiền đi thi nên thí sinh sẽ đăng ký thi ở cụm thi nội tỉnh và đương nhiên kết quả thi này chỉ để xét tốt nghiệp.

Sau đó, việc tổ chức hai cụm thi và công nhận kết quả thi ở hai cụm thi sẽ khiến thí sinh nghĩ rằng kỷ cương ở cụm nội tỉnh sẽ được nới lỏng hơn. Đó cũng chính là một trong những lý do thí sinh chọn thi ở cụm thi nội tỉnh. Hơn nữa, với quy chế xét tuyển ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT vừa ban hành thì vẫn có những trường ĐH tổ chức thi riêng và xét tuyển với các điều kiện kèm theo.

Ví dụ, điều kiện cần là thí sinh phải tốt nghiệp THPT còn điều kiện đủ là thí sinh phải đáp ứng được những điều kiện kèm theo như xét học bạ, thi một môn năng khiếu…và những trường ĐH, CĐ xét tuyển theo phương thức đó không phải là ít. Như vậy, cơ hội vào các trường ĐH, CĐ của thí sinh vẫn rộng mở.

Khi đặt câu hỏi, con số 279.000 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia chỉ với nguyện vọng xét tốt nghiệp có phải là các thí sinh đã có nhận thức mới và định hướng nghề nghiệp cho riêng mình, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng đó là điều không đúng.

Bởi theo ông, việc thay đổi nhận thức, tư duy của học sinh trong một năm là rất khó. Ông khẳng định, điều đó chỉ thực sự xảy ra khi công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp của ngành Giáo dục làm tốt ngay từ khi học sinh tốt nghiệp THCS.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm giáo dục, ông Lê Viết Khuyến thẳng thắn nói rằng: "Chỉ có tái cấu trúc ngành Giáo dục thì chúng ta mới thay đổi được nhận thức và tư duy của học sinh về định hướng nghề nghiệp".

Ngoài ra, việc đánh giá tốt nghiệp THPT của học sinh bằng việc dựa vào kết quả của 4 môn thi trong đó có 3 môn thi bắt buộc và 1 môn thi tự chọn, theo TS. Lê Viết Khuyến sẽ tạo cơ hội cho học sinh học lệch ngay từ đầu năm lớp 10. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS. Lê Viết Khuyến “giải mã” vì sao 279.000 thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT