Hàng triệu học trò rơi nước mắt tiếc thương thầy Văn Như Cương

Thảo Nguyên| 09/10/2017 12:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi đã ra đi, ông cũng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người ở lại. Đó là thầy tôi, PGS Văn Như Cương", dòng tâm sự của một cựu học sinh trường THPT Lương Thế Vinh rạng sáng 9/10 làm nhiều người xúc động.

Rạng sáng ngày 9/10, thầy Văn Như Cương đã ra đi mãi mãi ở tuổi 80 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Sự ra đi của thầy là một nỗi buồn khôn nguôi với bao người, đồng thời cũng để lại rất nhiều nuối tiếc và mất mát cho các thế hệ học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - ngôi trường mà khi sinh thời, thầy Cương đã dốc cả cuộc đời để xây dựng và phát triển.

Hàng triệu học trò rơi nước mắt tiếc thương thầy Văn Như Cương

PGS Văn Như Cương tại phòng làm việc tháng 10/2015 sau đợt điều trị bệnh ung thư gan đầu tiên. Ảnh: Thanh Hùng

Trên mạng xã hội facebook, đồng loạt tài khoản của người thân, các em học sinh trường Lương Thế Vinh đều chuyển sang màu đen như một niềm tiếc thương dành cho người thầy đáng kính.

Rất nhiều thế hệ học sinh đang bày tỏ niềm thương tiếc và gửi lời chia buồn tới gia đình thầy, cũng như chia sẻ cảm xúc về "ông tiên tóc bạc", về những kỷ niệm đã may mắn có cùng thầy và mái trường Lương Thế Vinh.

Hình ảnh người thầy cao tuổi, râu tóc bạc phơ dường như tồn tại trong ký ức của rất nhiều thế hệ học trò Lương Thế Vinh. "Học sinh biết và để ý đến thầy dạy Toán đầu tiên vì tên thầy khá đặc biệt: Văn Như Cương, được in trên bìa sách giáo khoa Hình học. Sau đó là bộ râu rất đẹp của thầy "tuổi già tóc bạc, cái râu bạc".

Và hơn hết là những cống hiến tiên phong, bền bỉ của thầy trong việc xây dựng một trường học dân lập đầu tiên ở hệ phổ thông, cùng với những phát biểu thẳng thắn, đúng đắn, đanh thép của thầy về việc dạy học.

Người dạy học thì nhiều, nhưng hiếm có giáo viên được nhiều thế hệ học sinh biết và tin yêu, kính trọng như thầy. Người học thầy kính trọng, yêu quý thầy. Người không học thầy cũng kính trọng, yêu quý thầy. Thầy mất đi, nhưng tiếng trống trường Lương Thế Vinh còn vang mãi...", anh Nguyễn Hải chia sẻ.

Hàng triệu học trò rơi nước mắt tiếc thương thầy Văn Như Cương

Với tất cả các thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh, thầy Cương là người thầy lúc nào cũng nhận được rất nhiều sự mến yêu và kính trọng.

Nhà báo Mạnh Quân cũng không giấu nổi nỗi buồn trước sự ra đi của PGS Văn Như Cương, một người thầy mà theo anh là mang trên mình trái tim nhiệt huyết, nhân cách lớn mà hiếm ai có thể so bì.

Anh Quân tâm sự rằng, đã may mắn được thầy giảng bài khi lớp thiếu giáo viên. Thậm chí vì rất thích nghe thầy giảng nên khi học xong ở lớp của mình hay giờ ra chơi, thường nán lại, nghe lỏm thầy dạy từ ngoài cửa sổ lớp bên cạnh.

"Hồi ôn thi vào Đại học, tôi chỉ học thêm mỗi môn Toán, học ở khu ĐHSP Hà Nội chỗ Cầu Giấy. Hồi đó, tôi vô cùng ấn tượng bởi phong cách dạy học của thầy, cả bộ râu rất đẹp của thầy. Nên cứ trống giờ, tôi hay chạy sang lớp bên cạnh nghe trộm thầy giảng. Ông giảng bài cực kỳ dễ hiểu. Có lẽ, tôi đỗ được đại học hồi đó cũng vì nghe lỏm thầy nhiều".

Ông có lẽ là người đầu tiên trong đời khiến tôi cảm nhận được thế nào là một con người tài hoa, thế nào là tâm huyết với điều mình làm.

Nếu thầy còn có thể nghe được, mong thầy cũng tin rằng, dù là học trò "sau cánh cửa" thì tôi cũng luôn cảm thấy vinh hạnh đã từng được thầy dạy và cảm thấy biết ơn, vì được truyền lửa cho cố gắng trong những ngày ôn thi ngày xưa", anh Quân nói.

Trong khi đó, anh Phúc Chu lại nhớ về buổi tựu trường vỏn vẹn trong 30 phút ngắn gọn mà ý nghĩa của trường Lương Thế Vinh: "Thầy Hiệu trưởng Văn Như Cương từng nói với mỗi thế hệ học sinh "học trước hết là người tử tế". Nền giáo dục Việt Nam đã vắng bóng đi những người tâm huyết, con người của cải cách và đổi mới, dám nghĩ, dám làm".

"Có những con người ra đi trong 1 vầng hào quang đẹp rạng ngời. Cảm ơn thầy vì tất cả những gì thầy mang đến cho học sinh Lương Thế Vinh ngần ấy năm, và cho bản thân em", Quỳnh Hương, cựu học sinh trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ.

Cô giáo Trần Minh Như Trang, giáo viên Văn học, bồi hồi viết: "Người lái đò hôm nay rời bến sông. Con sông giáo dục ấy nhiều năm nay gặp không ít khó khăn. Người lái đò già cũng đã vất vả, bỏ nhiều công sức và tâm huyết. Hôm nay người đi, cả bến sông sao hịu quạnh quá".

Hàng triệu học trò rơi nước mắt tiếc thương thầy Văn Như Cương

Nhiều dòng cảm xúc buồn, những câu chuyện xung quanh thầy được chia sẻ. Đó là cảm xúc yêu thương, trân trọng của học trò viết lên để lưu giữ mãi.

Cả cuộc đời, PGS Văn Như Cương đều cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ngành Giáo dục. PGS Văn Như Cương luôn có những ý kiến phản biện sâu sắc với tinh thần xây dựng để mong nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt lên. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu",...

Những năm qua, PGS Văn Như Cương cũng được gọi với cái tên trìu mến là “lão teen Văn Như Cương” khi hàng ngày vẫn cập nhật thông tin thời sự nóng hổi trên Facebook với danh sách gần 5.000 bạn bè và cả chục ngàn người theo dõi.

Cái cách ông chơi mạng xã hội cũng trẻ trung, sống động như giới trẻ, nhưng cũng sâu sắc, đầy trải nghiệm của một người trí thức lớn đã trải qua những thăng trầm của thời cuộc.

Trước đó, vào hồi tháng 3/2017, khi biết tin sức khỏe thầy giáo Văn Như Cương không tốt, hơn 3.000 học sinh Trường Lương Thế Vinh đã ghi lại video hát vang ca khúc truyền thống "Bài ca Lương Thế Vinh" để tặng thầy như một món quà tinh thần giúp thầy mau khỏi bệnh.

Tại các cơ sở của trường THPT Lương Thế Vinh, tất cả học sinh không chỉ hát bài ca về trường mà cứ đến giờ ra chơi, các em còn gấp những con hạc giấy bỏ vào chiếc thùng để bày tỏ tình cảm, sự kính trọng và lời cầu chúc sức khỏe tới thầy. Chiếc thùng đựng hàng trăm, hàng nghìn con hạc đó được các em gọi là “thùng đựng yêu thương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng triệu học trò rơi nước mắt tiếc thương thầy Văn Như Cương