Chủ tịch UBND xã bị tố dùng bằng giả

Thanh Phương| 23/03/2016 10:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian qua, người dân xã Quảng Trạch (Quảng Xương, Thanh Hóa) vô cùng bức xúc trước việc ông Hoàng Văn Phúc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã dùng bằng cấp giả mạo để tiến thân nhưng không bị cơ quan cấp trên xử lý.

Chủ tịch UBND xã bị tố dùng bằng giả

Ông Ngô Tiến Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trạch trao đổi với PV

Để tìm hiểu sự việc này, PV đã tới xã Quảng Trạch, ông Ngô Tiến Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Hiện nay đồng chí Chủ tịch xã đang xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Đồng chí Hoàng Văn Phúc cũng đã xin rút khỏi danh sách đề cử giới thiệu vào Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2016- 2021. Trước khi làm Chủ tịch UBND xã, đồng chí Phúc giữ chức Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã. Về bằng cấp của đồng chí Phúc có gian lận, chúng tôi cũng nghe qua, chứ không có chuyên môn để khẳng định việc bằng cấp đó là thật hay giả. Hiện nay các cơ quan huyện Quảng Xương đang thẩm tra, xác minh.”

Tại phòng làm việc của Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Quảng Xương Nguyễn Tiến Thành, ông này cung cấp cho PV, 1 loạt các bằng cấp của người đang bị tố cáo. Trong đó có bằng Tốt nghiệp Trung học phổ thông mang tên ông Hoàng Văn Phúc, sinh ngày 20/11/1962 đã trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT khóa thi năm 1980, tại Hội đồng thi Quảng Xương I; Xếp loại trung bình; vào sổ cấp bằng số 1239 TC TNTHPT, ngày 30/8/1989, do Phó Giám đốc Sở Giáo dục vào đào tạo Lê Đình Hinh ký.

Chủ tịch UBND xã bị tố dùng bằng giả

Công sở xã Quảng Trạch, nơi ông Phúc giữ chức Chủ tịch UBND xã

“Mới năm trước, Phòng Nội vụ đã làm Trưởng Ban kiểm tra rà soát tất cả bằng cấp của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn toàn huyện theo chỉ đạo của cấp trên không phát hiện ra sai sót. Nay lại mới thấy có thông tin bằng cấp giả. Ông Phúc cũng đã làm đơn báo cáo xin phép Ban Thường vụ huyện ủy nghỉ 1 tháng (từ 14/3- 14/4) để chữa bệnh”, ông Thành nói.

Từ bằng cấp này ông Phúc đã học các chứng chỉ về Quản lý nhà nước, Đảng và học Đại học. Năm 2012, ông Phúc được Trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội cấp bằng Cử nhân kinh doanh hệ vừa học vừa làm.

Chúng tôi đã mang Bằng THPT của ông Phúc qua Sở Giáo dục vào đào tạo để kiểm chứng thì nhận được câu trả lời: Trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 1989, không có tên Hoàng Văn Phúc, sinh ngày 20/11/1962.

Khi làm việc với PV, ông Trịnh Thăng Sự, Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Quảng Xương cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn tố cáo về bằng cấp giả của ông Phúc. Khi đang kiểm tra, xác minh thì công dân tố cáo rút đơn nên chúng tôi dừng lại, không làm nữa.”

Tại sao qua bao nhiêu lần thanh, kiểm tra, rà soát nhưng bằng cấp có vấn đề của ông Hoàng Văn Phúc vẫn được “lọt” qua. Huyện ủy Quảng Xương không xem xét tính chất vụ việc mà chỉ dựa vào việc người dân rút đơn thư tố cáo không tiếp tục xem xét dấu hiệu vi phạm của Đảng viên mình quản lý khiến dư luận đặt câu hỏi về sự bao che, không làm hết trách nhiệm.

Trước đó, Công lý đã phản ánh việc ông Lê Viết Tứ, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) bị các cơ quan chức năng phát hiện sử dụng bằng cấp 3 không hợp lệ. Sau đó, ông này đã bị cách chức. Cũng tại Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc đã quyết định cách chức Đảng ủy viên đối với ông Hoàng Văn Đồng (54 tuổi)- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc vì sử dụng bằng cấp giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND xã bị tố dùng bằng giả