Đừng thương mại hóa ngày Nhà giáo

Hà Linh| 18/11/2014 10:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với phụ huynh, học sinh thì dường như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 giờ chỉ là dịp để họ có cơ hội "tri ân" bằng những món quà đắt tiền.

Muốn con hay chữ thì "yêu" lấy thầy?

Tháng 11 là tháng để các thế hệ học trò tri ân các thầy cô giáo của bằng những bó hoa tươi thắm, hay bằng những thành quả học tập của mình, tuy nhiên ngày lễ tri ân ấy đang dần dần biến tướng thành dịp để các phụ huynh tất bật tặng quà, với mong muốn con mình sẽ được “ưu ái” hơn.

Chị Huệ ở Quận Hai Bà Trưng, một  phụ huynh học sinh lớp 5 chia sẻ : “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, mình đi từ bây giờ chứ để đến sát ngày mới đi thăm thầy cô thì cũng bằng hòa, lúc ấy các phụ huynh khác đi trước rồi liệu thầy cô còn nhớ tới con mình. Bé nhà mình chuẩn bị lên lớp 6 nhưng học đuối quá, năm nào cũng “phải” đi quà thăm thầy cô. Năm nay vì sắp chuyển cấp nên mình cũng muốn quan tâm thầy cô nhiều hơn, để thầy cô chiếu cố cho bé nhà mình điểm cao một chút, đến lúc chạy vào trường chuyên mới dễ”. Chị Huệ cũng cho biết, tùy mức độ quan trọng của từng môn mà phong bì 500 nghìn đồng đến 2 triệu kèm theo gói quà.

Không đơn giản phong bì cho gọn như chị Huệ, anh Dũng chị Thảo ở Long Biên – Hà Nội còn đầu tư hẳn một chiếc xe đạp điện trị giá 8 triệu để tặng cô giáo chủ nhiệm của cậu con trai đang học lớp 11. “Vợ chồng mình đang tính cho con trai đi du học, cháu học cũng khá nhưng đầu tư để học bạ và điểm số sáng hơn, sau này làm gì cũng dễ, mình không tiếc gì con nên đi thăm thầy cô của con trong những ngày này là việc nên làm”.

Đừng thương mại hóa ngày Nhà giáo

Ảnh minh họa

Chị Cúc quê ở Nam Định, hiện đang thuê trọ ở quận Hoàng Mai có cậu con trai học lớp 4, mặc dù điều kiện hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng sợ con thiệt thòi khi không tặng quà nên cũng phải vay mượn để mua những món quà “ra tấm ra món” để thăm thầy cô. “Giờ ai còn đem một bó hoa đi tặng thầy cô nữa, mình không có nhiều thì ít ra cũng phải cái phong bì mấy trăm nghìn, chứ đi hoa không cũng ngại”, chị Cúc giải thích.

Để ngày Nhà giáo thật sự là ngày vui

Nên tặng gì cho thầy cô là câu hỏi chung của nhiều bậc phụ huynh trong những ngày cận kề  20/11, nhưng quà gì không quan trọng bằng việc phụ huynh có thật sự tôn trọng giáo viên khi đem tặng những món quà, phong bì hay chỉ là họ bắt buộc phải vậy. Chúng ta không nên vì tặng quà cho thầy cô mà vô tình tạo ra một sự thương mại hóa trong giáo dục.

Cô giáo Trần Vân Anh (giáo viên trường THCS Phú đô – Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Mình cũng có con trai học tiểu học nên cũng phần nào hiểu được tâm lý của phụ huynh, nhưng đôi khi chính cách nghĩ của phụ huynh lại khiến con cái trở nên ỷ lại vì có những em học sinh sẽ nghĩ rằng bố mẹ đi thăm thầy cô rồi, không cần phải cố gắng nhiều từ đó hình thành nếp sống phụ thuộc vào cha mẹ, vào đồng tiền”

Đừng thương mại hóa ngày Nhà giáo

"Người lái đò" biểu tượng thiêng liêng của nghề giáo (ảnh minh họa)

Bác Nhân (55 tuổi), cựu học sinh trường THPT Chu Văn An còn được gọi là trường Bưởi, xúc động tâm sự: "Ngày xưa cứ gần đến ngày 20/11 cả cô và trò đều háo hức lắm, háo hức không phải là để nhận quà và để ghi điểm như thời bây giờ, mà háo hức làm báo tường, thể hiện tài năng về thơ, họa… của chúng tôi và đem tặng thầy cô.

Đến ngày 20/11 chúng tôi tập trung lại để đến nhà thăm các thầy cô, quà chỉ là những bó hoa mà cả lớp góp lại mua, giá trị vật chất không lớn, nhưng rất vui và xúc động, đến giờ tôi vẫn không quên kỷ niệm cả lớp đến nhà cô giáo chủ nhiệm, cô trò quây quần ấm áp, tình cảm, không phong bì, không quà to nhưng thầy cô cũng vẫn hết mực tận tâm, tận tụy dạy chúng tôi nên người”.

Nghề giáo từ bao đời nay luôn được xã hội kính trọng, bởi sự cao quý của sự nghiệp trồng người. Thiết nghĩ, để ngày Nhà giáo thực sự trở thành ngày hội, ngày vui của các thầy cô thì món quà quý giá nhất chính là kết quả học tập rèn luyện của học trò, đó cũng là sự tri ân thiết thực với những người đang ngày đêm làm công việc "đưa đò".

ifjn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng thương mại hóa ngày Nhà giáo