Gian nan dạy và học ở những ngôi trường đặc biệt (Kỳ 1)

Hoàng Dung| 17/11/2014 04:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trường PTCS Xã Đàn và trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu hai ngôi trường từ lâu đã trở thành cơ sở giáo dục đặc biệt giữa lòng Thủ đô. Nơi ươm mầm khát vọng học chữ của những học sinh khuyết tật.

Lớp học “sôi nổi trong im lặng”

Giờ học toán tại lớp 2D, trường PTCS Xã Đàn của cô Nguyễn Phương Dung diễn ra rất sôi nổi. Tuy nhiên, người ta không nghe thấy bất kỳ một âm thanh nào phát ra từ trong lớp, ngoại trừ ngoài tiếng giảng bài của giáo viên. Sự sôi nổi của các em học sinh ở đây rất khó để cảm nhận bằng thính giác, mà chỉ có thể quan sát trực tiếp từ hoạt động của những đôi tay.

Một góc giờ học toán của các em học sinh lớp 2D, trường PTCS Xã Đàn

Một góc giờ học toán của các em học sinh lớp 2D, trường PTCS Xã Đàn

Giải thích về điều này, thầy Đinh Đoàn, Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn cho biết: “Hiện trường có 500 trong học sinh, trong đó có 230 em khiếm thính. Các em khiếm thính tùy theo độ tuổi và mức độ thiệt thòi thính lực khác nhau sẽ được xếp vào những lớp hòa nhập và chuyên biệt từ cấp học mầm non cho đến hết lớp 9. Cụ thể, các trường hợp dùng được máy trợ thính hỗ trợ tốt cho việc “nghe giảng” thì xếp vào học cùng các bạn học sinh bình thường gọi là lớp hòa nhập (các lớp có ký hiệu là A). Đối với những em không thể nghe được, dù dùng bất cứ một phương tiện hỗ trợ nào khác thì được tập hợp lại học chung một lớp, gọi là các lớp chuyên biệt (có ký hiệu là D)”.

Tại các lớp hòa nhập, học sinh khiếm thính nhờ các thiết bị trợ thính, nên có thể tiếp thu và đạt thành tích học tập cao như các bạn bình thường. Tuy nhiên, ở lớp chuyên biệt quá trình “gieo, gặt con chữ” gian nan hơn rất nhiều. Theo thầy Đoàn, ngoài việc không nghe được thì hầu hết các em ở đây cũng không thể nói. Vậy nên, mọi hoạt động dạy và học đều phải thông qua “ngôn ngữ ký hiệu” được biểu hiện nhờ hoạt động của đôi bàn tay là chính. Ngoài ra, học sinh ở các lớp chuyên biệt còn có một kỹ năng rất độc đáo nữa là “nhìn khẩu hình miệng thầy cô mà hiểu, biết được kiến thức đang truyền đạt”.

Giáo viên dạy tại các lớp chuyên biệt cũng vất vả hơn các lớp thường khác. Thầy giáo Lê Trọng Thùy, giáo viên dạy môn Sinh học, trường PTCS Xã Đàn cho biết: “Ở đây khi giảng chúng tôi vừa nói, vừa viết bảng vừa phải dùng tay làm ngôn ngữ ký hiệu để minh họa. Ngay cả lúc nói cũng phải chú ý nói chậm hơn và nói lại nhiều lần, để các em dễ dàng nắm bắt được nội dung mình truyền đạt. Tuy nhiên, cũng có những khái niệm hay vấn đề quá trìu tượng, dù giáo viên có gắng mấy thì các em cũng rất khó hình dung. Đơn giản nhất như trong môn Tiếng việt, có những từ tượng thanh như xôn xao, tưng bừng, róc rách, khe khẽ…là các thầy cô “bó tay” không biết tìm cách nào cho các em hiểu”.

Các thầy cô tại trường PTCS Xã Đàn cũng phải siêu ngôn ngữ ký hiệu

Các thầy cô tại trường PTCS Xã Đàn cùng lúc phải sử dụng cả kỹ năng về ngôn ngữ ký hiệu trong lúc giảng bài

Tuy gặp những khó khăn nhất định trong nghe và nói, nhưng các học sinh khiếm thính tại trường PTCS Xã Đàn vẫn được dạy đầy đủ các môn trong chương trình từ cấp tiểu học cho đến hết cấp THCS (có lược bỏ một số phần quá trìu tượng và bỏ môn hát nhạc, ngoại ngữ). Theo đánh giá chung của nhà trường, các em đều rất chăm chỉ, nỗ lực học tập và đạt được thành tích học tập tốt không thua kém các bạn học sinh bình thường.

Khiếm thị nhưng không khiếm khuyết trí tuệ

So với các bạn khiếm thính tại trường PTCS Xã Đàn, quá trình học văn hóa của học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu có vẻ bớt gian nan hơn đôi chút. Bởi các em chỉ không nhìn được còn các em khiếm thính vừa không nghe thấy, vừa không nói được.

Để khắc phục sự thiệt thòi về thị lực giúp các em hòa nhập, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu có lớp dự bị dành cho học sinh mới vào. Tại lớp này các em được dạy học chữ nổi, cách định hướng di chuyển và cách tự chăm sóc cho bản thân. Sau khi học xong lớp dự bị, các em sẽ bắt đầu vào lớp 1 và học hòa nhập với các học sinh bình thường khác cho đến hết lớp 9.   

Theo thầy Phạm Đình Thắng, một giáo viên lâu năm và phụ trách khu nội trú cho trẻ khiếm thị tại trường, thì lớp dự bị có vai trò vô cùng quan trọng đối với con đường học vấn của các em khiếm thị sau này. Không chỉ là nền tảng vững chắc giúp các em theo học các bậc cao hơn, mà quan trọng nhất, nó trang bị cho các em sự tự tin hòa nhập môi trường học tập, xóa bỏ đi mặc cảm “mù lòa” đang tồn tại trong tâm hồn.

Khu nội trú dành học sinh khiếm thị tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu

Khu nội trú dành học sinh khiếm thị tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu

Hiện tại, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu có 180 học sinh khiếm thị học hòa nhập cùng 1.200 học sinh bình thường. Tại đây các em luôn được tạo cơ hội học tập và sinh hoạt  tốt nhất. Vì vậy, thành tích học tập của các em khiếm thị rất tốt. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp, theo học tiếp các bậc học cao hơn, đã trở thành tấm gương vượt khó học giỏi cho các em học sinh sáng mắt noi theo.

Điển hình như trường hợp của Đào Thu Hương, sau khi tốt nghiệp trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, nộp hồ sơ khắp các trường THPT ở Hà Nội, nhưng không có trường nào dám nhận. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của thầy Văn Như Cương, Hương mới được trường THPT Lương Thế Vinh tiếp nhận.

Sau đó, nhờ có thành tích xuất sắc, Hương được lựa chọn vào các lớp chọn của trường với thành tích học luôn ở tốp đầu. Học xong THPT, cô được tuyển thẳng vào đại học và khi tốt nghiệp Hương là một trong những thủ khoa tiêu biểu, được tuyên dương toàn quốc. Ra trường, Hương được tuyển vào làm phiên dịch tại một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, và gần đây, cô lại giành được học bổng Thạc sỹ tại một trường đại học ở Ôxtrâylia.

Trao đổi về khả năng học tập của các em học sinh khiếm thị, thầy Phạm Đình Thắng khẳng định: “Không chỉ có em Hương mà nhiều học sinh khiếm thị sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Đình Chiểu, đã và đang theo học các bậc cao đẳng, đại học, cao học. Hiện tại, trường đã có 45 em tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng, đại học, 20 em đang tiếp tục theo học những bậc học này. Điều này chứng tỏ người khiếm thị hoàn toàn có năng lực học tập không thua kém gì người sáng mắt, nếu được quan tâm và tạo điều kiện giáo dục trong môi trường phù hợp”.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan dạy và học ở những ngôi trường đặc biệt (Kỳ 1)