Khi người thầy áo lính cõng chữ về vùng biên

Ngô Chuyên| 05/01/2018 13:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi dư luận đang xôn xao về đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền, thì ở trên những ngọn đồi cao, hay xa xôi nơi vùng biên giới vẫn có những người thầy mang màu xanh áo lính miệt mài gieo chữ vùng biên.

Nơi đây có người thầy dạy con nói tiếng mẹ đẻ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, sớm gắn bó tình yêu của mình với màu xanh áo lính, ngày khi tốt nghiệp trường Trung cấp Biên phòng II thiếu tá Nguyễn Văn Chính được điều động về đồn biên phòng Bến Phố thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Long An công tác.

Khi người thầy áo lính cõng chữ về vùng biên

Bằng tình yêu học trò hằng ngày người thầy giáo quân hàm xanh Nguyễn Văn Chính vẫn miệt mài trên lớp. Ảnh Ngọc Trang.

Như một sự tình cờ định mệnh, đơn vị anh công tác gần với (Hưng Điền A, Vĩnh Hưng, tỉnh Long An), đa số gia đình mới chuyển từ Campuchia. Hầu như, những hộ dân sống tròn làng Việt kiều đều chưa có hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh gia đình lại có hoàn cảnh khó khăn chính vì vậy mong ước đến trường của những đứa trẻ đến tuổi đi học rất khó khăn. Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm lụng để kiếm ăn từng bữa, cũng có em vì bố mẹ bận lo việc cơm cháo hàng ngày nên không ai đưa đến trường đành phải thất học.

Thiếu tá Chính tâm sự: “Gia đình các em có điểm chung là nghèo khó, cũng vì cái nghèo khó ba, mẹ chúng phải đi làm thuê, làm mướn không có thời gian đưa, rước các em đến trường nên nhiều khi có một vài em tự dưng nghỉ học không lý do”.

Thấy được cảnh trẻ đến tuổi không được đến trường, nghèo đói vây quanh nên anh không cam lòng, nhiều đứa lớn nhưng không biết sử dụng tiếng mẹ đẻ để miêu tả những đồ vật hay nói chuyện đó với bạn bè chính vì vậy thiếu tá Chính cùng anh em trong tổ vận động đã đến từng nhà vận động các em đến lớp.

“Đi vận động một lần không được thì đi nhiều lần và mưa dầm thấm lâu nghe phân tích cái lợi của việc học nên bây giờ nhiều phụ huynh đều cố gắng tạo điều kiện cho con em đến lớp học tập, vì thế sĩ số học luôn được duy trì ổn định”, thiếu tá chính chia sẻ.

Thế rồi, không phụ công của anh lớp học ngày càng đông. Anh Chính tâm sự: “Đối với tôi thứ mà mình nhận được giá trị nhất chính là nụ cười trẻ thơ, những nụ cười trong sáng, những tiếng tập đọc, đánh vần mỗi lần lên lớp đó là món quà vô giá mà không phải đâu cũng có được”.

Người thầy cõng chữ lên nương

Nằm chót vót giữa muôn trùng núi của đại ngàn Tây Bắc, xã Tả Gia Khâu là một trong hai địa bàn nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Giáp ranh với Trung Quốc, người ở đây chủ yếu thuộc dân tộc Mông, Dáy, Phù Lá, Thu Lao và Nùng. Đường vào xã đi lại khó khăn nên nhiều chỗ phải xuống xe dắt bộ, nhiều chỗ phải đi qua một bên vực, một bên núi thế nhưng nhiều năm qua thượng úy Giàng A Trú, Đội trưởng vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu vẫn quyết gắn bó với bà con nơi đây, mang con chữ đến với bản làng.

Khi người thầy áo lính cõng chữ về vùng biên

Dẫu vất vả, nhưng nụ cười vẫn luôn hiện rõ trên khuôn mặt của vị thượng úy trẻ. Ảnh KN.

Tâm sự thật cùng đoàn công tác vị thượng úy trẻ Giàng A Trú kể người dân ở đây rất ngại gặp người lạ bởi họ hay “xấu hổ”. Do đó, bộ đội biên phòng phải tiếp cận dần dần và làm thân với bà con. Đôi khi, các anh phải đến cả chục lần mới thuyết phục được người dân đi học chữ. Thực tế, làm công tác tuyên truyền với những đối tượng này đã khó, để người ta đồng ý học còn khó hơn. Bởi, nhiều bà con nghĩ học xong cũng không để làm gì.

“Một lần, tôi đang dạy thì có người đứng lên nói: Thầy giáo, tôi xin về . Khi tôi hỏi người đàn ông đó về nhà để làm gì thì anh ta trả lời: Về nhà để uống rượu’”, thượng úy Giàng A Trú nhớ lại.

Những lần như vậy, anh lại lấy những ví dụ gần gũi với người dân để họ tiếp tục ngồi lại. “Tôi hỏi họ: ‘Đã xuống thành phố Lào Cai chưa? Vào thị trấn Mường Khương chưa?’. Khi họ nói chưa, tôi bảo: ‘Đấy, cần phải học để đi tới những nơi không phải xã mình nhưng là huyện mình, thành phố mình mà không phải hỏi người ta chỉ đường. Mình tự biết'. Khi ấy, bà con mới gật gù”, Giàng A Trú kể lại.

Anh cho rằng muốn đồng bào dân tộc nghe, phải đưa ra những lợi ích trực tiếp liên quan đến họ. Nếu chỉ đặt ra những lợi ích xa vời, hiệu quả sẽ không như mong muốn.

Trong quá trình dạy học, tuy có trao đổi phương pháp sư phạm với các thầy cô trong vùng nhưng Giàng A Trú vẫn phải tự tìm tòi những phương pháp mới để dạy học cũng như chinh phục người dân. Anh cho biết đồng bào ở đây có xuất phát điểm thấp, nên những phương pháp giáo dục sẵn có không phù hợp.

Những lớp học xóa mù chữ của anh và đồng đội không duy trì được 100% sĩ số nhưng cũng được 70%, lúc đông nhất, khoảng 90% bà con mà các anh vận động đã đến lớp. Ngoài những lúc tới các điểm trường dạy bà con, các anh còn tới thăm hỏi, đôi lúc tặng quà để tăng quan hệ quân - dân.

Đồng hành cùng học sinh đến trường

Sống với dân, sinh hoạt với dân và hiểu dân chính vì vậy anh đã đi thực tế đến các bản phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều trường trên địa bàn và chọn ra 19 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng thiết tha được đến trường học cái chữ để đồng hành cùng các em. Hai trong số đó được Đồn Biên Phòng Tả Gia Khâu mang về nuôi. Đó là hai anh em Ma Seo Khoa và Ma Seo Xuyên. Anh trai Ma Seo Khoa khi ấy có thể nói một chút tiếng phổ thông (tiếng Kinh) trong khi em trai Ma Seo Xuyên chỉ nói được tiếng Mông.

Để tiếp cận với hai anh em cũng như khuyên chúng về ở với các chú bộ đội, thượng úy Giàng A Trú đã nhận là cậu và dùng tiếng dân tộc để làm thân. Anh kể lần đầu tới nhà vận động các cháu, chúng lắc đầu và nói: "Tôi không đi đâu, tôi chỉ ở nhà với mẹ thôi". Sau nhiều lần đến nhà làm thân, cuối cùng, hai cháu cũng đồng ý xa gia đình và bản làng để đến sống cùng các chú bộ đội. Đồn chỉ cách trường của hai em khoảng 0,5 km. Hàng ngày, các chiến sĩ thay nhau đưa các bé đến trường. Đôi lúc, hai anh em cũng khóc vì nhớ mẹ. Lúc đó, Giàng A Trú đều an ủi và hứa sẽ đưa các em về thăm nhà vào cuối tuần.

Khi người thầy áo lính cõng chữ về vùng biên

Anh đã từ bỏ cơ hội về công tác tại thành phố để về vớ biên giới, về với bà con ở vùng cao, mang cái chữ đến vùng cao cho bà con. Ảnh Dương Triều.

Để giúp những đứa trẻ có thể sớm hòa nhập với cuộc sống mới, thầy giáo mang quân hàm xanh thường dùng tiếng dân tộc để dạy các em học. Sau hơn một năm, hai anh em đã có những chuyển biến tích cực và gần gũi với các chú bộ đội như người thân trong nhà.

Ngoài ra, trong năm học này, các chiến sĩ thuộc Đồn biên phòng Tả Gia Khâu cũng vui mừng khi lần đầu tiên một nữ sinh thuộc diện được đồn hỗ trợ đã thi đỗ vào trường nội trú.

Sau 3 năm công tác tại Xi Ma Cai, cách đây 2 năm, anh về làm việc tại Tả Gia Khâu. Bình thường, nơi đây rất thanh bình với tiếng họa mi véo von vào mỗi sớm ban mai, 4 bên là núi rừng hùng vĩ. Nơi anh công tác cách nhà 30 km nên thượng úy Giàng A Trú cũng ít có cơ hội về thăm gia đình. Anh tâm sự trước đây, thỉnh thoảng, vợ anh giận dỗi. Tuy nhiên, vợ là người thông cảm và hết sức ủng hộ chồng.

Khi nói về những lựa chọn, người đàn ông chia sẻ năm 2012, anh tốt nghiệp Đại học Biên phòng với tấm bằng giỏi. Tuy có cơ hội được cử tới những nơi phồn hoa nhưng anh lại chọn về nơi vùng cao, thậm chí là nơi khó khăn nhất để công tác.

Giàng A Trú cho rằng khi công tác tại đây, anh có lợi thế lớn bởi cũng là người dân tộc do đó, anh có thể dễ dàng thân thiết với bà con, giúp bà con hiểu về cán bộ biên phòng, hiểu về biên giới cũng như chính quyền.

Lào Cai là điểm dừng chân cuối cùng nơi đây, đến ngày cuối chia tay những thataf giáo mang quân hàm xanh để trở về Hà Nội cũng là những ngày cuối năm trên những cánh rừng biên giới hoa ban, hoa đào nở ngập tràn thế nhưng vang vọng trên những ngọn đồi đó vẫn tiếng cười đùa của trẻ thơ, tiếng thầy giáo mang trên mình cầu vai áo lính vẫn miệt mài dạy chữ truyền lửa cho con trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người thầy áo lính cõng chữ về vùng biên