'Chat' cùng thầy Văn Như Cương ngày 20/11 (P1): “Đừng nhìn vào món quà mà cho đó là vụ lợi”

Ý Thơ| 20/11/2014 06:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lần đầu gặp thầy, nhưng cảm giác thật thân thuộc, cứ ngỡ như đứa trò nhỏ ngày nào được thầy ngồi bên tận tình chỉ bảo bài học còn bỡ ngỡ…

PGS.TS. Văn Như Cương - một người thầy nổi tiếng với những phát ngôn và quan điểm thẳng thắn về giáo dục, nhưng đồng thời cũng là một hiệu trưởng nhận được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Dí dỏm, hài hước, không đánh giá chuyện của teen theo mắt nhìn của một người già. Chính vì thế, khi trò chuyện cùng thầy, mọi quy ước, e dè ban đầu biến mất. Gần gũi, thân thuộc hệt như một cô học trò ngồi lắng nghe thầy giáo mình kể chuyện về cuộc sống.

Gia đình “nghề giáo toàn tòng”

PV: Thưa thầy, nếu có một đề văn yêu cầu thầy kể một câu chuyện ngắn về tuổi học trò của mình, thầy sẽ viết những gì ạ?

Thầy Văn Như Cương: Thật bất ngờ. Hồi đi học chưa có đề văn như thế này bao giờ. Cũng không biết nên kể chuyện gì.

Tôi đi học từ cấp 1 lên cấp 3, rồi ra trường, rồi… hết đi học. Có lẽ ấn tượng nhất là khi vừa hết tuổi đi học thì tôi chuyển sang đi dạy luôn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại giảng dạy tại trường. Lúc ấy vừa tròn 20 tuổi. Tôi dạy sinh viên năm nhất, có rất nhiều thành phần: tú tài, cán bộ, bộ đội phục viên. Người ít tuổi nhất là 21. Trong lớp thì “một thầy, hai thầy”, “tôi xin hỏi, tôi xin có ý kiến”, nhưng ra lớp thì “anh, em”.

Vẫn nghĩ ra trường sẽ được dạy trẻ con nên khi đó tôi có cảm giác khá thú vị. Cũng run nữa.

'Chat' cùng thầy Văn Như Cương ngày 20/11 (P1): “Đừng nhìn vào món quà mà cho đó là vụ lợi”

Thầy Văn Như Cương bên bàn làm việc

PV: Ít tuổi hơn học trò, thầy có bị trêu bao giờ không ạ?

Thầy Văn Như Cương: Không. Một phần họ cảm phục vì ít tuổi thế mà đã đi dạy mình. Về phần tôi cũng phải cố gắng tỏ ra đạo mạo, phần nữa phải nghiên cứu bài vở kỹ lưỡng hơn, bởi lỡ nếu có hỏi mà không trả lời được thì quả là xấu hổ.

PV: Thầy cô nào để lại cho thầy nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất?

Thầy Văn Như Cương: Mỗi thầy cô tôi được học đều để lại những kỷ niệm khác nhau. Nhưng người để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất đó là GS. Nguyễn Thúc Hào, người trước đó là Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó làm hiệu trưởng ĐH Sư phạm Vinh - trường đại học đầu tiên không đặt tại Thủ đô.

Đó là người thầy hết sức mẫu mực, về mặt sư phạm, đức độ, là tấm gương để tôi noi theo về mọi mặt. Một người Hiệu trưởng công minh, chính trực, chí công vô tư, yêu người yêu nghề, có tầm nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe và biết quyết đoán…

Khi thầy mừng thọ 95 tuổi tôi có làm bài thơ chúc thọ thầy. 

Thầy mãi là thầy của chúng con,

Tấm gương soi sáng mọi tâm hồn.

Cuộc đời gieo hạt trong như ngọc,

Sự nghiệp trồng người đỏ tựa son.

Hiệu trưởng quang minh danh sáng mãi,

Giáo sư thanh bạch tiếng thơm còn.

Chín mươi lăm tuổi bài thơ đẹp,

Đức trọng đạo cao sánh núi non. 

PV: Lý do gì thầy lại chọn sư phạm làm “nghiệp” của mình?

Thầy Văn Như Cương: Cha tôi là một hương sư rất được người dân trong làng quý trọng. Là một người làm cách mạng, trong giáo dục của ông có tính định hướng vì thế ông có sức ảnh hưởng không nhỏ đối với tầng lớp thanh niên thời bấy giờ.

Các chị em tôi cũng làm nghề sư phạm. Vợ con tôi cũng làm nghề này cả. Có lẽ đó là cái nghiệp của cả gia đình tôi. Tôi vẫn thường hay nói gia đình tôi là “nghề giáo toàn tòng”.

PV: Có khi nào khó khăn đến mức thầy muốn “buông bỏ” nghề này chưa ạ?

Thầy Văn Như Cương: Đã có lúc cực kỳ khó khăn, không có một đồng xu trong túi, thậm chí phải đi vay gạo. Đó là khoảng sau năm 1970, trước 1975, sau khi từ Liên Xô trở về. Nhà không có, hai vợ chồng chỉ trông vào đồng lương eo hẹp của giáo viên, trong khi cả ba con đều đi học. Thế nhưng, dù là vậy tôi cũng chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề. Có thể đó là cái nghiệp. Nói thật, bỏ nghề giáo, tôi chẳng biết làm gì cả.

PV: Kỷ niệm của thầy về ngày Hiến chương Nhà giáo đầu tiên của mình?

Thầy Văn Như Cương: Khi tôi đi học thì chưa có ngày này.Tôi nhớ khi sắp tốt nghiệp thì tập trung lại nghe thầy Nguyễn Lân phổ biến về ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo.

Sau này đi dạy học, rồi lấy vợ, đến những ngày này học trò  đến thăm rất vui. Có một kỷ niệm khá thú vị là khi tôi đi dạy về thấy trên bàn có mấy cây dừa làm từ phim nhựa. Đó là món quà đặc biệt hồi bấy giờ hay bán ở Bờ Hồ, thế nên có lẽ là mấy nhóm không ai bảo ai mà có ý tưởng giống nhau.

PV: Vậy có món quà nào khiến thầy khó xử chưa ạ?

Thầy Văn Như Cương: Tôi chưa phải khi nào khó xử vì những món quà của học trò cả. Đó là những bó hoa, thiệp chúc mừng chứ không có gì đặc biệt khiến mình phải khó chịu hay khó xử cả.

PV: Học trò nào để lại cho thầy nhiều ấn tượng nhất?

Thầy Văn Như Cương: Tôi dạy trường sư phạm nên học sinh ra trường lại làm nghề giáo. Khó có thể nói ai là người ấn tượng nhất. Có rất nhiều học trò ra trường còn vượt xa thầy. Tôi rất mừng.

(Còn nữa)

Mời theo dõi phần tiếp theo câu chuyện thú vị với Thầy Văn Như Cương: "Đừng nhìn vào món quà mà cho đó là vụ lợi!" trên congly.com.vn vào 16h00 ngày 20/11.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
'Chat' cùng thầy Văn Như Cương ngày 20/11 (P1): “Đừng nhìn vào món quà mà cho đó là vụ lợi”