TP. HCM: Tới năm 2020 chấm dứt dạy thêm trái quy định

Hải Vân(TH)| 23/02/2017 15:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong buổi làm việc với Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh sáng nay (23/2), Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu từ nay đến năm 2020 phải chấm dứt việc dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực, trái với quy định.

Báo cáo được ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh trình bày tại buổi làm việc cho thấy, hiện nay, trên toàn địa bàn có khoảng 1,3 triệu học sinh các cấp, từ mầm non cho đến trung học phổ thông tại hơn 2.100 cơ sở giáo dục.

TP.Hồ Chí Minh có đến hơn 99% số đơn vị giáo dục thực hiện tự chủ tài chính. Hàng năm, thành phố dành hơn 26% nguồn vốn ngân sách, dành để chi thường xuyên cho đầu tư, xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo và nâng cấp trường học.

Toàn địa bàn có 80% số học sinh tiểu học được học 2 buổi mỗi ngày, còn tỷ lệ này ở bậc học mầm non đạt gần 100%.

TP. HCM: Tới năm 2020 chấm dứt dạy thêm trái quy định

Tới năm 2020 Thành phố Hồ Chí Minh chấm dứt dạy thêm trái quy định.  Ảnh: PL TPHCM

Tỷ lệ học sinh học 2 buổi với bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn còn khá thấp, do không đảm bảo về mặt cơ sở vật chất. TP.Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 80% số học sinh được học 2 buổi/ngày, đầu tư xây dựng thêm trường lớp để đảm bảo tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân, với sĩ số từ 30 – 35 học sinh/lớp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TH.HCM cho rằng hiện học sinh đang phải học và thi quá nhiều, nên ngành giáo dục thành phố phải có lộ trình giảm tải chương trình cho học sinh, để các em có thời gian thư giãn và tập thể thao, nhất là môn bơi lội.

Đối với vấn đề dạy thêm, học thêm, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu, từ nay tới năm 2020 cần phải tiến tới chấm dứt việc dạy thêm học thêm tràn lan, không đúng qui định, có yếu tố tiêu cực gây bức xúc, và phải có lộ trình thực hiện.

“Việc phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng cho học sinh giỏi là trách nhiệm của các trường phải làm, và không được thu học phí” – Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Kết thúc buổi làm việc Bí thư Thành ủy  nhấn mạnh, thành phố phải nỗ lực hơn trong thực hiện các phương hướng, mục tiêu trở thành trung tâm lớn ở tất cả các lĩnh vực, là đầu tàu, đầu mối thu hút và lan tỏa. Các cơ chế chính sách phải phù hợp, đúng với hiến pháp, pháp luật hiện hành.

Giáo dục phải đổi mới theo định hướng và hội nhập là nhu cầu cấp bách, thành phố phải đi nhanh hơn, giáo dục đào tạo cũng phải khẳng định vai trò đầu tàu. Đổi mới giáo dục đào tạo từ kiến thức sang phát triển toàn diện từ văn hoá, kỹ năng, năng lực, phẩm chất.

Cùng với ưu tiên về ngân sách cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực. Tuy nhiên đẩy mạnh tự chủ, xã hội hóa không làm giảm chất lượng, không làm tăng bức xúc trong nhân dân, công khai minh bạch là yếu tố hết sức cần thiết tạo sự đồng thuận trong phụ huynh.

Còn vấn đề tự chủ tài chính, hoan nghênh kết quả hoạt động của ngành, phải chỉ đạo cân đối bố trí đủ vốn đề đảm bảo giải ngân, đơn giản các thủ tục hành chính, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Cái nào khó khăn thì đề xuất thí điểm, mạnh dạn vận dụng, thực tiễn phong phú hơn so với quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Tới năm 2020 chấm dứt dạy thêm trái quy định