Dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Thay đổi quá đột ngột, dư luận chưa đồng tình

Bảo Thư| 22/09/2016 11:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017. Dự thảo được xây dựng trên tinh thần kế thừa các kết quả đạt được và khắc phục bất cập của các kỳ thi trước, hướng tới phương án lâu dài.

Các điểm đổi mới

Theo nội dung của Dự thảo đưa ra, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 chỉ có một loại cụm thi do các Sở GD-ĐT chủ trì; Kỳ thi kéo dài hai ngày; Ngoài 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc, thí sinh phải chọn một trong hai bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ được rút xuống còn 40 câu hỏi; Các môn (trừ Ngữ văn) đều thi trắc nghiệm và các thí sinh trong cùng một phòng sẽ có các mã đề thi khác nhau.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bài thi sẽ là tổ hợp, tức gồm ba phần riêng chứ không phải tích hợp kiến thức các môn với nhau, nên nội dung ôn tập không thay đổi, thí sinh không cần lo lắng. Trường hợp chuyển sang thi tích hợp, liên môn thì Bộ sẽ thông báo trước vài năm để thí sinh kịp chuẩn bị. “Các thay đổi mang tính kĩ thuật, để công tác tổ chức nhẹ nhàng hơn, có lợi cho thí sinh và nhà trường thì sẽ được áp dụng ngay,” Thứ trưởng nói.

Dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Thay đổi quá đột ngột, dư luận chưa đồng tình

Phụ huynh chờ đợi thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015. Ảnh: Minh Khuê

Có thể nhận thấy, một kỳ thi ngắn gọn và được tổ chức tại địa phương sẽ giúp tiết kiệm được chi phí và công sức của xã hội. Bên cạnh đó, dạng đề thi trắc nghiệm khách quan cũng giảm thiểu hành vi gian lận trong thi cử và sự thiên lệch về điểm số do chủ quan của cán bộ chấm thi. Tuy nhiên, về cách thi riêng của từng môn thì vẫn còn nhiều ý kiến bàn luận.

Phản ứng của xã hội

Về cách thi môn Sử, một giáo viên ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nhận định rằng thi trắc nghiệm cũng khá ổn nếu dùng để kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh, tuy nhiên nếu muốn nâng cao, đánh giá hiểu biết xã hội thì chưa đủ. Thi đại trà trong cả nước thì nên thi trắc nghiệm cho gọn nhẹ, các trường đại học cần kiến thức ở mức độ cao hơn có thể kiểm tra thêm.

Việc điều chỉnh đề thi Ngoại ngữ vẫn chưa thuyết phục về tính hợp lý của nó. Theo cô Nguyễn Thanh Vân, giáo viên bộ môn tiếng Anh thì chỉ 40 câu hỏi khó mà đánh giá hết được năng lực người học. “Theo ma trận đề thì phải có 60% câu hỏi dễ cho thí sinh thi tốt nghiệp và 40% câu khó để tuyển sinh đại học, vả lại có quá nhiều kiến thức cần kiểm tra: ngữ âm, ngữ pháp rồi từ vựng, đọc hiểu, tình huống, v.v. Phân loại thí sinh lại càng khó”.

Trong số các thay đổi, gây tranh cãi nhất là việc thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm. Em Trịnh Kim Ngân, học sinh lớp 12 trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) lo lắng: “Nếu thi Toán trắc nghiệm, nhiều câu không làm được có thể chọn bừa đáp án, nhưng để giải hết các bài thì em sợ là không đủ thời gian. Bộ cũng chưa đưa ra đề minh họa, nên em rất hoang mang, không biết làm thế nào".

Theo như dự thảo, đề thi Toán sẽ gồm 50 câu trong 90 phút, thời gian trung bình cho mỗi câu chỉ là 1,8 phút, bằng 1/10 thời gian giải bài theo đề cũ (10 bài làm trong 180 phút). Như vậy, lo lắng của em Ngân là hoàn toàn có cơ sở.

Em Quỳnh Hương, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: "Em không ngại thi trắc nghiệm, chỉ sợ đề thi như vậy không đánh giá được kiến thức của mình".

Ngày 12/9, Hội Toán học Việt Nam đã đưa ra ý kiến phản đối hình thức thi mới, với lý do thay đổi này là quá đột ngột và không phù hợp với mục tiêu đào tạo Toán học bậc THPT. Bên cạnh đó, Bộ dự kiến sử dụng ngân hàng câu hỏi của Đại học Quốc gia Hà Nội đã dùng trong kì thi đánh giá năng lực ba năm qua, nhưng lại chưa có một báo cáo, nghiên cứu nào được đưa ra về chất lượng của bộ câu hỏi cũng như của sinh viên trúng tuyển qua kì thi này.

Kì thi THPT Quốc gia 2017 sẽ diễn ra trong 9 tháng nữa, nhưng đến nay Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành quyết định chính thức, đề thi minh họa và quy chế thi khiến cho thí sinh, gia đình và các trường THPT lẫn ĐH, CĐ phải ở vào thế bị động. TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho biết, do Bộ chưa có quyết định chính thức nên nhà trường chưa đưa ra chủ trương cụ thể cho kì thi tới.

Bà Trần Thị Vân, một phụ huynh trường PTDL Lương Thế Vinh, bức xúc “Phụ huynh và các em đều hoang mang vì đã học kiểu tự luận hai năm rồi, nay lại thay đổi. Các thầy cô cũng lo vì chưa biết phải dạy thế nào để các em thi tốt". Bà cũng cho biết con gái ôn thi khối A1 vốn đã vất vả, nay lại phải học thêm Sinh và Hóa nên rất mệt mỏi.

Thiếu nhất quán

Nhắc lại rằng, vào tháng 12/2014, trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả của VnExpress, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó là ông Phạm Vũ Luận cho biết, quy chế thi của năm 2015 sẽ được áp dụng ít nhất đến năm 2021. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cách thi và tuyển sinh đã thay đổi rất nhiều và dự kiến tiếp tục đổi mới. Phải chăng đang có sự thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động của Bộ? Bên cạnh đó, đề thi trong hai năm đổi mới thi vừa qua cũng được đánh giá là hợp lý, phân loại thí sinh tốt, vậy tại sao lại phải thay đổi ngay?

Để hướng đến một nền giáo dục tân tiến, văn minh, dĩ nhiên phải thực hiện cải cách. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là đổi mới ra sao cho hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Kì thi THPT Quốc gia là một kì thi quan trọng, vì thế với mỗi thay đổi, Bộ đều cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra đưa ra những bằng chứng thuyết phục được các chuyên gia trong ngành cũng như người dân. Ngoài ra Bộ nên sớm đưa ra đề thi minh họa cũng như quy chế thi để các thí sinh có thể yên tâm ôn tập, chuẩn bị cho kì thi chứ không phải thấp thỏm chờ đợi như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Thay đổi quá đột ngột, dư luận chưa đồng tình