Ký ức cảm động của cựu sinh viên xếp bút nghiên lên đường kháng chiến

Nguyễn Đình Kim Cương| 30/04/2015 09:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giữa lúc bom rơi đạn nổ đầy trời, rời trường đại học đi chiến đấu mà cha mẹ không hề hay biết, không có người thân đưa tiễn thì sự có mặt các thầy, cô giáo là hiện thân của người cha, người mẹ, người thân… đưa tiễn các con trước khi ra trận.

Một lần tình cờ tôi gặp thầy Hà Tùng Sơn, cựu sinh viên trường Đại Học Vinh, khi biết tôi quê Quỳnh Thạch, (Quỳnh Lưu, Nghệ An), thầy..."A" lên như người xa xứ lâu ngày gặp đồng hương nơi đất khách: “Quỳnh Thạch là nơi ngày xưa khoa văn của mình sơ tán đấy”. Rồi như một lẽ tự nhiên, tôi bị cuốn vào câu chuyện thú vị ngập tràn ký ức của thầy. 

Thầy Sơn, mái tóc đã pha sương, lốm đốm những sợi trắng như phấn trắng. Tuổi đã qua lục thập nhưng giọng nói của thầy vẫn sang sảng, khỏe khoắn đậm chất “Quảng Bình quê ta ơi!”. Qua giọng nói dí dỏm, vui vẻ dễ gần của thầy, tôi có thể cảm nhận được lòng nhiệt huyết, nhiệt tâm, nhiệt tình từ thầy.

Ký ức cảm động của cựu sinh viên xếp bút nghiên lên đường kháng chiến

Thầy Sơn khi mới nhập ngũ

Thầy kể tôi nghe, chuyện đời, chuyện nghề, chuyện một thời hào hùng trai trẻ “sục sôi đi cứu nước với con tim căng tràn máu nóng” và đặc biệt là những kỷ niệm sâu sắc về thầy trò Trường Đại học Sư phạm Vinh (hiện giờ là trường Đại Học Vinh) thời đánh Mỹ.

Thầy Sơn sinh ngày 8/01/1954 tại Quảng Bình. 17 tuổi, thầy trở thành sinh viên học lớp 12A, khóa 12, khoa Ngữ Văn, trường Đại học sư phạm Vinh niên khóa 1971 – 1975. Do đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, trường Đại học sư phạm Vinh bấy giờ phải phân tán về học mỗi khoa ở mỗi xã phía bắc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), khoa văn của thầy sơ tán về Xã Quỳnh Thạch.

Năm 1972, kẻ thù điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh, bom đạn cày nát xóm thôn miền Bắc, gieo rắc tang thương xuống đồng bào miền Nam ruột thịt. Với lòng yêu nước ngất trời, triệu triệu thanh niên miền Bắc viết tâm thư bằng máu tình nguyện “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với tâm nguyện “cuộc đời đẹp nhất là được ở trên trận tuyến đánh quân thù”.

Tháng 9/1972, hàng ngàn thầy trò trường Đại học sư phạm Vinh cùng hăng hái đăng ký lên đường ra trận, song chỉ có 180 cán bộ giảng dạy và sinh viên thuộc đủ các khoa được trúng tuyển, trong đó có thầy Sơn vừa học hết năm thứ nhất.

Ký ức cảm động của cựu sinh viên xếp bút nghiên lên đường kháng chiến

Lễ tiễn quân tại xã Quỳnh Văn năm 1972

Ngày 10/9/1972, Lễ tiễn quân được tổ chức tại một bãi đất trống thuộc xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An, nay là trường THPT Quỳnh Lưu 2). Cả hàng quân phấn chấn hẳn lên khi có thầy Hiệu trưởng và Hiệu phó cùng đến tiễn (rất nhiều người hôm nay mới được biết tên các thầy). Sau khi bắt tay từng người, GS. Hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào phát biểu rồi căn dặn: “Các con đi đánh giặc cho nhanh rồi lại về với thầy nhé!”. Đến lượt Thầy Hiệu phó Lê Hoài Nam, thầy đứng lặng, rồi nhìn khắp nhưng khuôn mặt như khắc ghi hình ảnh những cán bộ và sinh viên thân yêu của trường sắp lên đường ra trận. Thầy nói: "Hẹn gặp lại các bạn trong ngày chiến thắng trở về".

Những câu căn dặn của các thầy lúc đó, nó thiêng liêng, tha thiết làm sao, giữa lúc chiến tranh, bom rơi đạn nổ đầy trời, rời trường Đại học đi chiến đấu mà cha mẹ ở quê không hề hay biết, không có người thân đưa tiễn, thì sự có mặt các thầy, cô giáo là hiện thân của người cha, người mẹ, người thân… đưa tiễn và căn dặn các con trước khi ra trận.

Lời dặn dò đó như tình phụ tử theo họ suốt cả cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Lứa cựu sinh viên thuở ấy khi hội ngộ kể cho nhau nghe: Có người bị thương nặng chỉ muốn được chết đi để chấm dứt nỗi đau. Có người rơi vào vòng vây kẻ thù một chọi mười tưởng như tuyệt vọng. Lại có người rơi vào tay quân địch bị tra tấn hết sức dã man đã từng có ý định buông xuôi tất cả, thì hình ảnh quê hương, cha mẹ và mái trường đại học với thầy, với bạn đã tiếp thêm ý chí và sức mạnh để họ làm nên chiến thắng.

Tháng 4/1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thầy Sơn vinh dự có mặt trong đội hình của Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng và tiếp quản thành phố Sài Gòn. Sau ngày giải phóng thầy được phân công về công tác tại quận 3 (TPHCM), đến đầu năm 1976, thì được xuất ngũ trở về trường cũ, vào học tiếp ở lớp 16D, khoá 16, khoa Văn. Lúc này thầy Nguyễn Thúc Hào đã chuyển ra Hà Nội công tác, thầy Lê Hoài Nam trở thành Hiệu trưởng nhà trường. Thầy trò gặp lại nhau trong niềm vui chiến thắng và hội ngộ thật cảm động.

Ký ức cảm động của cựu sinh viên xếp bút nghiên lên đường kháng chiến

Thầy Sơn (thứ 3 từ trái sang) cùng các cựu sinh viên trong một lần về thăm lại trường cũ

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp, thầy Hà Tùng Sơn được phân công về giảng dạy ở Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Quy Nhơn. Năm 1981, thầy được cử đi học cao học tại Đại học Sư phạm vinh (khóa 6). Năm 2010, khi đã ở cái tuổi qúa nửa cuộc đời, Thầy chuyển vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh với cương vị mới: Phó Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính; Giảng viên Ngữ văn môn Văn học Trung Quốc, Trường Đại học Văn hiến và thường xuyên thỉnh giảng ở các trường Đại học Bình Dương, Đại học Tây Nguyên cho tới bây giờ.

Bao năm đi chiến đấu rồi hòa bình lập lại tiếp tục gắn bó với công tác quản lý, giảng dậy, thầy Sơn vẫn thấy yêu và gắn bó với nghề, thầy chia sẻ "Cuối cùng thì nghề dạy học vẫn là đam mê lớn của đời mình".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức cảm động của cựu sinh viên xếp bút nghiên lên đường kháng chiến