Sách giáo khoa nên là một bộ chuẩn dùng cho cả nước

Mai Thoa - Ngô Chuyên| 10/11/2018 10:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 8/11 vừa qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Giáo dục (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm vấn đề áp dụng một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK).

Một chương trình nhiều sách giáo khoa cần phải thận trọng

Theo góp ý của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), một chương trình nhiều sách giáo khoa cần phải thận trọng, chú ý. Giáo dục phổ thông cần thống nhất chung cả nước, không thể nào quy định, chỗ này, chỗ kia được phát triển thêm đưa vào chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa… của địa phương mà không ghi rõ là chương trình nhiều hay ít, thời lượng là bao nhiêu, chiếm tỷ lệ bao nhiêu %.

Sách giáo khoa nên là một bộ chuẩn dùng cho cả nước

Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục sửa đổi

Ông Hòa dẫn chứng: "Cụ thể như chương trình đưa ra thực nghiệm mà vừa rồi nói là công nghệ giáo dục thì mỗi nơi dạy một kiểu. Trường nào muốn dạy thì dạy, trường nào không muốn dạy là không dạy. Cùng trong một hệ thống giáo dục quốc dân, thậm chí trong một địa phương mà có trường dạy, trường không dạy. Bộ GD-ĐT đã giải thích nhiều kiểu, nhiều chiều nhưng tôi thấy chưa hài lòng".

Theo góp ý của đại biểu, "muốn chương trình thực nghiệm đưa ra giảng dạy đại trà thì phải có tổng kết, rút kinh nghiệm. Từ chỗ nhiều sách giáo khoa dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách dẫn đến sách giáo khoa thiếu cục bộ, có nơi thừa sách giáo khoa môn này, có nơi thiếu sách giáo khoa môn khác. Cụ thể như: tỉnh Đồng Tháp, vừa rồi thiếu sách Toán và chữ Tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Hỏi hết, lên tận Sài Gòn cũng không có nữa, qua Hậu Giang, qua Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có. Vì đến lúc khai giảng, giáo viên nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, sách giáo khoa này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa. Đây là vấn đề hết sức bất cập. Cho nên, nếu thực hiện 1 chương trình nhiều sách giáo khoa thì phải có quy định hết sức chặt chẽ".

Về vấn đề thi THPT 1 trong 2 thì phải tính toán cách thi làm sao cho phù hợp, không bị phản ứng, tiêu cực để đông đảo bà con, cử tri nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Tôi thấy không có năm nào như năm nay, thi tỷ lệ đạt của mỗi tỉnh chung của cả nước đạt gần 99%. Đã nói đến thi thì tất nhiên có người trúng, người trượt. Nhưng trúng hoàn toàn gần như hết số lượng học sinh thì tôi nghĩ chất lượng đầu vào của đại học rất khó khăn. Không nói đến chuyện tiêu cực ở một số tỉnh đã xảy ra, chẳng qua nơi đó phát hiện thôi, còn những nói khác thì chưa biết ra làm sao nhưng cách thi như vậy thì không ổn”, ông Hòa nói.

Theo đại biểu, "nếu thi đạt gần như 100% như vậy thì không nên tổ chức thi tuyển để cấp bằng TPHT nữa mà xét tuyển từ lớp 10, 11, 12, để cấp bằng THPT để đỡ tốn tiền của, thời gian. Còn việc thi tuyển vào đại học thì phải thi như trước đó. Các em thấy mình học giỏi, học khá đảm bảo thi vào đại học được thì thi. Còn các em thấy không thi được thì phân luồng để cho các em, các cháu học nghề".

Giáo dục gia đình

Góp ý về dự án Luật giáo dục sửa đổi, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, về nguyên lý giáo dục, hiện đang sắp xếp theo tính nhân văn, dân tộc, hiện đại, nên sắp xếp lại là tính khoa học, hiện đại, nhân văn, dân tộc.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần quy định công nhận giáo dục tại gia đình, vì hiện nay có đến 10 vạn trẻ em được giáo dục tại gia đình và nhiều gia đình  không muốn cho trẻ đến trường lớp. "Ví dụ 1 trẻ ở Tây Nguyên mới 12 -13 tuổi đã làm được toán lớp 11. Nhưng khi gia đình xin cho em vào học lớp 11 thì nhà trường không nhận vì em này chưa được công nhận đã học xong giáo dục tiểu học, THCS. Nhưng sau đấy 1 trường quốc tế đã nhận em này sau khi sát hạch", đại biểu Hiểu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiểu đề cập đến vấn đề cần định hướng giáo dục gia đình, để sau này trẻ có thể tiếp cận được chương trình giáo dục cao hơn mà không theo trình tự thông thường kiểu lần lượt qua lớp 2 mới lên lớp 3.

Sách giáo khoa nên là một bộ chuẩn dùng cho cả nước

 Sách giáo khoa nên là 1 bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đề xuất, Bộ GD-ĐT quy định. Ảnh Hải Nam.

"Đối với chính sách giáo dục phổ thông quy định cho phép UBND tỉnh, thành có quyền biên soạn nội dung bổ sung, nhưng lại không quy định tỷ lệ bổ sung cụ thể, sau này họ lại bổ sung đến 50%, cho rằng phải học nhiều về địa phương thì làm thế nào?", ông Hiểu nêu câu hỏi.

Đại biểu đề nghị phải có tỷ lệ trong luật, cụ thể 5%, 10%, để tránh việc học quá nhiều về địa phương mà không học chương trình quốc gia.

"Cần có quy định nội dung bắt buộc với các trường quốc tế có học sinh Việt Nam, vì “dân ta phải biết sử ta”, nếu không có định hướng sẽ dẫn đến tình trạng ngoài sự kiểm soát, rất xa với truyền thống dân tộc, trong khi mục tiêu giáo dục của chúng ta là giáo dục con người Việt Nam", ông Hiểu nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, ông lo lắng về quy định “thực hiện xã hội hóa, biên soạn sách giáo khoa. Năm vừa rồi sách là vấn đề nóng toàn xã hội, do in không đủ, không biết mua ở đâu, nhiều sách không thống nhất. Về nguyên tắc chung, sách giáo khoa nên là 1 bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đề xuất, Bộ GD-ĐT quy định, dùng được cho nhiều năm và hàng năm có bổ sung không nhưng không bổ sung quá 10%, nếu được thì vài ba năm sửa 1 lần. Còn sách tham khảo cũng chỉ nên có quy định một lượng nào đó thôi, vì ngay cả học Đại học, thầy hướng dẫn cũng chỉ nêu một số tài liệu thôi, còn ai đọc rộng hơn thì tùy.

Xã hội hóa thì nên xã hội hóa việc in ấn thôi, vừa qua độc quyền in nên mới có chuyện. Xã hội hóa in ấn thì đúng, chứ không được xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa biên soạn là hỏng hẳn”, đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Theo đại biểu, cần quy định 1 môn học có 1 sách giáo khoa chuẩn và 1 bộ sách tham khảo. Nếu sách ổn định như vậy thì không có chuyện thiếu sách.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng: “Đã nói là luật thì phải thống nhất, sách giáo khoa phải thống nhất. Xây dựng trường, lớp, bàn ghế, dụng cụ học tập… có thể xã hội hóa, để gia đình, phụ huynh đóng góp, chứ sách giáo khoa mà xã hội hóa thì tôi không đồng tình”.

Quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa trong giảng dạy, dễ dẫn đến trong 1 địa bàn, cụ thể trong 1 tỉnh có nhiều trường thì các trường lựa chọn sách giáo khác nhau, dẫn đến trình độ bài học của học sinh khác nhau, khi thi cử các địa bàn khác ở tỉnh khác trong toàn quốc thì sự hiểu thống nhất cũng khác nhau.

Quy định về tham khảo ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh về lựa chọn sách giáo khoa là không khả thi vì bản thân học sinh, cha mẹ học sinh không có đầy đủ thông tin để lựa chọn vì dân trí ở các tỉnh, thành, địa bàn khác nhau là có trình độ khác nhau. Cha mẹ đâu có đủ trình độ thông tin để chọn sách cho con. Không biết Bộ GD-ĐT chọn thể nào. Đồng ý xã hội hóa nhưng là để xây dựng trường lớp, còn sách thì dứt khoát phải thống nhất, phải có bộ chuẩn”, đại biểu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách giáo khoa nên là một bộ chuẩn dùng cho cả nước