Tản mạn Tết Thầy

Lan Trần| 10/02/2016 15:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy”... Từ xa xưa, cha ông mình đã biết dạy cháu con những lễ nghĩa trong đạo làm con, làm trò những ngày Tết đến, Xuân về.

Cha tôi làm nghề dạy học. Ông giáo làng ở một miền quê yên bình của cái thời mà đi đâu cũng được bà con dân làng gọi là ông giáo. Hồi còn nhỏ, những ngày mùng 3 với tôi là hình ảnh các anh chị học trò cấp ba đi bộ, đi xe đạp dắt díu nhau đến ngồi chật gian nhà nhỏ. Mấy anh chị mang một cặp bánh chưng, có chị thì mang vài quả cam, vài quả trứng gà (lêkima) vàng ruộm, tươi rói vừa hái ở vườn nhà. Oách lắm thì có năm thấy có hộp mứt Tết màu đỏ bọc túi bóng kính... Buồn cười là tất cả các anh chị đến Tết thày mà cứ đùn đẩy ai vào trước ai vào sau, ai sẽ nói lời chúc Tết thầy. Còn tôi lại tất bật bóc bánh chưng ra mời lại khách của bố. Năm nào sang hơn thì sẽ có thêm món mứt khoai tây hay cà rốt tự làm. Rồi sau những đùn đẩy ban đầu, bánh chưng hay mứt Tết cũng được chén sạch bách trong tiếng cười rộn ràng ngày xuân.

Tản mạn Tết Thầy

"Mùng Một tết Cha, mùng Hai tết Mẹ, mùng Ba tết Thầy"

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Những anh chị học trò của cha tôi nhiều người giờ đã lên ông lên bà. Khóa học sinh cuối cùng của cha tôi trước khi về hưu cũng đã trưởng thành. Nhưng mỗi năm vào mùng 3 Tết, cha tôi vẫn giữ thói quen không đi khỏi nhà bởi ông biết vẫn có các học trò của mình về thăm thầy cũ. Thầy - Trò tóc bạc như nhau, ngồi ôn chuyện xưa làm lòng người rưng rưng bất chợt.

Đem câu chuyện Tết thầy kể cùng đồng nghiệp trẻ, cô bé cười khì khì phán một câu: Tết thầy xưa phức tạp hơn giờ. Nghĩ cũng phải, Tết nhất giờ dồn lên vai các bậc sinh thành. Trước Tết, một phần việc không thể thiếu đối với cha mẹ nào có con đi học là đi Tết thầy cô. Cái Tết thời thị trường đôi lắm lúc thực tế đến phũ phàng khi chỉ là một chiếc phong bì nhẹ nhàng đặt lên bàn cô giáo. Nhà nào lịch sự hơn sẽ là một chiếc thiếp chúc Tết có “nội dung” bên trong. Có lẽ rất hiếm ai đó mất công mua một món quà Tết thực sự hay dám mang chút quà đơn sơ cây nhà lá vườn như những học trò của cha tôi ngày trước.

Dĩ nhiên, cuộc sống hiện đại bây giờ đã khác. Cách đi Tết của phụ huynh với thầy cô cũng khác. Nhưng đám trẻ nhỏ như con nhóc nhà tôi vẫn hẹn hò để đến nhà cô chủ nhiệm. Dĩ nhiên chúng chẳng mang theo cái bánh chưng hay hộp mứt để Tết cô. Với đám nhóc đó là việc của cha mẹ, còn chúng chỉ là đi chơi. Bốn mươi đứa nhóc học lớp 9 to lộc ngộc “làm vỡ” cả gian chung cư của cô chủ nhiệm. Nhà cô giáo của con gái tôi cũng chẳng có người mà bóc bánh chưng như tôi từng làm. Nhưng cô cũng kịp chiêu đãi mỗi đứa suất cơm rang đặt sẵn ở quán phở gần nhà mà may mắn là họ không nghỉ trong dịp Tết.

Kết thúc một buổi ở nhà cô, con nhóc về với bộ mặt hào hứng, kể ríu rít những câu chuyện không đầu không đuôi trong ngày Tết Thầy đáng nhớ. Cũng khác với thời của cha, thế nào nhóc cũng giơ ra chiếc lì xì màu đỏ khoe là cô mừng tuổi. Và cha tôi khi đó chỉ mỉm cười đầy ý nhị: “Tết Thầy thế đấy con ạ, cuộc sống có thế nào cũng chẳng thay đổi được đâu”.

Vâng, dù cuộc sống có thay đổi thế nào, thì Thầy sẽ vẫn mãi là một trong ba người quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người và truyền thống tôn sư trọng đạo sẽ luôn như mạch nước ngầm chảy mãi trong tâm hồn của người Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn Tết Thầy