Khi tham vấn tâm lý cho học sinh cần lắng nghe và không áp đặt

Ngô Chuyên| 07/11/2017 15:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để giảm sức ép và áp lực cho học sinh, nhiều trường học đã hình thành mô hình tham vấn tâm lý nhằm lắng nghe, chia sẻ những sức ép, qua đó ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên vừa trực tiếp giảng dạy, vừa làm công tác tham vấn tâm lý cho học sinh cho biết: "Khi làm công tác tham vấn tâm lý người tham vấn phải phân biệt rạch ròi giữa nhiệm vụ của giáo viên và nhiệm vụ của người tư vấn tâm lý. Lúc nào bản thân cũng phải tỉnh táo với hai nhiệm vụ đó, không để đan xen".

Khi tham vấn tâm lý cho học sinh cần lắng nghe và không áp đặt

Cô Chung luôn cố gắng gần gũi với học sinh, tạo cho học sinh cảm giác thoải mái. Ảnh NVCC.

Là người có kinh nghiệm lâu năm, vừa giảng dạy vừa làm công tác tham vấn tâm lý, cô Vũ Thị Chung – giáo viên môn Lịch sử trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Một trong những nguyên tắc mà người làm tư vấn hay tham vấn tâm lý luôn phải nhớ là giữ bí mật.  Đồng thời, chia sẻ thông tin, hay dẫn chứng những câu chuyện cần phải sàng lọc, không để những thông tin mình chia sẻ bị ảnh hưởng nhiều đến những đối tượng tìm đến mình tham vấn, dẫn đến họ cảm thấy mình bị tự ti”.

Cô Chung cũng chia sẻ thêm: “Những tình huống khó, mình phải chia sẻ với ban giám hiệu của mình để cùng nhau hội ý và đưa ra phương án hợp lý để giúp học sinh. Ví dụ: một bạn học sinh có ý định rất tiêu cực như tự tử chẳng hạn. Khi mình tham vấn, mình cũng khá lo lắng, áp lực. Nếu mình cứ tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật mà không nói với ai, không có phương án can thiệp khi có xảy ra sự việc mình cũng sẽ rất ân hận. Nhưng khi chia sẻ thông tin để nhiều người cùng góp ý đưa ra phương án mình phải chia sẻ nhưng mang tính tế nhị, kín đáo để học sinh không cảm thấy mình không được giữ bí mật và không được tôn trọng”.

Một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong việc tham vấn tâm lý cho học sinh chính là tạo sự tin tưởng cho học sinh. Để khi có vấn đề khó nói với phụ huynh, bạn bè hay cô giáo chủ nhiệm thì học sinh có thể tìm đến phòng tham vấn tâm lý của trường.

“Để tạo cho học sinh tin tưởng, ban đầu bọn mình kết hợp với đoàn trường, tạo nhiều sân chơi, diễn đàn cho học sinh. Chính diễn đàn, sân chơi đó là cầu nối để các em an tâm và tìm đến chia sẻ những lúc khó khăn, không biết chia sẻ cùng ai”, cô Chung chia sẻ.

Cô Chung cũng lấy ví dụ: Mình tư vấn cho một bạn bị quấy rối lúc đi xe buýt, khi mình đưa ra để nhờ các em chia sẻ, tham vấn phương án thì lúc đó tham vấn nhóm rất tốt. Như vậy, dân dần những em có mong muốn chia sẻ riêng các em sẽ đến và chia sẻ.

Khi tham vấn tâm lý cho học sinh cần lắng nghe và không áp đặt

Cô Chung cùng đồng nghiệp của mình. Ảnh NVCC.

Chính các hoạt động thực tế của lớp, của đoàn trường giúp các em cảm thấy an tâm, cảm thấy được gần gũi và cô giáo làm nhiệm vụ tâm lý cũng có cơ hội tiếp xúc và hiểu trò nhiều hơn và ngăn chặn được nhiều điều đáng tiếc. “Nhiều lần gặp tình huống khó xử, ngoài tham vấn với ban giam hiệu tôi cũng thường nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia, thầy cô ở khoa tâm lý của trường đại học Sư phạm Hà Nội làm để có thêm phương án, hay cách hay để tư vấn cho học sinh”, cô Chung trải lòng.

Cô Chung cũng chia sẻ thêm những câu chuyện thực tế mà cô đã trải qua trong quá trình làm tham vấn tâm lý: “Có trường hợp một học sinh lớp 11 yêu một bạn cùng lớp nhưng tình cảm không như bạn mong muốn dẫn đến bạn nam đó lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng. Em học sinh ấy đã nảy ra ý định tự tử. Ngay sau khi phát hiện, chúng mình tư vấn đồng thời chia sẻ cùng gia đình để cùng hỗ trợ, giúp em cân bằng lại tâm lý. Sau một thời gian, tâm lý ổn định,  em ấy viết trên confession của trường lời cảm ơn nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là cô giáo tham vấn tâm lý”.

Bên cạnh đó, theo cô Chung, mỗi một giáo viên tham vấn, luôn phải chuẩn bị kiến thức ở nhiều lĩnh vực để có thể tham vấn, tư vấn hợp lý cho học sinh. Cô Chung nhấn mạnh: “Việc tham vấn không nên áp đặt mà người tham vấn phải tôn trọng ý tưởng của học sinh. Người tham vấn phải đưa ra ý kiến khách quan, mang tính định hướng”.

“Một điều đáng mừng hơn, khi mô hình tham vấn tâm lý của trường THPT Cầu Giấy thành công là nhờ sự quan tâm tận tình của cô hiệu trưởng, nhiều lúc, cô chính là chuyên gia gỡ rối giúp bọn mình. Cô là người đã tiếp tục duy trì phòng tham vấn tâm lý cho học sinh mặc dù đã hết dự án Plan khiến mỗi thành viên trong nhóm tham vấn có thêm nhiều động lực và niềm tin hơn”, cô Chung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi tham vấn tâm lý cho học sinh cần lắng nghe và không áp đặt