Chông chênh đường đến trường của các học sinh vùng cao Thanh Hóa

Thanh Phương| 20/10/2018 15:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bao đời nay, người dân bản Khong, bản Mỵ xã vùng cao Yên Nhân (Thường Xuân, Thanh Hóa) khát vọng có một cây cầu để có thể vận chuyển nhu yếu phẩm, lưu thông hàng hóa và con cái có thể vững bước đến trường.

Đường bộ bị chia cắt!
Để vào 2 bản Mỵ và bản Phong thuộc xã Yên Nhân theo đường bộ phải qua một đập tràn độc đạo. Tuy nhiên, lũ năm trước đã phá hủy đập tràn này khiến 383 hộ dân, với hơn 1.000 nhân khẩu rơi vào tình cảnh cô lập. Để kết nối giao thương, người dân góp luồng làm cầu tạm.

Chông chênh đường đến trường của các học sinh vùng cao Thanh Hóa

Đập tràn vào bản bị nước lũ  tàn phá, cuốn phăng

Do hoàn lưu của cơn bão số 2 (2017) mưa như trút nước, địa hình lại dốc nên lưu lượng nước đổ về từ hai con suối Hón Chao và Hón Tá rất lớn. Chỉ trong tích tắc, nước cùng đất đá sầm sập đổ xuống khiến bên tràn bị cuốn phăng. Đập tràn này xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, người dân liên tục phải dùng đất đắp những chỗ bị sói mòn do mưa lũ. Đi vào bản Mỵ và bản Phong, chỉ có con đường duy nhất kết nối giao thương của 2 thôn là qua đập tràn này. Từ khi bị lũ cuốn trôi, người dân rất khó qua bên kia bờ được.  Sau khi nước rút, người dân góp luồng bắc cầu mới qua được sông, nhưng đi trên đây rất chông chênh, dễ bị rơi xuống.
Trưởng bản Mỵ, Lò Tinh Thần buồn rầu nói: Do nhu cầu dân sinh, từ năm 2002, Nhà nước đã đầu tư cho xã làm đập tràn nói trên để thuận tiện cho việc đi lại. Đến năm 2007, sau trận lũ lịch sử, đập tràn bị vỡ, xã đã huy động bà con cùng nhau góp vốn tu sửa lại. Năm trước thì đập tràn bị vỡ hoàn toàn. Mùa mưa thì bản trở nên cô lập, có người ốm đau, ma chay và các cháu đi học rất khó khăn. Người dân mong cấp trên quan tâm đầu tư đập tràn mới hoặc làm cầu cứng để ổn định, không phải phụ thuộc vào con nước.
Chông chênh đường đến trường!
Những cây cầu tạm được người dân tự dựng lên để đi qua sông Ken, thuộc bản Khong cứ mỗi khi mưa lớn, lũ về lại bị cuốn trôi. Giờ phải bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập, những đứa trẻ nơi đây vượt qua sông sâu bằng chiếc bè mảng chòng chành để đến trường với ước mơ theo đuổi cái chữ.

Chông chênh đường đến trường của các học sinh vùng cao Thanh Hóa

Các em học sinh phải liều mình vượt sông bằng bè mảng tạm để đến trường

Theo quan sát thì chiếc bè mảng dùng để qua sông Ken được ghép bằng những thân cây luồng, nối với sợi dây thừng được căng ngang sông. Khi có lực tác động rất nhỏ, chiếc bè chòng chành như muốn lật. Mỗi chuyến từ 5 đến 7 học sinh, người lớn chỉ 3, 4 người; nếu chở cả phương tiện chỉ 1 người cùng phương tiện. Sợi dây thừng mong manh được buộc vào gốc cây bên này, nối sang bờ bên kia có thể đứt bất cứ lúc nào. Thế nhưng hàng ngày, hàng trăm lượt người dân, các em học sinh vẫn bất chấp hiểm nguy để qua sông mà không hề có áo phao cứu hộ.
Những cô cậu học sinh tay giữ xe đạp, ôm cặp sách đứng cân bằng để chiếc bè bắt đầu được kéo di chuyển chầm chậm. Thuận lợi thì không sao, hôm nước lớn nhẹ thì bị ướt ống quần, có khi bị ngã ướt sũng, sách vở cũng ướt hết. Rồi cứ phải mặc vậy để đến lớp.

Chông chênh đường đến trường của các học sinh vùng cao Thanh Hóa

Thầy Khuyến nhiều năm giúp các em qua sông đến trường và về nhà trên chiếc bè luồng tạm bợ

Ngồi đợi chuyến bè tiếp theo để về nhà, chị Vi Thị Mùi, bản Khong, nhìn xa xăm sang bờ bên kia. Từ bên này về đến nhà chị chỉ gần 1 km nhưng gian nan, cách trở. Hôm nào cũng vậy, chị cùng 2 con gái đang học lớp 3 và lớp 5 phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ đến trường. Đường đi qua sông nguy hiểm nên ngày nào chị cũng phải đưa con đến trường rồi lại quay về đi làm. Trưa tan học, chị lại sang sông đón con về. Gặp những hôm trời mưa to, nước sông chảy xiết, qua sông không an toàn, chị phải cho con nghỉ học ở nhà. Có đợt lũ về, 2 con chị phải nghỉ học cả tuần, nước rút mới dám đi học trở lại.
Đã nhiều năm nay, thầy giáo Vi Văn Khuyển, giáo viên Trường Tiểu học Yên Nhân 1 có nhiệm vụ đưa đón các em học sinh qua sông sau mỗi giờ đi học và tan học. Thầy Khuyển gồng hết sức mình giữ chiếc bè để các em học sinh trèo lên khỏi ngã, chiếc bè vẫn chòng chành như muốn lật xuống. Thầy Khuyển từ từ lần từng đoạn dây thừng để kéo chiếc bè di chuyển sang bờ bên kia.

Chông chênh đường đến trường của các học sinh vùng cao Thanh Hóa

Mùa đông nước cạn, các em cắn răng chịu lạnh lội qua suối đi học

Vừa thận trọng kéo bè, thầy Khuyển vừa chia sẻ về công việc của mình: Học sinh nơi đây, hoàn cảnh còn rất khó khăn, bố mẹ chủ yếu đều đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông, bà. Nhiều em không có người đưa, đón đi học, khi qua sông phải tự kéo bè mảng để đi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các em, hàng ngày vào đầu giờ và cuối giờ học, tôi thường ra bờ sông hỗ trợ đưa đón các em qua sông. Nguy hiểm nhất là những hôm trời mưa, nước sông lên cao, chiếc bè như muốn trôi theo dòng nước, người kéo bè phải dùng hết sức lực, thận trọng mới qua sông được.
Chủ tịch UBND xã Yên Nhân Lê Hoàng Cường cho hay: Bản Khong có tổng 217 hộ dân, trong đó có 96 hộ phải đi qua 2 khúc sông Ken (gồm 1 vị trí hiện người dân đã làm cầu tạm bắc qua và 1 vị trí đang phải đi bằng bè mảng). Không chỉ 55 học sinh tiểu học, bản Khong còn có 35 học sinh THCS phải đi bằng bè mảng qua sông Ken; 31 học sinh mầm non cũng phải đi học qua cây cầu tạm. Vào những hôm trời mưa to, số học sinh mầm non cũng phải nghỉ học do cầu tạm có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Để xây dựng cầu cứng tại 2 điểm trên, đảm bảo giao thông an toàn cho người dân cũng như học sinh đi lại, cần chi phí lớn. Trong khi đó, đời sống người dân Yên Nhân còn khó khăn, nguồn ngân sách từ xã cũng không có.
Nhiều lần chính quyền địa phương đã báo cáo, có văn bản đề nghị cấp trên sớm bố trí nguồn kinh phí để xây cầu kiên cố hoặc đập tràn tại đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án đầu tư xây dựng. Vì vậy, người dân và nhất là các em học sinh vẫn chông chênh đến trường theo con nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông chênh đường đến trường của các học sinh vùng cao Thanh Hóa