Tăng hình ảnh nam giới làm việc nhà trong sách giáo khoa mới

Ngô Chuyên| 30/08/2017 10:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sách giáo khoa hiện nay chứa nội dung, hình ảnh mang tính rập khuôn, chưa cập nhật những thay đổi theo xu hướng tích cực về vai trò, vị thế, sự đóng góp của nam-nữ. Đặc biệt, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 và 3 chỉ có 9/21 tác giả nữ được trích dẫn.

Lớp 5 mới được học về giới

Theo kết quả, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 và lớp 3 hiện nay chỉ có 9/61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến trong sách là nữ giới.

Tăng hình ảnh nam giới làm việc nhà trong sách giáo khoa mới

Giáo dục về giới không chỉ là giáo dục giới tính, giáo dục sinh sản đơn thuần mà là các vấn đề của hiện tại như vấn đề đồng tính - hầu như chưa được nói đến trong chương trình phổ thông. Ảnh Ngô Chuyên.

Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện vào tháng 3/2017, số lượng tác giả sách giáo khoa các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ở cấp Tiểu học thì nữ là khoảng 22%, trong khi nam giới gần 60%; còn Trung học thì tác giả nữ 19% còn tác giả nam trên 80%.

Trước sự chênh lệch đó, ông Trần Kim Tự, Cục phó Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), cho hay: “Trước đây, phụ nữ chỉ một số người được đi học và cũng chỉ có một số ít tác giả tác phẩm nổi tiếng là nữ như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Xuân Quỳnh,... Nhiều người cũng đặt câu hỏi tại sao nhiều tác giả nam hơn tác giả nữ nhưng đây cũng là điều khó tránh khỏi khi ta đưa các tác phẩm văn học vào sách giáo khoa”.

Đồng thời, những ví dụ được đưa ra trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng trong các lĩnh vực lịch sử, khoa học và văn hóa thường là nam giới.

Một điểm đáng chú ý nữa là hình ảnh đại diện nghề nghiệp của nam, nữ chưa phản ánh kịp thời xu hướng và những thay đổi trong xã hội. Ví dụ như: nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong sách giáo khoa cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới.

Theo kết quả thống kê cho thấy 80% nhân vật nam giới trong sách có nghề nghiệp cụ thể, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ đạt 66%. Trong khi nữ giới chủ yếu là các nghề giáo viên, nội trợ, nhân viên thì nam giới có ngành nghề đa dạng hơn như kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, công an, bộ đội.

Bên cạnh đó, vấn đề được ông Tự nêu ra trong hạn chế của sách giáo khoa hiện nay chính là những bài học liên quan về giới tính. Ông Tự nói: “Bài học đầu tiên về giới tính được dạy trong môn Khoa học lớp 5. Cụ thể trong bài 21, bài đầu tiên về sức khỏe và con người, học sinh được học về sự sinh sản, nam hay nữ, cơ thể được hình thành như thế nào, từ lúc mới sinh đến dậy thì, từ tuổi vị thành niên đến tuổi già, tuổi dậy thì, vệ sinh tuổi dậy thì và phòng chống xâm hại như thế nào…”.

Tăng hình ảnh nam giới làm việc nhà trong sách giáo khoa mới

Sách giáo khoa hiện hành mặc định rằng, nhân vật nữ thường làm nông nghiệp, nấu ăn, mua sắm, đi chợ,…. Ảnh minh họa nguồn Internet.

Nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho những người làm công tác biên soạn

Để hạn chế những sự việc bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa mới, ông Trần Kim Tự cho hay: “Tới đây, Bộ GD-ĐT nghiên cứu đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo. Cụ thể sẽ thêm hình ảnh nam giới làm việc nhà, nhấn mạnh vai trò phụ nữ làm kinh tế,…”.

Với sách giáo khoa mới, theo ông Trần Kim Tự: “Các hình ảnh biểu đồ minh họa nội dung sách giáo khoa sẽ được thể hiện trung tính một cách hợp lý. Sẽ thể hiện hình ảnh tích cực hơn của trẻ em như con trai hạn chế vật lộn, hút thuốc, vứt rác… Thay vào đó sẽ là làm việc nhà, giúp đỡ nữ giới”.

“Hình ảnh phụ nữ sẽ hoạt bát, tự tin hơn. Hình minh họa sẽ tránh lời nói chỉ dẫn của nam, phục tùng là nữ, tránh phân biệt giới khi sử dụng từ ngữ như trụ cột, cháu đích tôn, phái mạnh để mặc định cho nam giới và các hoạt động nhẹ nhàng, làm việc nhà… để mặc định cho nữ giới, nhấn mạnh vai trò phụ nữ làm kinh tế...”, ông Tự nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tập huấn, nâng cao năng lực về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong việc xây dựng và thẩm định chương trình, sách giáo khoa cho đội ngũ những người làm công tác biên soạn, thẩm định.

Cũng chia sẻ về vấn đề bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nói: “Với chương trình phổ thông mới, sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân viết các bộ sách chứ không chỉ riêng Bộ GD-ĐT nên vấn đề bình đẳng giới còn phụ thuộc vào những người viết sách. Chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho tác giả viết sách giáo khoa, rồi cả các biên tập viên cho các nhà xuất bản sách giáo khoa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng hình ảnh nam giới làm việc nhà trong sách giáo khoa mới