Nhiều thí sinh điểm cao vẫn lo trượt nguyện vọng 1

Ngô Chuyên| 11/07/2017 06:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi có điểm thi, nhiều điểm 10 xuất hiện khiến cho thí sinh lo lắng. Chính vì vậy, thời điểm này nhiều phụ huynh và thí sinh đặc biệt quan tâm đến mức điểm sàn mà các trường Đại học sẽ công bố, để qua đó cân nhắc có nên thay đổi nguyện vọng 1.

Phụ huynh và học sinh lo lắng

Chị Nguyễn Thị Hương (45 tuổi, Hà Tĩnh) có con trai năm nay vào đại học, sau khi công bố kết quả thi con đạt 24,5 điểm nhưng vẫn lưỡng lự có nên thay đổi nguyện vọng 1 hay không?

Chị Hương chia sẻ: “Vì sợ, năm nay các bạn của con đăng ký cùng trường với con điểm cũng sàn sàn nhau. Thậm chí, nhiều cháu còn điểm cao hơn nên mấy ngày hôm nay nhà tôi lo lắng đứng ngồi không yên. Cả nhà họp lại và đang có hướng thay đổi nguyện vọng 1 cho con”.

Nhiều thí sinh điểm cao vẫn lo trượt nguyện vọng 1

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2017, là cơ hội để các thí sinh, phụ huynh hiểu rõ hơn về nhu cầu nhân lực của các ngành nghề hiện nay. Ảnh Ngô Chuyên.

Chị Hương cho biết thêm: “Con tôi đăng ký nguyện vọng 1 là trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, năm ngoái khoa kinh tế lấy 23,5 điểm, căn cứ vào điểm hiện nay thì rất nhiều cháu đạt mức điểm như con tôi nên cả nhà đang bàn tính thay đổi nguyện vọng 1 vào trường khác để có cơ hội đậu cao hơn”.

Thời điểm này, điều mà nhiều thí sinh, phụ huynh khá quan tâm là mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn liệu có khiến mức điểm chuẩn tăng đột biến?

Chia sẻ về những băn khoăn này, tiến sĩ Phạm Thu Hương, Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Theo dữ liệu điểm thi thì điểm 8 trở lên tăng rõ rệt. Chỉ cần nâng điểm chuẩn lên 0,2 điểm so với năm trước thì số lượng thí sinh trúng tuyển đã tăng vọt lên khá nhiều. Tuy nhiên Đại học Ngoại thương cũng sẽ rất thận trọng trong việc nâng mức điểm chuẩn”.

Cũng liên quan đến vấn đề điểm chuẩn, đại diện trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ nhận định: “Về lý thuyết, mặt bằng chung lên cao, thì điểm xét tuyển sẽ tăng. Tuy nhiên, mức cụ thể thế nào thì phải căn cứ vào mức điểm đã đạt của những thí sinh đăng ký vào từng ngành xét tuyển”.

“Riêng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn (ngày 12/7) cũng sẽ công bố ngưỡng nhận hồ sơ với mức điểm khác nhau giữa các ngành khác nhau. Dự kiến mức điểm nhận hồ sơ cụ thể này sẽ được trường công bố vào ngày 13/7 hoặc 14/7”, ông Tớp cho hay.

Nhiều phụ huynh hướng cho con đi học nghề

Thay vì chọn cùng con chọn một trường Đại học, chị Nguyễn Thị Chi (quận Hà Đông, Hà Nội) và con trai đã tìm đến những gian tư vấn của học nghề (tại Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2017) để nghe xem hiện nay xã hội đang có nhu cầu việc làm gì nhiều. Từ đó, về cùng con cân nhắc sẽ lựa chọn học trường nghề nào và ngành nào.

Chị Chi chia sẻ: “Năm nay, điểm thi của các cháu rất cao vì vậy những trường đại học top đầu thì chỉ dành cho những cháu 28-30 điểm, bởi vậy, mức điểm từ 17 – 20 điểm như của con tôi thì khó vào được những trường top. Nếu vào những trường vừa với điểm của con mình hiện tại thì tôi lo ra trường không có việc làm”.

“Bên cạnh đó, khi mới vào lớp 10 cho đến nay con tôi cũng xác định là đi học nghề, không đi học Đại học, đồng thời bản thân cháu cũng thích học nghề điện tử như bố hiện nay đang làm nên gia đình tôi không phải lo lắng để hướng nghiệp cho con như những gia đình khác”, chị Chi chia sẻ thêm.

Nhiều thí sinh điểm cao vẫn lo trượt nguyện vọng 1

Tiến sĩ Đào Công Hải - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, đã trực tiếp tư vấn cho phụ huynh và học sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2017. Ảnh Ngô Chuyên.

Chia sẻ cùng với những lo lắng của phụ huynh và học sinh trước cánh cửa tương lai, tiến sĩ Đào Công Hải- Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội cho hay: “Việc học Cao đẳng hay Đại học là quyền lựa chọn của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên nếu học Đại học hay Cao đẳng mà không tìm được việc làm thì đó là đầu tư rất lãng phí. Do vậy theo tôi, phụ huynh và học sinh nên tính bài toán kinh tế một cách rõ ràng và khoa học”.

“Đặc biệt, nên đầu tư như thế nào cho hiệu quả mà ra trường các cháu có việc làm. Ví dụ: Ba năm Cao đẳng ra trường xin việc rồi đi làm. Sau khi ổn định có thể tiếp tục học Đại học vài ba năm nữa đó cũng là một đầu tư thuận lợi. Đây cũng là những trải nghiệm mà nhiều bạn sinh viên đã từng trải qua, phụ huynh và học sinh có thể tham khảo”, tiến sĩ Hải chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ với báo chí tại Ngày hội tư vấn xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2017 vào ngày 8/7 vừa qua được biết: “Năm nay, chỉ tiêu xét tuyển Đại học không cao so với chỉ tiêu số thí sinh đăng ký trong cả nước. Vì vậy số lượng, nguồn tuyển rất là nhiều cho các trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thí sinh điểm cao vẫn lo trượt nguyện vọng 1