Giáo dục suốt đời phát triển mạnh sẽ góp phần thực hiện công bằng giáo dục

Đặng Hà| 14/12/2018 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khoa học kỹ thuật, kiến thức xã hội đang thay đổi từng ngày, để tồn tại, phát triển mỗi người phải học tập liên tục để cập nhập kiến thức cho mình, vừa để đáp ứng yêu cầu công việc, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Hội nghị Á - Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”, Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; coi học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Giáo dục.

Cụ thể, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”.

Giáo dục suốt đời phát triển mạnh sẽ góp phần thực hiện công bằng giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-DT Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Những năm qua, Hội khuyến học các cấp phát triển rất mạnh, hệ thống, thiết chế về giáo dục suốt đời tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được tiếp cận với giáo dục đã phát triển rộng khắp, từ trung ương cho tới phường xã, làng xóm.

Bộ trưởng cho biết, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, internet như hiện nay, việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân, xây dựng xã hội học tập rất thuận lợi. Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa, dự kiến khai trương vào đầu năm 2019, qua đây, mọi người có trách nhiệm đóng góp, chia sẻ, mang lại lợi ích thiết thực.

So với thế giới, công bằng trong giáo dục của Việt Nam đã đạt ở mức tương đối. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, các đối tượng hòa nhập cũng rất được chú trọng. Vì thế, giáo dục suốt đời phát triển mạnh sẽ góp phần quan trọng để thực hiện công bằng giáo dục - một trong những mục tiêu nhiều nước đang theo đuổi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, đây là vấn đề không dễ, vì đối tượng, hình thức, nội dung, phương pháp, phương tiện thực hiện rất đa dạng. Những khó khăn, vướng mắc đang tiếp tục được nghiên cứu để khắc phục, hướng tới một xã hội học tập tốt hơn, mọi người được tham gia học tập thuận lợi hơn và trở thành một động lực cho mọi người chứ không phải bắt buộc.

Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng những vấn đề giáo dục Việt Nam rất cần được nghe tư vấn, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Trong đó có việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông - một nội dung quan trọng khi sửa Luật Giáo dục.

Hay một số vấn đề khác như xây dựng chương trình cho các phương thức giáo dục từ xa và cung cấp dịch vụ để mọi người cùng có thể tham gia; thiết chế tổ chức các hình thức giáo dục suốt đời sao cho linh hoạt, hiệu quả, tránh hình thức; ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính quy và phi chính quy nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục suốt đời phát triển mạnh sẽ góp phần thực hiện công bằng giáo dục