Thi “dịch” phương ngữ: Sao phải xôn xao?

Ý Thơ| 16/05/2015 14:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng bỗng chốc "dậy sóng" khi có một “đề thi lạ” xuất hiện. Đề thi này yêu cầu “dịch” từ tiếng địa phương sang... tiếng phổ thông. Thế nhưng, với nhiều người, đó chẳng phải điều đáng xôn xao...

Tôi có quen cậu em quê Hà Tĩnh, là sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại thương. Lần đầu nói chuyện, tôi cứ nghĩ cậu là người Bắc. Chỉ đến khi nghe cậu “líu lo” với bạn qua điện thoại tôi mới... ngớ người. Hiểu thái độ của tôi, cậu bảo: “Đi học em mới nói giọng Bắc thôi. Về quê với gặp bạn bè mình, em phải nói tiếng quê chứ. Không người ta “kỳ thị” chết!”.

Cậu này kể, hồi trước có người chị họ đi vào Sài Gòn làm ăn được thời gian tầm khoảng năm gì đó. Về thăm quê, lúc nói chuyện nhắc đến một anh tên Quang, nhưng cứ “anh Quèng, anh Quèng”. Các cụ nghe thấy, quay qua hỏi: “Đứa nào què?”. “Rồi sau chuyện đó đi đâu người ta cũng kháo này kháo nọ. Cũng chả phải kỳ thị gì đâu, nhưng mà sẽ nói sau lưng thôi. Đến bản thân em cũng không thích lắm, huống chi là các cụ. Cảm giác nó cứ thái quá sao sao ấy”, cậu kết luận.

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng bỗng chốc xôn xao khi có một “đề thi lạ” xuất hiện. Đề thi không phải lạ vì xuất hiện ngôi sao này, ngôi sao kia, hay câu nói nổi tiếng trong phim ảnh, hoặc của nhân vật "gây bão" nào đó trong showbiz, mà vì quá lạ khi yêu cầu “dịch” từ tiếng địa phương sang... tiếng phổ thông.

Thi “dịch” phương ngữ: Sao phải xôn xao?

Đề thi gây "xôn xao" dư luận mấy ngày qua.

Nguyên văn câu hỏi số 2 trong đề thi môn Ngữ văn lớp 7 mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đưa ra trong kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2014 - 2015 cho học sinh trên địa bàn huyện là:

Hãy viết hai câu thơ sau sang tiếng phổ thông: “Mô rú mô ri mô nỏ chộ / Mô rào mô bể chộ mô mồ”.

Ngay khi câu hỏi này xuất hiện trên cộng đồng mạng, nhiều người cho rằng đây là dạng ra đề “làm khó”, “đánh đố” học sinh, khiến học sinh lúng túng!?

Nhiều người thắc mắc, tại sao trong thời đại yêu cầu “cập nhật hóa tiếng phổ thông”, trong khi các em được dạy học bằng tiếng phổ thông, các thầy cô nói tiếng phổ thông, mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lộc Hà lại ra một đề thi “oái oăm” như thế!?

Rồi cũng theo một số thông tin, chính các vị phụ huynh lại tỏ ra lo lắng con em mình sẽ không thể làm bài được, sẽ “mất điểm” nếu không hiểu tiếng địa phương…

Nói xa xôi, hồi tháng 8 năm ngoái, mọi người bàn tán xôn xao khi xuất hiện giọng Huế trên sóng Đài Truyền hình Quốc gia trong chương trình thời sự 12h00 trưa của BTV Anh Phương. Trước đó, BTV Hoài Anh, cô MC có giọng miền Nam ngọt ngào “giữ sóng” bản tin Thời sự 19h00, cũng “rơi vào hoàn cảnh tương tự” bởi quan điểm cho rằng những chương trình trên sóng quốc gia "chỉ nên sử dụng giọng Hà Nội chuẩn".

Tuy nhiên, dù có nhận được những ý kiến trái chiều thì cho đến nay, hai cô gái xinh đẹp này cũng dần khẳng định được khả năng của mình và chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng…

Quay trở lại câu chuyện về “chuyển thể” tiếng địa phương thành “tiếng phổ thông” trong đề thi của một trường ở Hà Tĩnh mấy ngày vừa qua. Khi đem câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về đề thi này?” gửi cho nhiều người, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: “Bình thường!”, “Có gì đâu mà phải bàn tán. Chúng tôi hồi xưa đi học cũng được học phương ngữ mà”, hay “Học để biết, để khi đến một địa phương nào đó còn hiểu được người dân ở đó nói gì, để không trở thành “người ở hành tinh khác”…

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với hai người nổi tiếng gốc Nghệ An và Hà Tĩnh: PGS. Văn Như Cương và Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh - Nguyên Tổng biên tập báo Tiền phong, và nhận được câu trả lời khá thú vị như sau:

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh - Nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong: "Đây là đề thi cấp II của một huyện, lại là một huyện mới của tỉnh Hà Tĩnh, tôi cho là bình thường, không có gì phải bàn tán nhiều đâu.

Cái câu “Mô rú mô ri mô nỏ chộ / Mô rào mô bể chộ mô mồ” là câu điển hình của tiếng địa phương, gần như học sinh phổ thông thời chúng tôi ai cũng biết.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, người từng địa phương, nơi có ngôn ngữ, thổ ngữ riêng nhất là học sinh cũng nên biết những câu như thế để khi phổ thông hóa khỏi bỡ ngỡ.

Với lại, Hà Tĩnh là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều bất hủ, nên đề thi về tiếng địa phương như thế có thể cũng là một cách để nhiều bạn trẻ trong cả nước tiếp cận với văn hóa địa phương chăng?"

Thi “dịch” phương ngữ: Sao phải xôn xao?

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh: Ảnh: NVCC

PGS. Văn Như Cương: "Đây là một đề thi ở một trường địa phương nên cũng không có vấn đề gì cả. Và đây cũng là một việc nên làm.

Như bản thân tôi là người gốc Nghệ An, thỉnh thoảng vẫn phải nhớ lại những câu nói của dân mình, không đến khi về nghe mọi người nói lại quên mất, không hiểu gì cả.

Các trường địa phương cũng nên có những đề thi kiểu như thế này, nhưng ở một tỉ lệ hợp lý để các em học sinh nhớ lại.

Chẳng hạn, khi chúng ta vào miền Nam mà lại nói “con lợn” thì người dân ở đó không hiểu gì cả, mà phải gọi là “con heo”, hay ngoài Bắc gọi “dưa chuột” thì trong Nam gọi “dưa leo”…"

Thi “dịch” phương ngữ: Sao phải xôn xao?

PGS. Văn Như Cương

Trong ngôn ngữ địa phương vùng Nghệ Tĩnh, “mô” là đâu, ý là ở đâu; “rú” là núi; “mô ri” là ở đâu; “nỏ” là không; “nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy; “rào” là sông; “bể” là biển; “mô mồ” là đâu nào…

Ông Phan Thanh Dân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà, cho biết đáp án của đề thi là: “Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy / Đâu sông đâu biển thấy đâu nào”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi “dịch” phương ngữ: Sao phải xôn xao?