Học sinh bản Cam đốt đuốc đến trường

Nguyễn Kim Cương| 26/12/2015 10:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về tới bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An), chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước cảnh những học sinh trường THCS Cam Lâm thường phải dậy từ lúc 4h sáng để đốt đuốc, bật đèn pin, vượt đường rừng tới trường cho kịp giờ vào lớp.

Đốt đuốc tới trường lúc 4h sáng

Chưa đầy 4h sáng, những đứa trẻ ở bản Cam đã thức dậy, tay nắm đùm sắn, tay cầm đuốc, vai mang cặp sách, cùng nhau vượt đường rừng tới trường cho kịp giờ vào lớp.

Học sinh bản Cam đốt đuốc đến trường

Con đường từ bản tới trường dài hút trong màn đêm

Ở bản Cam này, đã có nhiều thế hệ học sinh đều bắt đầu một ngày mới với màn đêm dày đặc, sương lạnh phủ giăng, vượt quãng đường rất xa tới lớp tìm con chữ, nuôi ước mơ. 

Để đến được trường học, các em phải vượt qua tầm 6 – 7 km đường rừng, với những con dốc cao, chênh vênh, mất hơn 1 giờ đồng hồ mới thoát ra đường chính. Khó khăn là vậy, nhưng những học sinh ở bản Cam vẫn rất hiếu học, không có hiện tượng trốn tiết bỏ giờ.

Học sinh bản Cam đốt đuốc đến trường

Đốt đuốc để tới trường học chữ

Vì phải đến lớp từ lúc 4h sáng, trời còn rất tối nên các em sử dụng những chiếc đèn pin hay cây đuốc bằng thanh nứa, cuộn giẻ tẩm dầu do chính các em tự tạo ra để soi đường. Nhiều lúc đi đến nửa đường, đuốc cháy hết, các em tập trung nhau lại, tìm thanh nứa khô ở trong rừng đốt lửa đi tiếp.

Toàn bản Cam có 70 học sinh hàng ngày phải đi bộ tới lớp, các em thay phiên nhau cầm đuốc, đứa trước đứa sau, cùng đến lớp. Cứ đi 1 đoạn, khi thấy mỏi chân các em lại nghỉ, uống hớp nước rồi tiếp tục hành trình. Những ngày nắng, đường đến trường đỡ vất vả hơn, ngày mưa, các em có thể bị té ngã do đường đất trơn trượt.

Học sinh bản Cam đốt đuốc đến trường

Trò chuyện vui vẻ trên đường đến trường

Bản Cam là bản khó khăn, xa xôi nhất của xã Cam Lâm, toàn bản có tất cả 130 hộ dân tộc Thái với 617 nhân khẩu, trong đó có 75 hộ nghèo. Nghề nghiệp chủ yếu của bà con bản Cam là săn bắt thú rừng, phát nương làm rẫy, đánh bắt cá ven suối, mò ốc ở khe nên đời sống vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, những người dân bản Cam luôn ý thức, không để con em mình thất học, mù chữ.

Ước mơ có 1 con đường về bản

Đường tới trường, tới lớp, xa xôi, nhiều dốc cao nên việc sử dụng xe đạp để đi là một điều cực kỳ nguy hiểm, chính vì vậy nên học sinh cũng như người dân bản Cam luôn ước mơ về một con đường bằng phẳng, thẳng tắp, nối từ bản tới trường để các các em thuận tiện đi lại, không phải dậy từ lúc 4h sáng để tới lớp.

Gặp chúng tôi, ông Lò Văn Dần – Trưởng bản Cam cho biết: “Cam Lâm là một xã miền núi, điều kiện phát triển kinh tế của nhân dân trong bản nói riêng, toàn xã nói chung gặp không ít khó khăn. Vì thế, kinh phí của xã rất eo hẹp, việc huy động sự đóng góp của bà con là không thể, mong các cấp quan tâm, hỗ trợ để ước mơ của các học sinh và người dân bản Cam thành hiện thực”.

Học sinh bản Cam đốt đuốc đến trường

Các em luôn uớc mơ có một con đường bằng phẳng để tới trường

Em Hồ Thị Hồng (học sinh lớp 8A) bày tỏ: “Ở đây, dân bản ai cũng nghèo khó, việc chúng em phải dậy lúc 4h sáng, vượt đường rừng tới lớp thực sự vất vả, vì vậy ai cũng mong muốn có con đường chạy từ trường về bản để hàng ngày thuận tiện tới trường”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Trọng Minh - Hiệu trưởng trường THCS Cam Lâm cho biết: “Thấy các em học sinh vất vả, đốt đuốc tới trường học chữ, chúng tôi thương lắm. Ban giám hiệu đang tìm nguồn vốn để xây dựng khu bán trú giúp 80 em học sinh (70 em ở bản Cam, 10 em ở bản Sơn) được ở tại trường. Để làm điều đó, chúng tôi cần nguồn vốn khoảng 500 triệu đồng. Hiện, trường đang kết hợp với chính quyền xã, kêu gọi sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm, tấm lòng vàng, các chương trình lợi ích xã hội để có kinh phí xây dựng khu bán trú, cải tạo đường cho các em dễ dàng tới lớp”.

“Mặc dù nhà nghèo, đường tới trường không thuận lợi, nhưng các em học sinh bản Cam rất chuyên cần, luôn đạt thành tích cao trong học tập, đã có 1 em của bản đậu vào Đại học. Tín hiệu đáng mừng hơn là không có học sinh nào trong độ tuổi đến trường bỏ học. Để nâng cao kiến thức cho các em, trường đã bố trí 2 giáo viên về tận bản dạy thêm ngoài giờ lên lớp”, thầy Minh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh bản Cam đốt đuốc đến trường