“Con đường sáng” của người khiếm thị

Nguyễn Thị Thảo| 28/02/2014 13:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không phấn trắng, bảng đen, chỉ có những tiếng gõ lạch cạch từ bàn phím. Ở lớp học ấy, học viên không nhìn thấy gương mặt của người thầy. Đó là lớp học đặc biệt dành cho người khiếm thị của Trung tâm giáo dục và dạy nghề, Hội Người mù tỉnh Vĩnh Phúc.

Chúng tôi đến thăm lớp học dành cho người khiếm thị vào một sáng đầu Xuân. Thoạt nhìn lớp học này, ai cũng nghĩ đây là lớp học bình thường. Nhưng quan sát kỹ những bàn tay lần trên những con chữ nổi, nghe tiếng gõ lạch cạch trên bàn gỗ mới thấy nét đặc biệt của lớp học này. Điểm đặc biệt nữa ở lớp học này là không phân biệt tuổi tác giữa các học viên. Khi vào trung tâm, các học viên sẽ trải qua các khóa học ở lớp học tiền hòa nhập. Những lớp học này sẽ giúp họ khắc phục khiếm khuyết của đôi mắt để có thể tự ăn uống, vệ sinh, định hướng di chuyển, học chữ Braille, tiếp thu thông tin bên ngoài thông qua việc đọc sách báo, giao lưu với bạn bè, xóa đi mặc cảm, tự ti. Sau khi tham gia lớp học tiền hòa nhập, các học sinh khiếm thị có thể theo học tại các trường như các bạn sáng mắt.

“Con đường sáng” của người khiếm thị

Đại diện lãnh đạo Hội người mù tỉnh nhận món quà ý nghĩa từ tập đoàn LG Electronics

Cô Lê Thanh Sáng, Chủ nhiệm lớp học tiền hòa nhập chia sẻ: “Ở đây, mỗi học viên một cá tính, một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có điểm chung là chấp nhận số phận, lạc quan và không ngừng nỗ lực học tập để trở thành những người có ích cho xã hội”.

Để giúp học viên vượt qua mặc cảm, tự ti, các thầy cô ở đây đã tận tâm, động viên khơi dậy ước mơ, mở cánh cửa tri thức với những số phận thiệt thòi. Sự khó khăn và vất vả của những người thầy khó có thể diễn tả hết thành lời bởi ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn làm cả công việc của người mẹ, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho học viên. Cô Sáng chia sẻ: “Học viên khi mới đến lớp còn rất nhiều bỡ ngỡ, một số em do chưa được tiếp xúc nhiều với bên ngoài cùng với khiếm khuyết về mắt nên việc dạy dỗ khá vất vả bởi các học viên này hình dung được mọi thứ không được chính xác, từ quy luật trái, phải đến định hình đồ vật, do đó chúng tôi phải chỉ bảo từng chi tiết nhỏ”.

Điển hình là trường hợp em Đặng Thị Thanh Thư, 7 tuổi, bị mù bẩm sinh. Bao nhiêu năm, Thư chỉ biết làm bạn với mấy bức tường. Được vào học ở trung tâm, cuộc đời Thư bước sang một trang mới. Ở đây, Thư được học chữ, được vui chơi cùng bạn bè và được các thầy cô ân cần chăm sóc.

Hiện nay, Trung tâm giáo dục và dạy nghề Hội Người mù tỉnh Vĩnh Phúc có 50 học viên ở nhiều lứa tuổi. Giám đốc Trung tâm giáo dục và dạy nghề Nguyễn Đức Thiện chia sẻ: Bản thân cũng là một người khiếm thị nên ông rất hiểu và thông cảm với những mảnh đời khiếm thị. Nếu không có sự quan tâm và định hướng từ xã hội, người khiếm thị rất dễ mặc cảm, tự ti. Đến nay, hầu hết học sinh tại lớp tiền hòa nhập ở Trung tâm đều rất tiến bộ. Sau khi vào các lớp hòa nhập, một số em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhiều năm liền như Nguyễn Đức Phi, Lê Thanh Yên…

“Con đường sáng” của người khiếm thị

Dạy chữ nổi cho trẻ khiếm thị

Bên cạnh đó, trung tâm còn có lớp dạy tin học cho những người khiếm thị. Học con chữ qua Braille đã là một thành công lớn đối với người khiếm thị, việc sử dụng được máy tính là một kỳ tích của những con người này. Thầy giáo Nguyễn Đăng Đạt, người đã có 5 năm gắn bó với lớp dạy tin học đặc biệt này cho biết: Đây là lớp học đặc biệt dành cho người khiếm thị. Dù trẻ hay già thì họ đều có một mong ước là được tiếp cận tri tức, tiếp cận với công nghệ để phấn đấu hòa nhập cộng đồng.

Với người khiếm thị, để học và thực hành bộ môn tin học là điều rất khó khăn. Với sự hỗ trợ của phần mềm, những người khiếm thị mới làm quen với máy vi tính chỉ có thể nghe, đọc được những bài, tin chính chứ muốn tra cứu những bài liên quan hoặc cũ hơn cũng rất khó. Chỉ có tinh thần ham học cùng sự tận tình dạy dỗ của giáo viên mới có thể giúp họ thành công. Bài học đầu tiên với các học viên là làm quen với bàn phím, nhớ vị trí, chức năng của từng phím. Khi thành thạo các phím, những người khiếm thị sẽ được dạy các kỹ năng cơ bản như soạn thảo và căn chỉnh văn bản trên Microsoft Word, quản lý dữ liệu, sử dụng hòm thư, đọc báo, tìm kiếm tài liệu.Với người bình thường, khi sử dụng máy tính có thể dùng “chuột” để thao tác các lệnh của máy tính. Nhưng với người khiếm thị, do không nhìn được màn hình nên máy tính của họ được cài thêm một Chương trình đọc màn hình JAWS (Job Access With Speech - phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị mạnh nhất thế giới hiện nay).

Lớp học vi tính dành cho người khiếm thị ở Trung tâm giáo dục và dạy nghề, Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc đã mở ra cánh cửa tri thức, giúp người khiếm thị cập nhật thông tin, tìm hiểu kiến thức mới; giúp họ vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Con đường sáng” của người khiếm thị