Chữa cháy việc làm cho sinh viên đã lan rộng ra ngoài xã hội không chỉ gói gọn trong ngành giáo dục

Mai Thoa - Ngô Chuyên| 06/11/2018 19:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp ngày sáng 6/11, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) chia sẻ: “Khi được trao quyền tự chủ, một số cơ sở có thể lúng túng khi thực hiện, một số lại có thể lạm dụng quyền tự chủ sau khi được giao”.

Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là một vấn đề quan trọng

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm 2017 - 2018, cả nước có 235 trường đại học, học viện. Nếu tính cả các trường cao đẳng thì chúng ta có khoảng 700 trường, kèm theo đó là 73.000 giảng viên và 16.500 tiến sĩ. Mỗi năm đào tạo được khoảng 1,7 triệu sinh viên. Từ đó cho thấy quy mô của giáo dục đại học đóng phần quan trọng với nền giáo dục của cả nước. 

Với quy môn đó, theo phân tích của bà Thảo: “Luật Giáo dục đại học năm 2012, sau 5 năm có hiệu lực ban hành đã bộc lộ nhiều bất cập: Về quản trị đại học, tài chính tài sản, quản lý đào tạo cũng như quản lý nhà nước. Do đó, cần thiết phải sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với một số luật mới ban hành”.

Chữa cháy việc làm cho sinh viên đã lan rộng ra ngoài xã hội không chỉ gói gọn trong ngành giáo dục

Ảnh minh họa. Ngô Chuyên.

Theo bà Thảo, về cơ bản, tôi nhận thấy Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục đại học trong thời gian tới, đủ điều kiện để Quốc hội có thể thông qua tại kỳ họp này. Trong dự thảo luật, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là một vấn đề quan trọng, được quy định cụ thể tại Điều 32, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học.

Bà Thảo cũng dẫn chứng thêm, theo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới, tự chủ đại học sẽ giúp phát triển nhà trường đại học theo chiều hướng sáng tạo, tăng tính cạnh tranh, huy động được sự đóng góp của cộng đồng xã hội, sử dụng đảm bảo nguồn lực, tránh trì trệ, dựa dẫm vào nhà nước. Những quy định về tự chủ đại học trong dự thảo tôi nhận thấy cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ với chủ trương này.

Tuy nhiên, bà Thảo cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung có liên quan cụ thể đến Điều 16 và Điều 32 như sau: Thứ nhất, khi các trường đại học tiến hành tự chủ, Nhà nước chủ yếu đóng vai trò giám sát mà không trực tiếp can thiệp vào hoạt động của trường đại học. Các loại hình đào tạo, chỉ tiêu đào tạo sẽ do nhà trường tự quyết định. Theo đó, nhiều trường khi có nguyện vọng lại đáp ứng được các điều kiện tự chủ tại khoản 2 Điều 32 sẽ được giao quyền tự chủ. Về lâu dài, khi đi vào thực hiện, bà Thảo tin tưởng rằng đào tạo của các trường sẽ dần gắn kết được với thị trường lao động.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng đặt ra lo ngại: “Tôi e ngại rằng vào thời điểm bắt đầu và giai đoạn chuyển giao tự chủ, một số trường sẽ không khỏi lúng túng khi thiếu vắng vai trò điều tiết của nhà nước, thiếu vắng sự kết nối giữa các trường, dẫn tới xuất hiện quá nhiều ngành nghề được đào tạo không có sự cân đối, dẫn đến lệch pha cung - cầu trong lao động”.

Cũng liên quan đến vấn đề đào tạo đại học, bà Thảo dẫn chứng nội dung mà đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đã phát biểu, đến thời điểm chuyển giao, khoảng một vài năm tới đây, trong xã hội có thể xuất hiện hai nhóm đối tượng cùng thiếu việc làm. Nhóm thứ nhất, nhóm gồm 200.000 sinh viên đã được đào tạo nhưng hiện nay chưa bố trí được việc làm. Gồm 126.900 người thất nghiệp có trình độ đại học và 70.700 người tốt nghiệp có trình độ cao đẳng trở lên.  Nhóm thứ hai trong nhóm thiếu việc làm này chính là nhóm sinh viên được đào tạo mới từ các trường đại học được tự chủ mà chưa sát với nhu cầu của xã hội.

“Như vậy, vô hình chung việc tự chủ của các nhà trường vào một thời điểm nhất định lại gây thừa lao động ở một số nhóm ngành và thiếu lao động ở một số nhóm ngành khác, kéo theo gia tăng gánh nặng về đáp ứng việc làm phù hợp với các nhân lực đã và sẽ được đào tạo, làm cho bài toán việc làm đã khó sẽ càng trở nên khó hơn”, bà Thảo nhấn mạnh.

Mặc dù, trong dự thảo tại khoản 2 Điều 16 khi đề cập đến trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường đại học công lập, điểm e đã quy định Hội đồng trường quyết định chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Để minh chứng cho khả năng này điểm c khoản 3 Điều 16 cũng đã quy định thành viên của Hội đồng trường ngoài nhà trường, tôi thống kê thấy gồm ít nhất 5 nhóm thành viên có khả năng hỗ trợ tác động được việc làm như sau: Một là các nhà lãnh đạo; Hai là nhà quản lý; Ba là doanh nhân; Bốn là đại diện cơ quan tổ chức sử dụng lao động; Năm là đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Đối với các thành viên khác ngoài nhà trường như nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà khoa học cựu sinh viên hay thành viên trong nhà trường dù muốn có chính sách hỗ trợ việc làm cho sinh viên theo dự thảo quy định thì bản thân họ khó có khả năng thực hiện quyết sách này. Như vậy, nếu thành viên ngoài nhà trường trong nhóm 5 thành viên vừa kể tên có chiếm 30% Hội đồng trường, trong phạm vi chức trách của mình liệu họ đã đủ quyền lực trở thành bộ phận chính yếu giúp Hội đồng trường thực hiện quyền quyết định chính sách hỗ trỡ việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hay không.

Chữa cháy việc làm cho sinh viên đã lan rộng ra ngoài xã hội không chỉ gói gọn trong ngành giáo dục

Khi được trao quyền tự chủ một số cơ sở có thể lúng túng khi thực hiện, một số lại có thể lạm dụng quyền tự chủ sau khi được giao. Ảnh Ngô Chuyên.

Dự thảo luật giáo dục đang quy định hạn chế và quyền vượt quá khả năng của Hội đồng trường

“Tôi e ngại rằng dự thảo đang quy định quyền hạn và trách nhiệm này vượt quá khả năng của họ cũng như vượt quá khả năng của Hội đồng trường. Từ đó cho thấy dự thảo luật bên cạnh việc xem lại quy định trách nhiệm của Hội đồng trường tại Điều 16 cho phù hợp hơn vẫn cần trách nhiệm giải trình của các trường đại học”, bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, mặc dù tại khoản 6 Điều 32 quy định khá chi tiết trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học như: công khai báo cáo hàng năm, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan có thẩm quyền song lại chưa thể hiện rõ thời gian giải trình định kỳ như thế nào. Có thể dẫn tới cách hiểu, sau khi thực hiện mô hình tự chủ mà đã xảy ra sự cố thì các cơ sở giáo dục mới tiến hành giải trình.

“Với tình trạng tôi vừa phân tích, thì trách nhiệm chữa cháy việc làm cho sinh viên tốt nghiệp thuộc về ai khi phạm vi đám cháy đã lan rộng ngoài xã hội không chỉ gói gọn trong ngành giáo dục. Liệu chúng ta có phải tiến hành đào tạo lại gây lãng phí không? Do đó, nhất thiết phải bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trước và sau khi thực hiện để nhà nước thể hiện vai trò nắm bắt, giám sát, điều tiết, định hướng khi cần thiết. Tôi đề nghị quy định cụ thể thời gian giải trình định kỳ bắt buộc của các cơ sở giáo dục đại học bổ sung ở Điều 32 để thể hiện vai trò nhà nước không chỉ hậu kiểm mà cần cả tiền kiểm, trước khi các đơn vị tiến hành tự chủ”, bà Thảo nhấn mạnh.

Bà Thảo cũng đề nghị dự thảo luật cần có các tiêu chí cơ bản mang tính lượng hóa để các cơ sở giáo dục đại học có căn cứ tiến hành xây dựng lộ trình tự chủ và đánh giá tính khả thi khi áp dụng mô hìnhtương ứng bởi vì dù muốn cũng không thể cùng lúc trao quyền tự chủ cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Mặt khác, khi được trao quyền tự chủ một số cơ sở có thể lúng túng khi thực hiện, một số lại có thể lạm dụng quyền tự chủ sau khi được giao. Mức độ mô hình áp dụng tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học không thể giống nhau nên cần bổ sung Điều 32 một khoản quy định về tiêu chí cơ bản làm căn cứ cho các cơ sở này từng bước tiến hành tự chủ lựa chọn lĩnh vực và mô hình phù hợp với năng lực của từng đơn vị tùy từng thời kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữa cháy việc làm cho sinh viên đã lan rộng ra ngoài xã hội không chỉ gói gọn trong ngành giáo dục