Miễn học phí có phải là chính sách vẹn cả đôi đường?

Xuân Diệp| 24/11/2017 09:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, theo đó điểm đáng chú ý mà Bộ GD-ĐT đưa ra là miễn học phí đến cấp THCS và tăng lương cho giáo viên.

Trước thông tin về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện nay, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Liệu một lúc có làm được hai việc này không?”.

Với nhiều phụ huynh, ngay khi Bộ GD-ĐT công bố về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành đề cập đến miễn học phí từ đến cấp trung học cơ sở, họ tỏ ra phấn khởi đặc biệt là những phụ huynh có thu nhập thấp, những phụ huynh sống ở khu nông thôn có kinh tế khó khăn.

Khá là phấn khởi với dự thảo Luật giáo dục mới đưa ra, chị Trần Thị Thảo (34 tuổi, ở Can Lộc – Hà Tĩnh) nói: “Đối với chúng tôi, hiện nay con đi học được giảm học phí là điều đáng mừng, nhất là những ngày đầu năm học 3 đứa con đi học, cộng cả tiền học phí, cộng tiền các khoản đóng góp cũng khá nặng, nên giảm được đồng nào hay đồng ấy”.

Miễn học phí có phải là chính sách vẹn cả đôi đường?

Miễn học phí đó có phải là bài toán hay không?. Ảnh Hải Nam.

Cũng theo chị Thảo, khi giảm học phí cơ hội đi học của học sinh nghèo ở vùng nông thôn sẽ nhiều hơn, không phải cánh cánh đến tháng là lo tiền học phí cho con. “Nhất là có con học cấp 1 cứ đến tháng cô nhắc đóng tiền học phí mà về chưa có là chúng không chịu đi học vì sợ xấu hổ với bạn bè, vì sợ cô nhắc”, chị Thảo trải lòng.

Cũng giống tâm trạng chị Thảo, chị Nguyễn Thị Huyền (Vĩnh Hưng, Hà Nội) chia sẻ: “Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, học sinh đến trường không phải đóng học phí đó là một cái nhân văn. Ở nước mình mức học phí cũng không phải là cao tuy nhiên khi miễn học phí thì cơ hội cho con em ở vùng khó khăn, miền núi có điều kiện đến trường, được học hành đầy đủ hơn”.

“Hiện nay, cấp 1 và cấp 2 đã phổ cập rồi, nên là miễn học phí cũng là chính sách hay, khuyến khích trẻ em ở vùng khó khăn đến trường, đặc biệt lên vùng cao nhiều em đang tuổi học lớp 7 - lớp 8 phải nghỉ học vì lý do không có tiền đóng học. Nên miễn học phí thì cơ hội các em được đến trường, được theo con chữ nhiều hơn. Dẫu có em chỉ được học hết cấp 2 nhưng còn hơn là bỏ học giữa chừng”, chị Huyền nói thêm.

Cũng tâm trạng vui mừng như nhiều phụ huynh khi con đi học được miễn học phí, bớt được một khoản chi tiêu hàng tháng cho gia đình, nhưng nhiều phụ huynh lại băn khoăn miễn học phí nhưng muốn tăng mức lương cho giáo viên thì khó.

Miễn học phí có phải là chính sách vẹn cả đôi đường?

Nhiều phụ huynh lo ngại sẽ phát sinh thêm các khoản phụ phí khác khi giảm học phí. Ảnh Hải Nam.

Lý giải về cái khó đó, anh Ngô Đức Lâm chia sẻ: “Hiện nay, học sinh các cấp đang phải đóng học phí, thế nhưng mức lương của giáo viên còn thấp, còn phải gồng gánh đủ nghề để mưu sinh như: dạy thêm, bán hàng online… thì tôi cũng có phần băn khoăn. Dẫu rằng hiện nay học phí không cao, nhưng một phần nào đó học phí chính là sự san sẻ gánh nặng giữa gia đình với xã hội”.

“Thời gian qua, đài báo cũng nói nhiều về lương giáo viên, nói nhiều về chuyện bỏ nghề vì lương thấp hay nữ giáo viên cống hiến cả đời nhưng về hưu chỉ nhận được 1.300.000 đồng/tháng lương hưu, họ phải đi rửa bát ở nhà hàng để kiếm thêm thu nhập…. thì liệu có ổn không? Rồi miễn học phí thì lấy ngân sách nào để bù vào khoản đó? Lương giáo viên có tăng được cao nhất không? Đó là câu hỏi không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh đặt ra hiện nay”, anh Lâm cho biết thêm.

Cũng theo nhiều ý kiến phụ huynh lo ngại khi miễn học phí thì sẽ phát sinh thêm nhiều khoản thu? Theo họ, chính sách Bộ đưa ra thực sự rất nhân văn nhưng bài toán về thu nhập cho giáo viên thì quả thực rất nan giải.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miễn học phí có phải là chính sách vẹn cả đôi đường?