Gửi tình yêu vào con chữ nơi vùng cao

Văn Quyết| 04/02/2015 07:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gian nan, nhọc nhằn và không ít vất vả... nhưng ngày ngày, con chữ nơi rẻo cao này vẫn nở hoa. Đó là cảm nhận đặc biệt của chúng tôi khi đến với Trường PTDT Bán trú tiểu học Nà Khoa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên).

Gian nan điểm bản

Từ điểm trường trung tâm vào Nậm Chẩn không xa lắm, chừng 15km nhưng phải mất hơn một giờ “bò” trên con đường gập ghềnh đầy những “ổ trâu, ổ gà”, chúng tôi mới đến nơi. Đó là chưa kể quãng đường gần 200km từ TP. Điện Biên Phủ vào tới trung tâm huyện Nậm Pồ. Thầy Nguyễn Quang Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường giới thiệu: Nậm Chẩn chẳng xa nhưng dễ làm nản lòng những ai muốn đến bởi con đường dẫn tới bản chẳng mấy thuận lợi. Đấy là chưa kể cách đây khoảng 2 năm trước, việc đi lại ở nơi này chỉ có cuốc bộ. Bởi thế, mỗi lần các thầy cô giáo xuống điểm trường trung tâm họp hay có việc gì thì phải men theo các con suối.

Gửi tình yêu vào con chữ nơi vùng cao

Điểm trường Nậm Chẩn còn nhiều khó khăn

Vừa dẫn chúng tôi tham quan các dãy phòng học, thầy Triệu Chí Hoan, giáo viên dạy lớp 4 tại điểm trường Nậm Chẩn nói như trút bầu tâm sự: “Đấy, các anh xem, điều kiện cơ sở vật chất trên này còn khó khăn lắm. Phòng học thì dựng bằng gỗ còn chật hẹp, bàn ghế thì đã cũ. Mùa hè thì chớ, mùa đông trời lạnh, gió luồn vào, cả thầy và trò đều lạnh đến thấu xương. Tuy vậy, gian nan cũng không làm chúng tôi nản chí mà càng thêm quyết tâm, cố gắng”. Những người gieo chữ vùng cao, dù không nói nhưng chúng tôi hiểu, cái khó của họ là việc vận động học sinh tới trường. Trong số 75 em của 4 lớp tại điểm trường Nậm Chẩn thì tất cả là người dân tộc Mông. Vì nơi đây còn nghèo, người dân không coi trọng cái chữ nên nhiều khi vẫn có học sinh bỏ học. Bởi vậy, giáo viên thường xuyên phải đến tận nhà nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân rồi khuyến khích các em đến lớp bằng nhiều cách. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với người dân là cách mà các thầy cô điểm trường Nậm Chẩn vẫn thường làm.

“Người ta vẫn bảo chúng tôi làm nghề cõng chữ lên non, mang cái chữ đến gần hơn với người dân vùng cao, sưởi ấm tâm hồn họ, vun vén, ươm mầm ước mơ cho thế hệ trẻ chẳng sai. Không có cái chữ, đời sống văn hoá, tinh thần của họ kém phát triển dẫn đến nhiều vấn đề. Nào là sinh đẻ không có kế hoạch, tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu xúi giục… thế rồi cứ nghèo nàn, lạc hậu mãi”, thầy Triệu Chí Hoan tâm sự. Được biết, thầy Hoan đã gắn bó với trường gần 5 năm nhưng chính bản thân thầy không nghĩ đã vượt qua bao khó khăn để gắn bó với con chữ nơi này. Thầy Hoan nói như cởi lòng: Dạy học ở vùng cao, chuyện học sinh bỏ trường, bỏ lớp xảy ra thường xuyên. Đặc biệt, ở Nà Khoa, do 100% học sinh là người dân tộc Mông nên việc học sinh bỏ học theo bố mẹ lên nương diễn ra hàng ngày. Nhưng đã yêu nghề thì khó khăn đến mấy giáo viên cũng cố gắng. Từ lời của thầy Hoan, chúng tôi hiểu, đó cũng chính là những tâm sự của giáo viên vùng cao nói chung, thầy cô Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nà Khoa nói riêng.

Không chỉ Nậm Chẩn gian nan, cách trở, ở Nà Khoa còn nhiều điểm cũng khó khăn không kém. Đường về điểm trường bản Nậm Pồ Con những ngày nắng thì đỡ, hễ trời mưa thì coi như một ốc đảo trên non. Chẳng có đường bê tông, cũng chẳng có đường cấp phối mà 100% đường đất. Vất vả là thế, ấy vậy mà những người thầy, người cô nơi đây vẫn gắn bó ươm mầm “con chữ”.

Đất lạ bỗng hóa quê hương

Đã không dưới dăm lần tôi từng nghe người ta ví: Mỗi thầy cô nơi vùng cao là một bông hoa đang tỏa hương giữa rừng. Họ mang đến cho đời những tiếng cười, niềm vui. Quả thật, ở Nà Khoa cũng thế, những người gieo chữ nơi dẻo cao này không chỉ tưới mát cho đời mà họ còn cho mình những niềm vui, hạnh phúc đơn sơ làm động lực “gieo chữ”. Và chính nơi đây, có biết bao thầy cô đã thành cặp, nên vợ nên chồng dưới mái nhà PTDT Bán trú Tiểu học Nà Khoa.

Gửi tình yêu vào con chữ nơi vùng cao

Cô giáo Bùi Bích Thị ân cần dạy học sinh lớp 1 tập viết tại điểm trường Nậm Chẩn

Trò chuyện với thầy Hoan, chúng tôi được biết, thầy đã lập gia đình và có cô con gái đầu lòng gần 1 tuổi. Vợ thầy là cô Bùi Bích Thị, giáo viên dạy lớp 1 cùng điểm trường Nậm Chẩn. Hai người đã cưới nhau được gần 3 năm. Mỗi người một quê. Chồng ở Hà Tây còn vợ ở Hòa Bình. Chẳng hẹn mà đến, cũng vì yêu con chữ thế là họ đã thành vợ thành chồng. Hàng ngày, hạnh phúc đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ là dạy dỗ, chăm sóc học sinh của mình nên người, mai này xây dựng quê hương, đất nước. Khi hỏi về cuộc sống của hai vợ chồng, cô Bùi Bích Thị bộc bạch: “Xa nhà, lại công tác ở vùng cao, biết là khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng. Tôi và anh Hoan đã quyết tâm ở lại nơi này dạy học”. Chỉ tay vào căn nhà gỗ tuềnh toàng chừng hơn 10m2, cô Thị nói: “Ngôi nhà này tuy nhỏ nhưng nó là ngôi nhà mà phụ huynh học sinh ở đây dựng cho hai vợ chồng tôi đấy. Ở đây còn khó khăn nhưng sống cùng bà con, họ coi mình như người của bản, có gì cũng chia sẻ. Chính vì thế, nơi đây như quê hương thứ hai của vợ chồng tôi”. Qua câu chuyện của cô giáo Bùi Bích Thị khiến tôi nhớ lại câu nói của thầy Nguyễn Quang Bình: Dù cuộc sống của thầy cô nơi đây còn nhiều khó khăn về mọi mặt, nhưng vì yêu con chữ đã làm đất lạ hóa quê hương.

Nà Khoa - nơi mảnh đất gian khó của Nậm Pồ, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn mong một ngày ấm no về với bản, thoát khỏi cảnh nghèo khó, lam lũ. Và, với những người làm nghề “gieo chữ” trên dẻo cao này, họ biết người dân đang cần gì ở họ. Tin rằng, một ngày không xa, con chữ nơi đất nghèo Nà Khoa sẽ đơm bông, kết trái.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi tình yêu vào con chữ nơi vùng cao