ĐH Quốc gia Hà Nội khai giảng khóa đầu tiên của chương trình Thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị vào tháng 9

Ngô Chuyên| 14/06/2018 14:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam có tốc độ đô thị hoá nhanh, với hơn 800 đô thị lớn nhỏ trên toàn quốc trong 10 năm trở lại đây”, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ nhiệm Khoa các khoa học liên ngành chia sẻ tại Lễ ra mắt chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị.

Theo đó, những thách thức về sử dụng tài nguyên, dân số, môi trường, kinh tế, an sinh xã hội, văn hoá… đòi hỏi việc quản lí đô thị phải được tiếp cận một cách toàn diện và hệ thống.

“Quá trình quản lí đô thị mới chỉ được nhìn nhận ở từng góc độ riêng lẻ như quy hoạch, quản lí hạ tầng… mà chưa nhìn nhận đô thị như một thực thể thống nhất về không gian, luôn vận động và phát triển. Điều này dẫn đến yêu cầu cấp bách về một nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tư duy hệ thống, được trang bị các phương pháp, công cụ mới trong việc quản lí đô thị”, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh

Theo đó, với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực và khả năng huy động sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, ĐHQGHN thông qua Khoa Các khoa học liên ngành làm đầu mối xây dựng Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị từ năm 2016. Cùng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, sau 03 hội thảo chuyên môn, 7 buổi tham vấn chuyên gia và họp thẩm định các cấp, đến tháng 03/2018, chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lí phát triển đô thị đã chính thức được ĐHQGHN ban hành.

ĐH Quốc gia Hà Nội khai giảng khóa đầu tiên của chương trình Thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị vào tháng 9

Toàn cảnh Lễ ra mắt. Ảnh Ngô Chuyên.

Chương trình đào tạo được xây dựng theo cấu trúc các module học phần, bao phủ các khía cạnh của đô thị từ chính sách, xã hội, kinh tế, môi trường đô thị đến kiến trúc quy hoạch.

Chương trình hướng đến đối tượng người học đa dạng từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực nhằm cung cấp cho người học khả năng nhận diện các vấn đề liên ngành liên quan đến đô thị, cũng như khả năng đề xuất giải pháp, vận dụng các công cụ hỗ trợ và năng lực tổ chức, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn về đô thị.

Tham gia xây dựng và giảng dạy cho chương trình là các chuyên gia hàng đầu và có nhiều năm kinh nghiệm từ các trường đại học thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường Đại học Xây Dựng, Đại học Kiến Trúc, Đại học Bách Khoa Hà Nội, các viện nghiên cứu, các sở ban ngành liên quan đến đô thị…

Chương trình được xây dựng theo định hướng ứng dụng, có sự tham gia của các tổ chức, đô thị, địa phương vào quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho người học tiếp cận và giải quyết các bài toán thực tiễn về đô thị dưới sự dẫn dắt, tư vấn của các giảng viên, chuyên gia đầu ngành.

Được biết, tuyển sinh và sẽ tổ chức đào tạo thí điểm khóa đầu tiên vào tháng 9/2018 với chỉ tiêu 40 học viên/khóa. Trong các năm tiếp theo, Khoa Các khoa học liên ngành sẽ mở rộng quy mô đào tạo, hướng tới các đô thị đang phát triển. Sau hai năm đào tạo, chương trình sẽ được tổng kết, làm cơ sở đề xuất xem xét đưa vào danh mục đào tạo chính thức của Bộ GD-ĐT.

Còn theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư nhấn mạnh vào tính ưu việt của Chương trình đào tạo chia sẻ: “Chương trình được tổ chức theo cấu trúc module, bao gồm các học phần liên quan đến dân cư – xã hội đô thị, kinh tế đô thị, môi trường đô thị, luật, chính sách, quy hoạch, xây dựng nhằm cung cấp kiến thức đa ngành cho người học và đa dạng hóa các hình thức đào tạo (đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng) hướng tới nhiều đối tượng người học”.

Theo đó, các học phần bắt buộc của chương trình cung cấp các kiến thức nền tảng và nâng cao mang tính cập nhật, bao phủ các kiến thức liên ngành về quản lí phát triển đô thị. Các học phần tự chọn giúp người học phát triển năng lực chuyên môn theo thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, chương trình chú trọng đến trang bị cho người học công cụ tích hợp trong quản lí phát triển đô thị, giúp đổi mới cách thức quản lí đô thị làm tăng tính hiệu quả trong quản lí đô thị hiện nay. Đáng chú ý là tính ứng dụng của Chương trình đào tạo. Đi kèm với việc học kiến thức chuyên môn, người học còn có cơ hội thực hiện các đồ án dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và tham gia các hội thảo định hướng cơ hội việc làm.

Toàn bộ thời lượng chương trình đào tạo gói gọn trong 69 tín chỉ với hình thức học tập cuốn chiếu thuận tiện cho học viên và giảng viên.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐH Quốc gia Hà Nội khai giảng khóa đầu tiên của chương trình Thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị vào tháng 9