Cô giáo 18 năm gieo ước mơ, niềm tin và nghị lực sống cho học sinh khiếm thị

Ngô Chuyên| 08/11/2018 13:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

18 năm cô gắn bó với nghề giáo là 18 năm cô gieo niềm hi vọng, ước mơ, hoài bão, niềm tin cuộc sống vào những đứa trẻ khiếm thị của trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh để các em lớn lên vững bước hòa nhập vào cuộc sống, quên đi những khiếm khuyết trên cơ thể.

Cô giáo chào học sinh bị tát nổ đom đóm mắt

Ngay sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1977) xin về công tác tại trường Khuyết tật tỉnh Tây Ninh. Cô mong muốn, sau khi về đây công tác có thể san sẻ, giúp đỡ, đem lại cho các em niềm hạnh phúc nho nhỏ, tạo cho các em niềm tin mãnh liệt để vững bước vào cuộc sống và hơn hết là bớt phần nào nỗi đau, sự mất mát một phần cơ thể của các em.

Cô giáo 18 năm gieo ước mơ,                                                                           niềm tin và nghị lực sống cho học sinh khiếm thị

Cô Hương Giang và học trò của mình. Ảnh NVCC.

Cô Giang tâm sự: “Khi tôi xin về trường khiếm thị công tác, tôi nhận được những lời thị phi “sao mà vào trường đó? gần mấy em đó mai mốt sinh con giống như vậy... tôi giải thích với họ rằng cấu tạo sinh lý mỗi người khác nhau, không bao giờ có chuyện đó và tôi đã chứng minh cho họ thấy. Nhưng một khó khăn mà tôi lo lắng hơn là giáo dục, chăm sóc cũng như tâm lý của mỗi học sinh khiếm thị  khác với học sinh bình thường, nếu người giáo viên không biết được đặc điểm tâm lý thì không thể giáo dục được các em trở thành người có ích”.

Cũng là một giáo viên nhưng chị Hương và những đồng nghiệp của mình tại trường hàng ngày lên lớp không phải khoác chiếc áo dài thướt tha, tóc xõa bờ vai với bảng đen, phấn trắng,... “Có nhiều lần tôi nhận được cái tát nổ cả đom đóm mắt hay cái cấu, véo một cái làm mình đau điếng người mà các em cười khúc khích. Có em thì khóc mãi hay cười hoài hoặc ôm cô liếm tay ngửi tóc..... những ngày đầu chỉ muốn bỏ việc nhưng rồi nhìn những nụ cười vô tư hồn nhiên ấy các con chẳng có lỗi gì mình không giúp thì ai là người giúp các con”, cô Hương kể.

Cô Hương tâm sự thêm, để đổi lấy một nụ cười hay những tiếng bập bẹ nói, các em phát ra là biết bao giọt mồ hôi, đôi khi cả nước mắt trong âm thầm. Giáo viên dạy trẻ khiếm thị luôn bận rộn, đôi khi rất căng thẳng khác với giáo dục một trẻ bình thường đã vất vả thì việc giáo dục và chăm sóc trẻ khiếm thị khó nhọc được tính bằng cấp số nhân.

Cô giáo 18 năm gieo ước mơ,                                                                           niềm tin và nghị lực sống cho học sinh khiếm thị

Cô Giang luôn lấy niềm vui, tiếng cười của học sinh làm động lực để phấn đấu. Ảnnh NVCC.

Gieo nghị lực sống cho học sinh khiếm thị

Khi PV hỏi về học sinh cô ấn tượng nhất trong quãng đời đi dạy, cô Hương khựng lại, mắt ngấn lệ tâm sự: Năm học 2008, tôi còn nhớ như in một cô bé học sinh mới chuyển đến lớp. Cô bé đó là Bình An, một cô bé có mái tóc búp bê, khuôn mặt nhỏ nhắn trông rất xinh xắn với nét mặt hớn hở nhưng còn e ngại ngập ngừng chỉ đứng nép bên bà.

Khi bà trao tay An cho tôi và nói: Đây là cô giáo của con đấy!

An: Con chào cô ạ! Bé liền hỏi tôi: Cô ơi! Đôi mắt của con màu trắng hay màu đen?

Tôi nhìn thoáng qua vào đôi mắt An và nói: Đôi mắt con màu đen. Tôi không ngờ câu nói đó lại là một tia hi vọng vô cùng lớn với An. Ngày còn bé, An giống như bao cô bé khác có đôi mắt sáng long lanh, tung tăng vui chơi cùng bạn bè trang lứa. Có lẽ  số phận đã an bài, đôi mắt của An dần dần chuyển sang màu trắng mà em không hề biết.

An rất mạnh mẽ, không chấp nhận chuyện đang xảy ra với mình, An cố gắng học chữ sáng vì thị lực của em còn lại vẫn còn dù mỗi lần học An cúi sát mắt vào từng con chữ. “Sau mỗi lần tập trung như vậy, tôi thấy em hay dùng tay vỗ vào đầu, dụi mắt…Tôi cảm thấy lo lắng sợ sự cố gằng này kéo dài không được lâu, làm em không còn hứng thú học tập, việc học tập như vậy giống một cực hình đối với em. Tôi luôn có gắn gần với em nhiều hơn, động viên, giúp đỡ em mọi mặt”, cô Hương tâm sự.

Nắm rõ tình hình của An, cô Hương đã bàn với nhà trường và gia đình cho em chuyển sang học chữ nổi (Braille). “Lúc này, An òa khóc nức nở: Con không học chữ nổi, con không thích chữ nổi, đôi mắt con còn màu đen mà sao phải học chữ nổi. Con sẽ được mổ mắt con không phải người mù tại sao phải học chữ nổi? An khóc trong nghẹn ngào làm tim tôi cũng rơi lệ theo em”, cô Hương không cầm được nước mắt kể lại.

Cô giáo 18 năm gieo ước mơ,                                                                           niềm tin và nghị lực sống cho học sinh khiếm thị

Cô Hương tâm sự trong nước mắt, lúc này tôi mới bàng hoàng không ngờ câu nói của mình ngày ấy đã gieo cho em một tia hi vọng lớn đến thế. Tôi cũng tự trách mình sao gieo cho An niềm hi vọng là con mắt đen và con mắt trắng. Sao em lại khóc nức nở đến như vậy?... Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết tâm phải giúp An đến trường trở lại một phần tôi muốn trao cho em cái chữ, tôi muốn em có thể hòa nhập vào cuộc sống mới này. Tôi tìm đến nhà An thì mới biết hoàn cảnh của em thật khó khăn mẹ đi làm xa ít khi về nhà, bố em bị tai biến nằm một chỗ, An ở cùng với bà và một em trai.

Khi trò chuyện với bà An tôi mới biết, An không muốn mình trở thành người mù vì sẽ tăng thêm gánh nặng cho bà và mẹ. Hi vọng, 8 năm nữa mình được mổ mắt và trở thành người bình thường để giúp cho bà và mẹ vơi bớt nhọc nhằn.

“Tôi cùng bà nội An động viên, an ủi để An đi học trở lại, khi An đến lớp tôi không nói chuyện gì liên quan đến việc học chữ nổi, tôi muốn em được bình an không bị sốc như lần trước. Tôi quan tâm em nhiều hơn, trò chuyện, chia sẻ theo dõi từng cách em đọc, em viết bằng chữ sáng thật chật vật và khó khăn vô cùng, nhưng tôi vẫn công nhận và tuyên dương những thành công dù rất nhỏ của em", cô Hương tâm sự.

Thế rồi, bằng những câu đố, trò chơi liên quan đến các chấm của chữ nổi từng bước cô Hương dắt An vào học chữ nổi lúc nào mà không hề biết. Đến nay, An đã đọc chữ nổi rất thành thạo và cũng không còn nhớ mình đã học nó từ lúc nào nữa. Bằng tình yêu thương  đó, cô Hương dìu An vào thế giới dành riêng em tuy là bóng đêm nhưng nó tràn đầy ánh sáng hồng tươi.

Để có sự thành công đó, cũng như tâm huyết với nghề của mình cô Hương luôn có sự đồng hành của người bạn đời cũng chính là đồng nghiệp của mình. Cô Hương tâm sự: “Chồng tôi vừa là đồng nghiệp bởi vậy anh hiểu mọi khó khăn, vất vả, niềm vui, sự thất bại nên anh động viên tôi rất nhiều. Nay có thêm con gái nối nghiệp cha mẹ thực hiện công việc thiêng liêng và ý nghĩa tôi cảm thấy mình may mắn vô cùng. Hiện cháu là sinh viên năm thứ hai của khoa Giáo dục đặc biệt. Chính vì thế, tôi rất thuận lợi trong việc giảng dạy trẻ khuyết tật, cuộc đời của chúng tôi quấn quýt với những trẻ khuyết tật đó chính là hạnh phúc là niềm vui bất tận của gia đình tôi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo 18 năm gieo ước mơ, niềm tin và nghị lực sống cho học sinh khiếm thị