Trường Đại học Luật Hà Nội lần đầu tiên thành lập Hội đồng trường

Đức Duy| 06/08/2019 21:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 6/8, trường Đại học Luật Hà Nội long trọng tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2019- 2024.

Đây là nhiệm kỳ đầu tiên của Nhà trường, đánh dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình thực hiện đúng theo quy định mới của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học sửa đổi tháng 7 vừa qua.

Tới tham dự có đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An; cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện có liên quan.

Trường Đại học Luật Hà Nội lần đầu tiên thành lập Hội đồng trường

Ông Trần Quang Huy, Phó  Hiệu trưởng nhà trường báo cáo thực hiện đề án thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ 2019-2024.

Tại buổi lễ, ông Trần Quang Huy, Phó Hiệu trường Nhà trường báo cáo công tác thực hiện đề án thành lập Hội đồng trường cho biết, trường Đại học Luật Hà Nội đang hướng tới kiện toàn tổ chức và hoạt động trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với trách nhiệm giải trình, thúc đẩy mạnh mẽ hơn tính chủ động, đổi mới, sáng tạo góp phần mạnh mẽ vào việc xây dựng Nhà trường trở thành trường Đại học trọng điểm và đi đầu của cả nước.

Do đó, việc thành lập Hội đồng trường với vai trò là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên liên quan; là đơn vị quyết định những vấn đề quan trọng nhất trong tổ chức và Nhà trường.

Giám sát việc thực hiện quyết định của Hội đồng trường về tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường và trực tiếp chịu trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng; giám sát việc sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường.... Và Hội động cũng phải chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình Bộ Tư pháp, Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Trường Đại học Luật Hà Nội lần đầu tiên thành lập Hội đồng trường

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê thành Long (phải) trao quyết định công bố thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm ông Chu Mạnh Hùng ( trái) giữ chức Chủ tịch hội đồng trường.

Ông Huy nhấn mạnh, chúng ta đã có một Hội đồng trường với thành phần rất tốt gồm đại diện các cán bộ cơ hữu của trường. Cùng với đó là các đại diện thành viên ưu tú, đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, cựu sinh viên, doanh nhân…  khác nhau có quan hệ mật thiết với nhà trường. Cho nên, hoàn toàn có thể tin tưởng được vào một Hội động chất lượng, thực hiện đúng quyền hạn và chức năng, phát huy tối đa vai trò như toàn thể Nhà trường mong muốn.

Được biết, trước đó, Bộ Tư pháp đã xây dựng, thực hiện đề án thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên 2019- 2024, cùng bầu 17 đồng chí là lãnh đạo trường, lãnh đạo doanh nghiệp… có trách nhiệm, năng lực, phẩm chất, uy tín và khả nắng cống hiến cho sự nghiệp chung của Nhà trường nói riêng, đất nước nói chung.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hoan nghênh và chúc mừng 17 đồng chí đã được bầu vào Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội nhiệm kỳ 2019- 2024, hi vọng các thành viên thực hiện đúng và đủ trách nhiệm theo luật định để phát huy hết tài năng và có tầm nhìn đưa trường phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực quản lý, khoa học công nghệ, kinh doanh, thương mại, hoạch định chính sách trong thời gian tới.

Trường Đại học Luật Hà Nội lần đầu tiên thành lập Hội đồng trường

Bộ trưởng  Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An tặng hoa thành viên hội đồng trường nhiệm kỳ 2019-2024

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh nhiệm vụ của Hội đồng trường, theo như điều 16 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược , kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của nhà trường; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, dân chủ ở cơ sở phù hợp với các điều luật quy định chung.

Đồng thời Hội đồng cũng có quyền quyết phương án tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới, thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc trường và các chế độ tuyển dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức…

Đặc biệt, Hội đồng trường có quyền quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng. Ngược lại, hội đồng cũng sẽ lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá hàng năm hoặc đột xuất đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng. Cần chọn ra người có tâm, có đức, có tầm để đảm nhận được vị trí quan trọng và đầy nặng nề này.

Để làm được việc đó, tôi đề nghị các đồng chí cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản trị của trường trong điều kiện mới, đáp ứng các yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết 29 khóa XI… cùng các quy định mới trong Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Đại học Luật Hà Nội lần đầu tiên thành lập Hội đồng trường