Thầy giáo bản và nỗ lực vận động học sinh đến trường

Bá Mạnh| 19/11/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đằng sau những giờ dạy, thầy lại quay về cuộc sống thực tại với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với trách nhiệm của một người chồng, người cha và người con trước cảnh bố mẹ già yếu.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hải (SN 1979, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được biết đến là một tấm gương sáng trong ngành giáo dục không chỉ vì những thành tích cao về công tác chuyên môn mà còn cả về đạo đức lối sống và tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người”.

Sinh ra và lớn lên từ làng quê nghèo thuộc huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường thầy Hải đã ham học, ước mơ sau này sẽ được đứng trên bục giảng để giảng dạy. Năm 2003, ra trường với tấm bằng cử nhân loại ưu về chuyên ngành Lịch sử, thầy Hải được phân công về công tác tại trường THCS Môn Sơn.

Thầy giáo bản và nỗ lực vận động học sinh đến trường

Thầy giáo Nguyễn Văn Hải

Về đây, thầy Hải như “cơn gió mới” về cách giảng dạy, thầy đón bắt tâm lý, trình độ của học sinh để truyền thụ một cách dễ hiểu nhất, không cứng nhắc hay máy móc. Một nhiệm vụ khác mà thầy phải thực hiện đi kèm việc giảng dạy là vận động những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đứng trước nguy cơ thất học tiếp tục đến trường.

Thầy Hải chia sẻ: “Học sinh ở đây chủ yếu là con em người dân tộc, việc tiếp thu kiến thức ít nhiều sẽ chậm hơn so với học sinh miền xuôi, nếu cách giảng dạy không phù hợp với các em sẽ không có kết quả cao được. Hơn nữa, các em đến trường còn mang trong mình gánh nặng về kinh tế, các em không chỉ học mà còn là người lao động chính trong gia đình. Mình làm thầy, ngoài truyền thụ kiến thức còn phải là người động viên, san sẻ với các em về những gánh nặng đó.”

Thầy giáo bản và nỗ lực vận động học sinh đến trường

Thầy giáo bản và nỗ lực vận động học sinh đến trường

Vượt rừng, vượt suối đến với học sinh của mình

Gần 13 năm công tác ở miền núi, thầy Hải không còn lạ lẫm với người dân nơi đây. Mức thu nhập của người dân thấp, việc để cho con em theo học còn gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân thầy đã chứng kiến rất nhiều em có năng lực nhưng lại trăn trở, không thể chuyên tâm theo học. Đồng cảm với học sinh, dù khó khăn đến đâu thầy cũng tự hứa không để học sinh của mình phải nghỉ học giữa chừng.

Vượt rừng, lội suối, thầy đến tận nhà các học sinh của mình một cách đều đặn, từ dặn dò các em, thầy lại tìm cách động viên phụ huynh cho các em được học.

“Làm thầy mà chứng kiến học sinh của mình có nguy cơ nghỉ học buồn lắm, các em phải được học, phải có kiến thức cơ bản thì mới tự tin để bước vào xã hội, không thể bước vào đời với những tiếng o, a được…” - thầy Hải trăn trở nói.

Với suy nghĩ đó, suốt 13 năm qua, người dân ở các bản nơi đây đã quen với hình ảnh người thầy quần đùi, áo cộc lầm lũi vượt rừng, vượt suối để đến nhà các học sinh của mình. Mọi cố gắng đều nhận được những kết quả tương xứng, trong suốt thời gian thầy Hải về công tác, tỷ lệ học sinh của trường nghỉ học giữa chừng đã giảm mạnh, những năm gần đây hầu như không có một học sinh nào của thầy phải nghỉ học nữa. Có đến hàng trăm học sinh đã quay lại trường, chuyên tâm học hành từ những cố gắng của thầy Hải.

Nhiệt huyết, yêu nghề, tận tâm với công việc chuyên môn, thầy còn là cá nhân điển hình trong công tác phong trào văn hóa- văn nghệ, thể dục thể thao. Ngoài việc giảng dạy thầy còn được nhà trường giao nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác đoàn đội, thủ quỹ nhà trường.

Thầy giáo bản và nỗ lực vận động học sinh đến trường

Thầy Hải trong một chuyến công tác vận động học sinh đến trường

Một người thầy luôn hết mình với công việc và hết lòng với học sinh nhưng đằng sau những giờ dạy, thầy Hải lại quay về với cuộc sống thực tại của mình với nỗi lo cơm áo.

Gần 13 năm công tác nhưng thầy vẫn thuộc giáo viên hợp đồng huyện với một mức lương cố định: Bậc 1 hệ số 2,34 (không chế độ phụ cấp nào khác kèm theo). Đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống đè nặng. Có những lúc thấy vợ con khó khăn, cha già mẹ yếu nhưng không thể hỗ trợ, giúp đỡ, bản thân thầy tự dày vò, trách mình kém cỏi.

“Cha mẹ đã ngoài 70 tuổi, mẹ lại bị tai biến hơn 3 năm qua, gia cảnh khó khăn mà mình không giúp đỡ được gì, phận làm con buồn và day dứt lắm. Nhiều lúc áp lực cũng nghĩ đến việc bỏ nghề dạy học nhưng rồi lại thấy như vậy là có lỗi với các em học sinh, có lỗi với những người luôn kì vọng vào mình lại thôi” - thầy Hải tâm sự.

Có lẽ điều động viên và hạnh phúc nhất của thầy đó là bên cạnh mình có một người vợ luôn thấu hiểu, sẽ chia những lo toan trong cuộc sống, có bạn bè đồng nghiệp tin yêu giúp đỡ và đặc biệt nhất chính là mỗi khi đến lớp lại được thấy học sinh của mình.

Thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng trường THCS Môn Sơn cho hay, thầy Hải mặc dù có hoàn cảnh khá khó khăn nhưng thầy luôn là tấm gương cho mọi người phấn đấu. Là thầy giáo có năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức rất tốt, luôn gần gũi yêu thương và đồng cảm cùng học sinh. Nhiều năm liền có nhiều học sinh giỏi, tận tụy với nghề, không quản ngại khó khăn, luôn sẵn sàng vượt lên khó khăn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy giáo bản và nỗ lực vận động học sinh đến trường