Bộ GD-ĐT yêu cầu nếu thay đổi đề án tuyển sinh phải công bố trước ít nhất 10 ngày

Ngô Chuyên| 14/02/2018 08:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 9/2, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy.

Theo dự thảo, khung điểm ưu tiên theo khu vực có sự thay đổi. Nếu như quy định hiện hành áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 thì năm 2018 dự kiến mức chênh lệch này chỉ còn 0,25 tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.

Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 thay vì 1,5 như quy định hiện hành. Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn là 1 điểm.

Bộ GD-ĐT yêu cầu nếu thay đổi đề án tuyển sinh phải công bố trước ít nhất 10 ngày

Ảnh minh họa.

Đối với ngành sư phạm, dự thảo nêu rõ đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển.

Như vậy, dù không còn điểm sàn chung, riêng ngành sư phạm vẫn có điểm sàn do Bộ quy định.

Nếu xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điều kiện đối với thí sinh dự thi nhóm ngành đào tạo giáo viên bậc đại học là phải xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.

Trình độ cao đẳng, trung cấp sư phạm xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Như vậy, ở các năm trước, ngưỡng đầu vào này thấp hơn hẳn. Nếu xét học bạ, thí sinh dự thi bậc đại học chỉ cần điểm trung bình từng môn trong tổ hợp hoặc điểm trung bình chung các môn xét tuyển đạt từ 6.0 trở lên.

Dự kiến năm 2018, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Với cách làm tròn này, điểm xét tuyển sẽ rất sát so với điểm thực tế. Ví dụ một thí sinh đạt 17,98 điểm. Nếu theo quy định hiện hành, điểm của thí sinh này sẽ được làm tròn thành 18 điểm. Còn theo dự thảo mới, điểm vẫn được giữ nguyên là 17,98.

Đối với thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.

Trường không công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sẽ không được tuyển sinh

Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo.

Đặc biệt, các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của hai năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh.

Những trường không công khai đầy đủ thông tin theo quy định này sẽ không được thông báo tuyển sinh. Bộ sẽ tổ chức thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Trường hợp thay đổi nội dung đề án, trường phải công bố trước ít nhất 10 ngày tính từ ngày đầu tiên thí sinh điều chỉnh nguyện vọng và có trách nhiệm thông báo tới thí sinh có liên quan việc thay đổi nội dung đề án của trường. Trường hợp bị phát hiện kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định.

Bộ GD-ĐT dự kiến cho phép các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin tuyển sinh của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển 15 ngày.

Trước các ngày cuối cùng của tháng chẵn, trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của bộ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT yêu cầu nếu thay đổi đề án tuyển sinh phải công bố trước ít nhất 10 ngày