Giáo viên mầm non không “mặn mà” với trường công lập

Hải Vân(TH)| 08/12/2016 14:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ họp thứ 3, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, khóa IX diễn ra chiều 7/12, đã thông tin hiện nay, Thành phố thiếu gần 800 giáo viên mầm non, tình trạng này kéo dài và khó có thể được khắc phục.

Theo báo cáo của Ban văn xã, HĐND Thành phố, tình trạng thiếu giáo viên mầm non diễn ra vẫn chưa được khắc phục do không đủ nguồn ứng cử viên để tuyển dụng cũng như nhiều giáo viên không nhận nhiệm sở sau khi đã trúng tuyển.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hiện Thành phố còn thiếu gần 800 giáo viên mầm non nên công tác giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn. Theo ông Sơn, TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ, quan tâm đến giáo viên mầm non nhưng vẫn chưa đủ sức hút với các em học sinh, sinh viên. “Nguyên do là các trường quốc tế, ngoài công lập, tư thục trả lương cao hơn nên thu hút được các giáo viên về đó nhiều hơn so với các trường công lập”, ông Sơn nêu lí do.

Cũng theo ông Sơn, chính sách quan tâm giáo viên mầm non hiện vẫn còn chưa nhiều mà cụ thể là giáo viên tốt nghiệp đại học ra trường đi dạy vẫn nhận lương hệ số của giáo viên mầm non chứ không phải là hệ số lương của bậc đại học (trung bình thu nhập giảm khoảng 1 triệu đồng).

Giáo viên mầm non không “mặn mà” với trường công lập

Nhiều trường mầm non trong cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng

Đồng quan điểm, một đại biểu khác cho rằng, giáo viên khi ra trường luôn được các trường quốc tế săn đón với nhiều chế độ ưu đãi. “Chỉ cần có ngoại hình, biết tiếng Anh là giáo viên ra trường có cơ hội làm việc ở trường quốc tế”.

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành khác trong cả nước tình trạng thiếu giáo viên mầm non trở nên “phổ biến”. Theo dự thảo kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2017 do liên Sở Nội vụ - Giáo dục Đào tạo, huyện Hoằng Hóa  tỉnh Thanh Hóa được giao 1561 cán bộ, giáo viên và nhân viên hành chính bậc học mầm non, 1256 cán bộ, giáo viên và nhân viên hành chính bậc tiểu học. Với 43 trường mầm non, 43 trường tiểu học, năm học 2016 - 2017, huyện Hoằng Hóa còn thiếu 438 giáo viên mầm non và 193 giáo viên tiểu học. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện tỉnh này đang thiếu 1.600 giáo viên mầm non, 2.026 giáo viên tiểu học.

Các Sở giáo dục khi tuyển giáo viên mầm non thường không đủ chỉ tiêu, nguyên nhân phần lớn vẫn do hệ số lương của giáo viên mầm non quá thấp. Trong khi đó, đặc thù của giáo dục mầm non đòi hỏi giáo viên phải vất vả hơn so với các bậc học khác nên nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ thích đi dạy ở bậc THCS hoặc THPT. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non, nhưng dường như nhiều sinh viên trẻ vẫn không mấy "mặn mà" với trường công lập. 

Nguyễn Lan Anh (SV Khoa mầm non – ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Hiện em đang củng cố thêm môn tiếng Anh để sau này xin dạy tại các cơ sở giáo dục quốc tế, dạy ở đây môi trường thuận lợi và năng động hơn nhiều".

Hiện nay, các trường mầm non tư thục, trường quốc tế phát triển nhanh chóng và mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…với cơ sở vật chất hiện đại, mức lương hấp dẫn nên thu hút phần lớn các sinh viên ngành học mầm non sau khi tốt nghiệp, đây cũng là lý do khiến cho trường mầm non công lập trở nên thiếu giáo viên mầm non.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên mầm non không “mặn mà” với trường công lập