Đề thi thử môn Ngữ văn: Học sinh sẽ khó khăn trong hướng ôn tập chương trình lớp 11

Ngô Chuyên| 16/03/2018 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi thử THPT quốc gia. Theo đánh giá của nhiều học sinh đề thi đã có tính phân loại cao, đồng thời hạn chế tối đa được tình trạng học tủ học vẹt, bám sát với đề thi minh họa.

Còn theo chia sẻ của TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) với Báo Công lý thì, ngữ liệu đọc hiểu có khả năng khơi mở suy ngẫm về những vấn đề được quan tâm của cuộc sống thời hiện đại, đó là thái độ ứng xử của con người với công việc, với cuộc sống tuỳ theo quan niệm của họ về giá trị và ý nghĩa cuộc sống.

Đề thi thử môn Ngữ văn: Học sinh sẽ khó khăn trong hướng ôn tập chương trình lớp 11

TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Đồng thời, nội dung yêu cầu Nghị luận ở câu Nghị luận xã hội là một ý trong ngữ liệu đọc hiểu, nhưng đó không phải vấn đề cơ bản của văn bản ngữ liệu đọc hiểu. Sự triển khai nội dung Nghị luận của học trò có thể sẽ rẽ theo hướng hoàn toàn khác với thông điệp trong ngữ liệu của phần đọc hiểu.

Còn riêng đối với phần nghị luận văn học, theo TS Thu Tuyết, đoạn thơ cuối bài Vội vàng của Xuân Diệu thể hiện khát khao tận hưởng hương sắc cuộc sống ngay trong quĩ thời gian ngắn ngủi của đời người. Câu lệnh “khát vọng tình yêu tuổi trẻ” khiến ý thơ bị thu hẹp.

Đoạn thơ cuối của Xuân Quỳnh thể hiện niềm tin vào đích đến tốt đẹp của tình yêu cùng khát vọng hi sinh, dâng hiến và vĩnh viễn hoá tình yêu ngay trong cái ngắn ngủi của đời người, cái nhỏ bé của kiếp người. Ý trong câu lệnh của đề bài vì thế cũng quá chật hẹp so với ý thơ.

"Vả lại, nếu Xuân Diệu bận tâm nhiều tới tuổi trẻ thì điều khiến Xuân Quỳnh trăn trở lại là tình yêu nói chung, không giới hạn “ tình yêu tuổi trẻ”, TS Thu Tuyết nhấn mạnh.

TS Thu Tuyết cũng phân tích, cấu trúc đề của câu Nghị luận văn học cho thấy yêu cầu Nghị luận là so sánh hai đoạn thơ theo tỷ lệ 50-50; trong khi đó, đề tham khảo của Bộ mới công bố là Nghị luận chủ yếu về đơn vị kiến thức lớp 12 (hình ảnh ông đò vượt thác) - phần liên hệ tới kiến thức lớp 11 (hình ảnh Huấn Cao trong cảnh cho chữ) chỉ để làm rõ quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.

“Theo như cấu trúc đề thi thử môn Ngữ văn của Hà Nội, học sinh sẽ rất băn khoăn về hướng ôn tập chương trình lớp 11 - bởi theo hướng đề của Bộ, trọng tâm sẽ là chương trình lớp 12; phần lớp 11 cũng sẽ có vị trí ngang bằng với lớp 12, có thể sẽ tăng áp lực ôn thi cho học trò”, TS Thu Tuyết chia sẻ thêm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi thử môn Ngữ văn: Học sinh sẽ khó khăn trong hướng ôn tập chương trình lớp 11