Chương trình giáo dục phổ thông: Nếu giáo viên “lười” thay đổi sẽ khó thành công

Xuân Diệp| 25/09/2017 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều giáo viên, phương pháp dạy học hiện nay đã lạc hậu, phải có phương thức thay đổi để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả cho người học. Thế nhưng, khó khăn nhất vẫn là sự thay đổi ở bản thân mỗi giáo viên.

Tại Hội thảo về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức , nhiều chuyên gia, nhà quản lý, diễn giả, các thầy cô giáo tham dự đều đồng quan điểm phương pháp dạy học hiện nay đã lỗi thời.

Đặc biệt, Ông Tạ Quang Sum (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) nhấn mạnh: “Giáo viên là mấu chốt, nhưng thực tế cho thấy, nhiều thầy cô ngại thay đổi, sợ đụng chạm lợi ích cá nhân”.

Chương trình giáo dục phổ thông: Nếu giáo viên “lười” thay đổi sẽ khó thành công

Ảnh minh họa (Hải Nam)

Ông cũng khẳng định: “Cho đến nay, phương pháp dạy và học trong các nhà trường đã rất lạc hậu, nhưng khó thay đổi vì chưa có những giải pháp khả thi nhằm thay đổi cả một hệ thống tập quán bị nhân danh là truyền thống. Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ để tạo ra sức ì ngăn cản đổi mới, vì đích đến của họ chỉ là kết quả các kỳ thi”.

Một thực tiến hiện nay đang được áp dụng trong chương trình giảng dạy của nhiều giáo viên là giáo viên chỉ nói lại đầy đủ những gì đã được viết trong sách giáo khoa, phải tuân thủ trình tự lên lớp, tính sáng tạo và nghệ thuật dạy học chưa trở nên cấp thiết.

“Những tiết thao giảng, dự giờ diễn ra chưa thực chất, khó phản ánh được chất lượng của giáo viên và học sinh. Cả cán bộ quản lý lẫn giáo viên đều không dễ dàng từ bỏ nhiều cách làm cố hữu bởi quan điểm dạy học chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm học mà không có điều tiếng gì”, ông Sum nêu thực trạng.

Cũng bàn về thực trạng này, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đề cao vai trò của người giáo viên và chính giáo viên là nhân tố quyết định rất lớn vào sự thành công của việc đổi mới chương trình.

Ông Hùng nói: “Điều kiện để đổi mới giáo dục phổ thông phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giáo viên, nhưng đội ngũ này còn nhiều yếu kém do một bộ phận giáo viên ngại chuyển đổi từ cách dạy cũ sang cách dạy mới, giáo viên còn thừa - thiếu cục bộ nhiều nơi. Trong khi đó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nếu tổ chức dạy học tự chọn thì thiếu rất nhiều phòng học...”.

Chương trình giáo dục phổ thông: Nếu giáo viên “lười” thay đổi sẽ khó thành công

Giáo viên là nhân tố quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục. Ảnh Hải Nam.

Ngoài ra, ông Hùng kiến nghị dừng đào tạo giáo viên Tiểu học, THCS hệ cao đẳng sư phạm và khẩn trương đào tạo giáo viên còn thiếu.

“Bồi dưỡng phải đi sâu vào từng loại giáo viên, Bộ GD-ĐT cũng cần có quy định cụ thể về dạy học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, muốn đổi mới giáo dục phổ thông thành công thì phải quy định về sĩ số lớp theo hướng giảm xuống”, ông Hùng nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị, lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa đại trà từ năm học 2019-2020 để đủ thời gian chuẩn bị.

“Lộ trình thực hiện phải tính theo trường. Trường nào đủ điều kiện thì triển khai từ năm học 2019-2020, nơi nào chưa đủ thì chậm hơn. Song song đó cần rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo viên”, ông Hùng nói.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giáo dục phổ thông: Nếu giáo viên “lười” thay đổi sẽ khó thành công