Chàng sinh viên nghèo với mơ trở thành thầy giáo

Châu Sơn| 10/12/2015 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa mới chào đời mẹ đã mất, một thời gian sau cha cũng bỏ đi. Thế nhưng bằng tình yêu thương của bà ngoại, đã chắp cánh cho ước mơ trở thành thầy giáo của chàng sinh viên nghèo Nguyễn Đình Vũ sắp trở thành hiện thực.

Chạy dọc con đường ngoằn ngoèo theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về tổ Trấn Dương (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) để gặp chàng sinh viên Nguyễn Đình Vũ (SN 1995).

Núp sau cái thị trấn ồn ào, náo nhiệt là một ngôi nhà nhỏ mà Vũ cùng bà ngoại thuê để làm nơi nương tựa. Dù gia cảnh đơn sơ là thế nhưng vẫn không thể nào ngăn cản được ước mơ đến trường của chàng trai này. Chứng kiến cảnh nhà neo đơn, nghèo khó, không có tài sản gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen của Vũ, chúng tôi mới hiểu hết được cuộc đời gian khó và nghị lực mà em đã trải qua.

Bà Nguyễn Thị Hường (SN 1937, bà ngoại Vũ) cho biết, sau khi sinh Vũ vừa tròn ba tháng thì mẹ Vũ không may lâm bệnh nặng rồi qua đời. Một thời gian sau đó cha đi lấy vợ khác nên bà Hường mang Vũ về chăm sóc nuôi dưỡng cho đến bây giờ.

“Năm đó, do không có tiền nên tôi phải dùng nước vo gạo để cho Vũ uống thay sữa. Thấy cơ cực, bà con hàng xóm kẻ ít người nhiều đùm bọc hai bà cháu tôi sống qua ngày” – bà Hường trải lòng.

Thấu hiểu được nỗi cực nhọc của bà ngoại, ngay từ nhỏ Vũ đã cố gắng phấn đấu hết mình trong học tập, tất cả thời gian rảnh em đều lao vào chăm lo bài vở. Khi bạn bè cùng trang lứa chơi đùa cũng là lúc Vũ phải phụ giúp bà làm việc, tuổi thơ của cậu học trò nghèo cứ thế lặng lẽ trôi qua rồi từ đó Vũ trở thành lao động chính trong gia đình.

Chàng sinh viên nghèo với mơ trở thành thầy giáo

Nguyễn Đình Vũ và bà ngoại

Tuy cuộc sống vất vả nhưng trong suốt những năm học phổ thông Vũ luôn là học sinh khá, giỏi. Và hiện tại, em đã sinh viên năm cuối của trường Đại học Quảng Nam, chuyên ngành Sư phạm Toán.

“Từ nhỏ đến lớn Vũ đã thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nhưng cháu rất ngoan và học giỏi. Trong khi cuộc sống hai bà cháu lại quá cơ cực, nhiều lúc tôi có ý định cho cháu nghỉ học nhưng nhìn Vũ ham học tôi không làm được.”- bà Hường tâm sự

Ngày Vũ bước chân vào cánh cửa đại học, cậu sinh viên nghèo chỉ có vài trăm ngàn đồng cùng một chiếc xe đạp cũ. Cũng kể từ đó bao nỗi lo toan tìm đến với cậu ở nơi xa lạ. Từ tiền ăn ở, chi tiêu, tất cả đều một mình cậu bươn chải.

Cuộc sống xa nhà là vậy nhưng Vũ vẫn còn một nỗi lo lớn hơn là bà ngoại ở quê không ai chăm sóc. Điều đó cứ mãi canh cánh trong lòng chàng sinh viên nghèo.

“Bà ngoại là tất cả những gì em có, nhờ một tay bà nuôi dưỡng, dạy bảo em mới được như hôm nay. Em học ở xa, một mình bà ở nhà nên rất lo lắng mỗi khi trời mưa gió. Cộng thêm sức khỏe của bà ngày càng yếu. Em chỉ mong ước sau này ra trường có thể xin được việc đi dạy để đỡ đần một phần gánh nặng cho bà và giúp cho các em học sinh nghèo cùng cảnh ngộ như em” – Vũ tâm sự.

Ngoài giờ đến trường, Vũ còn đi dạy kèm và phụ bán hàng ở tiệm tạp hóa để có thêm nguồn thu nhập. Em còn tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao của trường, thời gian rảnh Vũ vào thư viện mượn sách để học. Do vậy, giờ ngủ của Vũ thường bắt đầu từ 2 giờ sáng.

Đặc biệt những đợt chuẩn bị thi học kì hay làm đề tài em phải thức đến tận 4 giờ. Những nỗ lực của Vũ được đền đáp xứng đáng khi thành tích học tập của em trong 3 năm học tại trường đại học đạt loại khá, giỏi.

Chàng sinh viên nghèo với mơ trở thành thầy giáo

Cuộc sống bộn bề lo toan của chàng sinh viên nghèo

Nói về chàng sinh viên hiền lành, thầy Trần Anh Dũng, giáo viên chủ nhiệm của Vũ cho biết: “Ở trường, em Vũ là một sinh viên năng động, nhiệt huyết rất tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp. Thành tích học tập của em luôn đạt khá, giỏi dù hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế, Vũ luôn được bạn bè thầy cô yêu quý và giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để em cố gắng đến trường nuôi dưỡng ước mơ thành hiện thực”.

Và rồi đây, những nỗ lực, phấn đấu của chàng sinh viên nghèo sẽ được đền đáp xứng đáng. Với ước mơ trở thành một người thầy giáo giỏi, mang kiến thức mà mình học được trở về quê hương truyền đạt lại cho các em học sinh vùng núi còn gặp nhiều khó khăn sẽ không còn xa nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng sinh viên nghèo với mơ trở thành thầy giáo