Đề tham khảo môn Lịch sử: Nhiều câu hỏi hay, xoáy vào trọng tâm kiến thức

Ngô Chuyên| 17/05/2017 16:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, môn Lịch sử thi bằng hình thức trắc nghiệm. Đổi mới hình thức thi đã tạo nhiều hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, đề tham khảo môn Lịch sử lần 3 gần giống với đề thi thật giúp học sinh hình dung được mức độ đề thi chính thức.

Năm nay, đề tham khảo lần 3 của môn Lịch sử bao gồm 40 câu được chia làm hai phần nội dung: Lịch sử thế giới bao gồm 12 câu (chiếm 30%);  Lịch sử Việt Nam bao gồm 28 câu (chiếm 70%).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giáo viên dạy môn Lịch sử, đề tham khảo được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và mức độ nhận thức của học sinh.

Đi sâu vào đánh giá đề tham khảo môn Lịch sử, cô Trần Thị Lan – giáo viên môn Lịch sử tại trung tâm Tuyensinh247.com cho biết: “Đề được xây dựng đi từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao khá hợp lý. Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề Lịch sử. Đặc biệt đề tham khảo đã có nhiều câu hỏi hay xoáy sâu vào những vấn đề trọng tâm của chương trình học lớp 12”.

Đề tham khảo môn Lịch sử: Nhiều câu hỏi hay, xoáy vào trọng tâm kiến thức

Đáp án đề thi môn Lịch sử. Ảnh NC.

Đi sâu vào phân tích đề tham khảo cô Lan cho biết: “Trong phần Lịch sử thế giới giai đoạn 1945-2000 đã bám sát được nội dung quan trọng, đề đã lồng ghép các sự kiện tiêu biểu tác động mạnh đến tình hình quốc tế. Đơn cử như sự kiện: Trật tự hai cực Ianta, Chiến tranh lạnh, xu hướng toàn cầu hoá, … Ngoài ra đề còn đảm bảo tính đầy đủ với một số câu hỏi có nội dung về quốc gia, khu vực: ASEAN, Mĩ, Nhật…”.

So sánh đề tham khảo lần 3 với đề của 2 lần trước cho thấy, đề tham khảo lần này Bộ GD-ĐT đã có chú trọng hơn đến tổ chức mang tính quốc tế như: Liên Hợp Quốc.

Với số lượng 12 câu hỏi của phần lịch sử thế giới và nội dung bao quát, đề thi đảm bảo tính khoa học và hợp lí về nội dung, mức độ nhận thức của thí sinh.

Phần lịch sử Việt Nam với số lượng câu hỏi là 28 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000. Trong đó: giai đoạn từ 1919 – 1945 cũng chiếm 12 câu (30% đề thi) đề cập đến các vấn đề về các đảng phái chính trị, vai trò của Đảng và các cao trào cách mạng.

“So với đề lần 2, giai đoạn này được chú trọng, xoáy sâu vào mức độ hiểu và vận dụng của học sinh”, cô Lan nhấn mạnh.

Giai đoạn 1945 – 1975: giống như đề thử nghiệm lần 2, số lượng câu hỏi được tập trung ở giai đoạn 1945 – 1975 chiếm 12 câu (30% đề thi), nhưng số lượng ít hơn. Nội dung các câu hỏi đề cập đến những vấn đề chủ chốt như: âm mưu của Pháp và Mỹ; chủ trương của Đảng; các chiến dịch quân sự...

Đề tham khảo môn Lịch sử: Nhiều câu hỏi hay, xoáy vào trọng tâm kiến thức

Đề thi môn Lịch sử hay, có tính phân loại học sinh cao. Ảnh HN.

Cô Lan lưu ý: “Đây là giai đoạn trọng tâm với nhiều kiến thức khó, nhiều kiến thức có ảnh hưởng quốc tế lớn. Chính vì thế, các thí sinh trong quá trình học tập và ôn luyện cần nắm vững kiến thức để đạt được điểm cao”.

Giai đoạn 1975 – 2000 chiếm 4 câu (chiếm 10% đề thi) tập trung vào vấn đề đổi mới và thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

“Nếu không có sự ôn luyện kĩ càng thì khó có thể đạt được điểm khá. Vì thế, các em phải cố gắng hơn nữa để nắm kiến thức một cách toàn diện và thấu hiểu được bản chất của vấn đề. Thêm vào đó, cũng cần có phương pháp học tập hiệu quả giúp quá trình học được hiệu quả hơn”, cô Lan nhấn mạnh.

Nói tóm lại đề thi tham khảo môn Lịch sử lần 3 là một đề hay, khoa học, bao quát, bám sát chương trình, có đầy đủ các mức độ nhận thức nhằm phân loại chất lượng học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề tham khảo môn Lịch sử: Nhiều câu hỏi hay, xoáy vào trọng tâm kiến thức