Cần có cơ chế hiệu quả để đóng góp cho đổi mới giáo dục, đào tạo

Lan Hương| 25/12/2015 08:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29, cần phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Lộ trình rõ ràng, chặt chẽ

Nhìn lại sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục nước ta có những bước phát triển tích cực, nhất là những kết quả đạt được trong đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục - đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục…

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc thực hiện Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết Trung ương được chuẩn bị và thực hiện theo một lộ trình rất rõ ràng, chặt chẽ. Hiện nay Bộ đã xây dựng, lấy ý kiến và đưa ra báo cáo Hội đồng Giáo dục quốc gia (GDQG); Cơ cấu hệ thống GDQG và Khung trình độ GDQG và đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, các bước thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết của Quốc hội đang được thực hiện khẩn trương. Mặc dù tới nay kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD&ĐT đã chủ động các hoạt động chuẩn bị. Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý… và toàn xã hội ngay trong quá trình xây dựng chương trình mới nên Bộ đã sớm đưa Dự thảo Chương trình tổng thể ra để xin ý kiến rộng rãi.

Cần có cơ chế hiệu quả để đóng góp cho đổi mới giáo dục, đào tạo

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang được thực hiện khẩn trương

Tại buổi gặp mặt góp ý kiến về đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK nói riêng, diễn ra ngày 13/12, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, xây dựng về đổi mới GD&ĐT. Các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của ngành GD&ĐT đã triển khai trong thời gian qua, đặc biệt trong điều kiện chưa được bố trí kinh phí thực hiện Đề án đổi mới chương trình SGK. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng chân thành góp ý với Bộ GD&ĐT cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng.

Nhiều vấn đề cụ thể được các chuyên gia nêu ra và được trao đổi, giải đáp. Đại diện Bộ GD&ĐT cũng đã cung cấp thêm nhiều thông tin khá chi tiết, làm rõ một số vấn đề trong quá trình xây dựng chương trình tổng thể. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT cho biết: Trước đây mỗi môn xây dựng chương trình riêng nên không tận dụng được kiến thức liên môn thì nay với việc xây dựng chương trình mới chúng ta sẽ tận dụng được ưu thế này. Trong quá trình giảng dạy tổ hợp thì từng môn vẫn do từng giáo viên giảng dạy, còn phần chuyên đề chung sẽ sử dụng kiến thức liên môn, được phân công cụ thể cho mỗi giáo viên.

Tránh cách làm kiểu “tư duy nhiệm kỳ”

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới cần phải tuân thủ theo đúng quy trình trước, sau rất bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng… tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, GS. Đặng Vũ Minh đánh giá cao quá trình chuẩn bị và triển khai bước đầu Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết Quốc hội, Chương trình hành động và các nghị quyết của Chính phủ về đổi mới GD&ĐT trong thời gian qua và khẳng định Liên hiệp nhận thức rõ trách nhiệm và sẵn sàng tham gia góp ý, phản biện về các nội dung, vấn đề. GS cũng đề nghị Bộ và Liên hiệp cần có thêm nhiều hoạt động phối hợp hơn nữa trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo… tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Phó Thủ tướng lưu ý, cần cải tiến cách lấy ý kiến, trong đó quan trọng là huy động các Hội khoa học, các chuyên gia tham gia nghiên cứu, góp ý, phản biện thông qua các cơ chế có tính gắn kết trách nhiệm với đảm bảo điều kiện thực hiện. Đặc biệt cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để đi đến thống nhất giải pháp đúng đắn, có lợi nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam góp ý, tham gia vào dự thảo Cơ cấu Hệ thống GDQG và Khung trình độ quốc gia mà Bộ đang hoàn thiện để trình Thủ tướng ban hành. Đối với Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT bàn thống nhất với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nội dung và các điều kiện đảm bảo cần thiết để Liên hiệp, các Hội tham gia ngay từ quá trình xây dựng chương trình tổng thể bên cạnh việc huy động, mời các nhà khoa học tham gia với tư cách chuyên gia như Bộ đã dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế hiệu quả để đóng góp cho đổi mới giáo dục, đào tạo