Sinh viên ra trường có việc làm quan trọng hơn bảng xếp hạng

Ngô Chuyên| 08/09/2017 16:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi một nhóm nghiên cứu độc lập công bố bảng xếp hạng các trường đại học, trong 49 trường thì những trường đình đám như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Y xếp ở phía sau để “nhường chỗ” cho ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân.

Trước điều bất ngờ đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Trước hết, tôi khuyến khích có một tổ chức nghiên cứu độc lập tiến hành xếp hạng các trường ĐH Việt Nam theo bộ tiêu chí nào đó. Nếu kết quả nghiên cứu này tốt, khi công bố, các trường sẽ xem chất lượng đào tạo cũng như khả năng đáp ứng được kỳ vọng của thị trường lao động là rất tốt. Ngoài ra, vấn đề cơ sở vật chất, quản trị sẽ tham gia vào việc nâng cao chất lượng đào tạo”.

Sinh viên ra trường có việc làm quan trọng hơn bảng xếp hạng

Không nên quá coi trọng bảng xếp hạng mà nên chú trọng vào tiêu chí tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm như thế nào. Ảnh minh họa, nguồn Internet. 

Tuy nhiên thầy Điền cũng nêu ra hai vấn đề mà thầy băn khoăn trước bảng xếp hạng do nhóm nghiên cứu độc lập đưa ra:

Thứ nhất, về tính chính xác: Khi thực hiện nghiên cứu này, trước hết phải xuất phát từ bộ tiêu chí để xác định thực sự khách quan hay chưa. Bây giờ, ngay cả thế giới cũng có những bộ tiêu chí khác nhau để đánh giá một trường ĐH.

"Chẳng hạn như SCImago sử dụng bộ tiêu chí khác với các tổ chức khác. Họ nhấn mạnh ở điểm này, xem nhẹ ở điểm khác. Việc áp dụng bộ tiêu chí nào giống như thước đo, chuẩn mực để đánh giá một trường, tôi không biết nhóm nghiên cứu đã thực sự đối thoại, tìm hiểu các trường và giới chuyên môn rộng rãi hay chưa", thầy Điền dẫn chứng.

Thứ hai, về nguồn dữ liệu: Nhóm nghiên cứu thừa nhận sử dụng nguồn dữ liệu đã có ở các cơ quan quản lý nhà nước và một số báo cáo, thầy Điền chia sẻ: "Trong trường hợp này, với quan điểm của nhà khoa học, tôi đặt ra dấu hỏi thực sự nguồn dữ liệu đã đáng tin cậy và phản ánh đầy đủ các hoạt động của nhà trường để đánh giá một trường ĐH?".

Nếu theo cách tiếp cận của tôi, nhóm nghiên cứu này chắc chắn phải tiếp xúc với các trường. Nhưng đến bây giờ, trường Bách khoa Hà Nội chưa nhận được bất cứ đề nghị nào để cung cấp hay kiểm chứng thông tin từ nhóm nghiên cứu. Bản thân trường cũng ủng hộ việc nhóm nghiên cứu đánh giá trường đại học với mục tiêu chúng ta nhìn nhận lại để làm tốt hơn công tác đào tạo và quản lý.

Bên cạnh đó, hiện nay, một cơ sở giáo dục đại học phải là một trung tâm nghiên cứu và công bố quốc tế mạnh. “Theo xếp hạng của SCImago, Bách khoa Hà Nội đứng trong nhóm hàng đầu về công bố quốc tế. Tôi đồng ý nghiên cứu khoa học là tiêu chí mạnh trong đó, tuy nhiên chưa đủ”, thầy Điền nói.

Thầy Điền cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Việc xác định tiêu chí cần hết sức thận trọng. Đây là chủ đề nhạy cảm và theo cách tiếp cận của những người làm khoa học, nó tiệm cận với các bên tham gia và có sự bàn bạc, đánh giá, chứ không thuần tuý nghiên cứu bản tài liệu và đưa ra đánh giá như vậy. Nếu nó thực sự hợp tình, hợp lý, được xã hội chấp nhận thì chắc là sẽ không có nhiều thảo luận và trao đổi ý kiến trên mạng như thế này”.

Thầy Điền cũng chia sẻ: "Nêm xem tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là tiêu chí quan trọng nhất  cần đưa vào bảng xếp hạng các trường đại học, đây mới là tiêu chí quan trọng. “Bởi vì sứ mạng của một trường đại học là phục vụ cho xã hội. Đặc biệt, đối với cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thì việc hoàn thành sứ mạng để đáp ứng yêu cầu của xã hội là rất quan trọng, cần phải lưu tâm đầu tiên. Tất nhiên, không thể bỏ qua những yếu tố khác liên quan đến chất lượng đào tạo, trong đó có nghiên cứu khoa học. Bởi vì việc nghiên cứu khoa học có tác động rất lớn đến nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ của giảng viên, cũng như cơ sở vật chất và quản trị đại học”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên ra trường có việc làm quan trọng hơn bảng xếp hạng