Bộ GD&ĐT kiểm tra việc in và phát hành sách giáo khoa của NXB Giáo dục

Chí Tâm| 21/09/2018 09:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ GD&ĐT vừa có quyết định về việc kiểm tra việc thực hiện in và phát hành sách giáo khoa (SGK) năm học 2018-2019.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra để làm rõ những phản ánh về việc in và phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam mà thời gian qua dư luận rất quan tâm, đặc biệt tại cuộc họp mới đây của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số ý kiến đã đề nghị Bộ GD&ĐT thanh tra ngay việc có hay không lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, ngay trong chiều 20/9, đoàn kiểm tra của Bộ đã có mặt tại NXB Giáo dục Việt Nam để tiến hành kiểm tra quy trình xuất bản, in ấn, phát hành SGK. 

Bộ GD&ĐT kiểm tra việc in và phát hành sách giáo khoa của NXB Giáo dục

Phụ huynh tìm SGK cho con. Ảnh minh hoạ

Đầu năm học 2018-2019, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra tình trạng khan hiếm SGK trước lễ khai giảng khiến phụ huynh phải khốn khổ tìm mua sách khắp nơi.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng SGK như hiện nay gây lãng phí lớn do học sinh thường viết đáp án trực tiếp vào sách, dẫn đến tình trạng sách không thể tái sử dụng.

Trước đó, trả lời báo chí về tình trạng khan hiếm SGK, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến ngày 20/8/2018, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105 % kế hoạch, vượt 3% so với cùng kì năm 2017. Tuy nhiên, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm nhỏ.

Thông tin sắp thay SGK cũng khiến một vài công ty sách và thiết bị trường học đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho. Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của NXB Giáo dục.

Tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, bà Lê Thu Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng ban Dân nguyện đã đề nghị Bộ GD&ĐT thanh tra làm rõ có hay không tình trạng độc quyền in SGK, tại sao in bài tập vào sách để năm sau không dùng được, dẫn đến lãng phí.

"Chúng tôi phản ánh lại ý kiến cử tri cần làm rõ vì sao mỗi năm để phí tới 100 triệu bản SGK. Tính ra một năm mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng được", bà Nga nói. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD&ĐT kiểm tra việc in và phát hành sách giáo khoa của NXB Giáo dục