Học nghề - giải pháp cân bằng thực trạng thừa thầy thiếu thợ

Ngô Chuyên| 30/06/2017 19:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Học nghề đang là một hướng đi mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực được phụ huynh và học sinh quan tâm khi chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề, bỏ qua bậc học THPT. Hướng đi này giúp rút ngắn được thời gian học, tiết kiệm tiền bạc.

Một hướng đi cho những học sinh trượt cấp 3 hiện nay chính là học nghề. Để khuyến khích học sinh và phụ huynh chọn cách học nghề thay vì ép con phải học để vào các trường điểm, gây ra áp lực cho học sinh, nhiều mô hình học nghề đã ra đời. Để hỗ trợ cũng như khuyến khích và hỗ trợ học sinh học nghề, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ cho học sinh học nghề như: Giảm 50% học phí, được vay vốn ngân hàng…

Đặc biệt, đối với những học sinh chuyển tiếp từ THCS lên trung cấp nghề, bỏ qua bậc học THPT còn là hướng đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức hội nhập quốc tế.

Học nghề - giải pháp cân bằng thực trạng thừa thầy thiếu thợ

Học hết THCS là bạn có thể định hướng cho con mình học nghề không nhất thiết phải vào những trường cấp 3 điểm mới có việc làm. Ảnh lấy từ Internet.

Đồng thời, học nghề cũng là một hướng đi giải quyết bài toán khó đang tồn tại bấy lâu nay ở nước ta. Đó chính là thực trạng thừa thầy, thiếu thợ. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học có lý thuyết nhưng thiếu kỹ năng, tay nghề và kinh nghiệm đang ở mức cao, rất nhiều trong số đó đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Trong khi đó nhiều học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề lại được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng vì lợi thế thành thạo công việc và doanh nghiệp ít phải đào tạo lại. Điều này đã thu hút không ít các học sinh lớp 9 lựa chọn con đường học hết THCS, thẳng tiến lên trung cấp nghề để đảm bảo việc làm cho tương lai.

Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề - Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết: “Đối với những học sinh học trung cấp nghề, cao đẳng nghề thời gian qua theo thống kê của các bộ ngành, địa phương học sinh, sinh viên có việc làm trên 70%, rất nhiều trường đạt đến 80%. Đặc biệt, có nhiều trường khi mới vào dám đảm bảo, cam kết 100 học sinh có việc làm, nếu sau 6 tháng không có việc làm thì trả lại học phí cho học sinh”.

Hội nhập quốc tế, nguồn lao động trẻ có kỹ năng tay nghề cao luôn được các quốc gia chú trọng phát triển và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Từ xu hướng này, các chuyên gia phân tích, học sinh học hết lớp 9 chuyển sang học nghề là hoàn toàn phù hợp với năng lực của lứa tuổi.

Nếu đợi hết THPT, tức là 18 tuổi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện học nghề là quá trễ. Thay vì phải học THPT 3 năm, cộng thêm 2 năm học trung cấp nghề, tổng cộng: Sau 5 năm mới lấy được bằng, thì học sinh mới tốt nghiệp THCS chỉ cần học từ 2 - 3 năm để hoàn tất chương trình trung cấp nghề. Như vậy, sau 3 năm, cũng là 18 tuổi, các em vừa trang bị được kiến thức văn hóa vừa hình thành được tay nghề vững chắc, so với các em học sinh THPT thì lợi thế hơn nhiều.

Chính vì vậy, nếu với những học sinh xác định được nghề nghiệp mình yêu thích và mong muốn rút ngắn thời gian học tập một cách hợp lý nhất thì việc chuyển hướng học nghề ngay từ khi mới tốt nghiệp THCS là một lựa chọn đúng đắn để giải quyết hiệu quả bài toán kinh tế và thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học nghề - giải pháp cân bằng thực trạng thừa thầy thiếu thợ