Bộ GD-ĐT đề nghị Hà Nội cho các trường ngoài công lập tự chủ tuyển sinh

Xuân Diệp| 11/05/2018 14:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tự chủ tuyển sinh đầu cấp.

Công văn nêu rõ: Nhằm tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục phổ thông  ngoài công lập trong tuyển sinh đầu cấp, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDDT ngày 28 tháng 02 năm 2018 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 4, điểm d khoản 1 và đoạn đầu khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDDT ngày 18 tháng 4 nam 2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT đề nghị Hà Nội cho các trường ngoài công lập tự chủ tuyển sinh

Ảnh minh họa.

Hiện nay, hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã thực hiện tốt chủ trương nói trên. Tuy nhiên, việc tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 của Sở GD-ĐT Hà Nội đang được phản ánh có một số bất cập trong quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập, gây khó khăn cho học sinh, cha mẹ học sinh.

Bộ GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện đúng chủ trương của Bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập được tự chủ về tuyển sinh, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của nhà trường.

Trước đó, cũng tại hội thảo “Hội thảo tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp”, đại diện nhiều trường tư thục ở Hà Nội cùng chia sẻ vấn đề khó khăn nhất của họ là tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội. Dẫu nhiều trường đã tuyển sinh đủ học sinh nhưng vẫn không khỏi lo lắng.

Theo chia sẻ của đại diện nhà trường, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), hiện nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt là ở TP.HCM, hệ thống trường tư thục đã được tự chủ trong tuyển sinh. Thế nhưng ở Hà Nội, điều này vẫn là “trong mơ” với các trường tư thục, đặc biệt trong vấn đề tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6.

“Các nhà quản lý chưa đặt mình trong tâm thế của phụ huynh và học sinh. Trước khi con cái vào lớp 1, lớp 6, hay lớp 10, tâm lý của cha mẹ bao giờ cũng đi tìm hiểu, tìm trường cho con mình học từ hàng năm trước. Trong khi đó, Sở GD-ĐT Hà Nội lại có quy định không cho phép các trường được công bố trước phương thức tuyển sinh, điều này gây khó cho nhà trường cũng như phụ huynh”, thầy Khang nói.

“Nếu Hà Nội không cho các trường tư được tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi vẫn sẵn sàng chịu kỷ luật để có lợi cho phụ huynh. Các vị phải hiểu nếu các trường chủ động công bố phương án tuyển sinh sớm, học sinh sẽ được lợi để có hướng và thời gian ôn tập. Phụ huynh cũng có thời gian dài hơn để cân nhắc việc chọn trường phù hợp cho con mình”, thầy Khang chia sẻ thêm.

Ngoài những khó khăn trong tuyển sinh đầu cấp, các trường tư đối diện với hai thách thức và cũng là hai khó khắn lớn nhất đó là cơ sở vật chất và tuyển sinh.

Để bù đắp lại hai thách thức và 2 khó khăn gặp phải, các trường tư thục đã cố gắng phát huy các lợi thế vốn có là tính năng động và sáng tạo. Bởi muốn tồn tại được, các trường phải tránh được những tiêu cực mà trường công thường mắc, nắm bắt được người học cần gì và đặc biệt luôn phải tạo nên sự khác biệt tích cực.

Ngoài ra, các trường tư phải làm dân hài lòng phụ huynh khi cho con vào đây học và hơn thế nữa các trường tư có thuận lợi trong việc đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT đề nghị Hà Nội cho các trường ngoài công lập tự chủ tuyển sinh