Có cách nào hàn gắn những vết thương?

Minh Thanh| 10/02/2017 17:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, thông tin đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, đó là sự việc một em nữ sinh đăng tải lên trang confession của ngôi trường mình đang theo học bài viết thể hiện sự đau đớn, uất ức của bản thân.

Do trò nghịch ngợm nông nổi của bạn đồng học trong giờ thí nghiệm môn Hóa học, mà một nữ sinh đã bị bỏng cồn ở mức độ nghiêm trọng (bỏng độ 3 được xếp vào nhóm bỏng sâu, bỏng vào đến trung bì, gây hoại tử da diện rộng…). Tiên lượng hồi phục hoàn toàn là không thể. Tổn hại về sức khỏe thể chất chỉ là một phần nhỏ so với những tổn thất khó có thể đo đếm được về tương lai của một cô gái 17 tuổi, đang đứng trước ngưỡng cửa của kì thi chuyển cấp, với một tương lai sẽ phải sống chung với những vết bỏng mất thẩm mỹ ở khu vực mặt và cổ.

Chia sẻ của em nữ sinh thể hiện sự tức giận và đau khổ, bởi trong khi em đang phải hứng chịu những đau đớn cả về thể xác và tinh thần, thì nhà trường cũng như gia đình các bạn nam đã gây ra tai nạn cho em lại thể hiện một thái độ quanh co, trốn tránh, cố gắng giữ sự việc ở trong vòng bí mật để thoái thác trách nhiệm.

Điều đáng nói ở đây, đó là phản ứng của nhà trường và các bạn cùng trường với em. Bên cạnh những lời động viên, chia sẻ với nỗi đau của em, lại có rất nhiều bình luận lên án em “làm mất uy tín của nhà trường”, cho rằng em đã “làm quá” mọi việc, rằng thương tích của em “không nặng nề” như mô tả.

Đó là những bình luận tấn công nạn nhân (victim blaming), người đáng lẽ phải có được sự thông cảm và thấu hiểu lại bị quy kết là thủ phạm, trở thành “vật tế thần” (scapegoating) để đổ lỗi. Dù động cơ là gì, thì những lập luận như vậy chỉ là ngụy biện (fallacy) với sức "sát thương" còn khủng khiếp hơn vết bỏng, để lại những sang chấn tâm lý rất lớn cho em.

Còn gì đau đớn bằng việc những bất công mình phải chịu lại không được thừa nhận, thậm chí còn bị kết tội? Em nữ sinh chỉ đang lên tiếng một cách hoàn toàn hợp pháp, phản ánh đúng thực trạng vấn đề và yêu cầu công lý cho bản thân mình. Không thể viện lý do “bảo vệ uy tín cho nhà trường” để ngăn cản những quyền lợi chính đáng của em. Và hãy xem cách nhà trường bảo vệ uy tín cho mình như thế nào?

Chỉ một ngày (đúng hơn là vài tiếng đồng hồ, từ 21h30 đêm hôm trước đến ngày hôm sau) sau khi bài viết của em được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, nhà trường đã soạn thảo công văn cho các cơ quan quản lý về báo chí - truyền thông, hứa sẽ xử lý những cá nhân có liên quan và đề nghị không đưa sự việc lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một công văn được viết vội vã đến mức còn chưa soát hết lỗi chính tả, với những từ ngữ khuôn mẫu và sáo rỗng, chỉ thể hiện một thái độ chống chế hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh này. Cách phản ứng nhanh chóng của nhà trường với bài viết của một em nữ sinh đối lập hẳn với sự thụ động trong khắc phục hậu quả trong suốt một tháng qua, không khỏi khiến người ta phải đặt dấu hỏi.

Trong sự việc này, người cần được xoa dịu không phải là các cơ quan truyền thông hay báo chí. Một ngày sau đó, các em nam sinh liên quan được yêu cầu làm bản kiểm điểm. Nhìn những bản kiểm điểm với nét chữ nguệch ngoạc, cẩu thả, có lẽ được viết ra trong thời gian không quá một chục phút đồng hồ, không khó để đoán được thái độ của những người viết ra nó. Cần nhắc lại rằng: các em học sinh có phần lỗi trong vụ việc này đã là học sinh lớp 12, ở một trường phổ thông có tiếng trên địa bàn Thủ đô. Khó có thể tìm được lý do để biện minh cho việc này.

Những bản kiểm điểm của các em làm tôi nhớ đến một vụ án nổi tiếng xảy ra hồi đầu thiên niên kỷ: Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã cướp đi tính mạng của hai em học sinh lớp 9, để lại nỗi đau khổ tột cùng cho cha mẹ và người thân của các em. Chỉ có điều, với những bất ổn trong hoạt động điều tra - tố tụng, vụ án đã đi qua ba phiên tòa sơ thẩm mà cả ba bản án đều bị kháng cáo, kháng nghị. Tiến trình tố tụng kéo dài suốt sáu năm ròng rã với tám lần xét xử, kéo dài thêm rất nhiều nỗi đau đớn cho gia đình nạn nhân khi không thể tìm được công bằng cho cô con gái đoản mệnh của mình. Thậm chí, những tình tiết của vụ tai nạn đã được dựng thành phim truyền hình.

Có cách nào hàn gắn những vết thương?

Trường THPT Phan Đình Phùng

Đã có lần, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên truyền hình, mẹ của nạn nhân xấu số đã bày tỏ nguyện vọng, rằng bà không mong muốn người gây ra cái chết cho con gái mình phải chịu một mức án nặng, mà chỉ mong anh ta thành khẩn thừa nhận lỗi lầm. Thậm chí, chỉ cần anh ta viết một bản kiểm điểm mang đến, nói rõ sự thực thì gia đình bị hại sẵn sàng tha thứ, xin miễn giảm hình phạt … Số tiền bồi thường thiệt hại, có thể sẽ được dùng để gây quỹ nhằm phòng chống tai nạn giao thông cho trẻ em.

Lẽ đơn giản, sự trừng phạt trong hình luật không phải là ăn miếng trả miếng theo kiểu “giết người đền mạng”. Khi người chết không thể sống lại, thì điều an ủi lớn nhất là những nguồn cơn gây ra nỗi đau cho gia đình nạn nhân phải được làm rõ và có biện pháp phù hợp để không bao giờ tái diễn … Đáng tiếc, chỉ vì những khuất tất ban đầu, mà vụ án đã rơi vào bế tắc. Sáu năm xét xử là sáu năm khắc khoải chờ đợi, không chỉ kéo dài thêm nỗi đau của gia đình nạn nhân, mà còn là nỗi đau của gia đình bị cáo, khi không thể ấn định một cách rõ ràng số phận, tương lai của con em mình.

Nhắc lại chuyện đau lòng trong quá khứ, để hiểu rằng: Những vết bỏng nghiêm trọng hủy hoại gương mặt của em nữ sinh hôm nay sẽ không bao giờ liền lại. Không tiền bạc hay một hình thức kỷ luật nào làm được điều đó. Nhưng một thái độ chân thành, với ý thức rõ ràng và đầy đủ về trách nhiệm của mình sẽ phần nào để những tổn thương ấy ngủ yên, không còn nhức nhối trong tâm trí của em.

Xin đừng khắc sâu thêm nỗi đau của em bằng cách giấu giếm sự việc hay quy kết em trở thành tội đồ. Và cũng xin nhớ rằng, đừng để sự việc trở nên bế tắc vì những trốn tránh, khuất tất, điều đó sẽ cuốn tất cả các bên vào những rắc rối kéo dài. Mà tất cả các em học sinh trong sự việc này, đều đang đứng trước kỳ thi quan trọng kết thúc 12 năm đèn sách. Gia đình, nhà trường, xin hãy làm hết khả năng của mình để nhẹ đi phần nào gánh nặng, cho các em được thanh thản bước vào đời.

Không có cách nào để hàn gắn hoàn toàn những vết thương như thế. Chỉ có điều, có lẽ không phải là tiền bạc hay sự trừng phạt, mà là một lời xin lỗi chân thành.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả - một sinh viên ngành luật tại Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có cách nào hàn gắn những vết thương?