Bỏ biên chế: Bộ GD-ĐT nên nâng lương để giáo viên không phải dạy thêm

Ngô Chuyên| 02/06/2017 13:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bỏ biên chế”, bài toán không hề dễ với ngành giáo dục trong thời điểm này. Vậy, bỏ biên chế, Bộ GD-ĐT sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức gì? Liệu có mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không?

Nên có một cơ chế để giáo viên sống được với nghề

Chia sẻ về vấn đề bỏ biên chế trong giáo viên, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED nói: “Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT không chỉ cải cách chế độ liên quan đến giáo viên, mà phải cải cách đồng bộ cách thức quản lý trong giáo dục hiện nay. Khuynh hướng cải cách này đang xảy ra tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời họ cũng áp dụng hình thức quản lý theo cơ chế thị trường để tạo động lực cho sự phát triển của hệ thống giáo dục”.

Bỏ biên chế: Bộ GD-ĐT nên nâng lương để giáo viên không phải dạy thêm

Nhà nước nên có những chính sách để làm sao lương giáo viên đủ sống. Ảnh HN.

“Nếu sự điều tiết của thị trường chủ yếu dựa trên chất lượng sản phẩm và giá cả, thì trong giáo dục, sự điều tiết dựa trên sự chọn lựa của người dân và chất lượng của dịch vụ được cung cấp”, TS Trung phân tích.

Bên cạnh đó,  TS Trung cũng đề cập đến vấn đề ngân sách mà nhà nước sẽ cung cấp cho các trường. Ông nhấn mạnh: “Ngân sách nhà nước rót vào nhiều hay ít phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dân đối với cơ sở giáo dục đó. Bởi trường nào đào tạo chất lượng, tận tình thì người dân sẽ chọn nhiều và nếu đào tạo không hiệu quả thì sẽ không được lựa chọn và tự ắt sẽ đóng cửa”.

Để làm được điều này, hiệu trưởng phải được phân quyền như chủ một doanh nghiệp, có quyền tuyển người và bố trí người để thực hiện những chiến lược của trường mình, tạo ra dấu ấn cá nhân, tạo ra nhãn mác cho trường.

“Tất nhiên, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về số phận của ngôi trường trước sự phán xét của người dân và xã hội thông qua hành động lựa chọn của họ”, TS Trung đưa ra ý kiến.

Bằng hình thức này, TS Trung cho rằng các trường có thể ký kết với giáo viên theo hình thức hợp đồng dài ngắn hạn khác nhau. Song song với đó, pháp luật cũng cần bảo vệ người lao động nhất là nghề giáo, không gây căng thẳng cho giáo viên và trọng dụng những người thực tài, khuyến khích sự sáng tạo, sự chủ động của giáo viên. Như vậy, nếu như hiệu trưởng không đủ sức để thuyết phục, phụ huynh thì sẽ thất bại và buộc bị loại ra khỏi cuộc.

TS Nguyễn Khánh Trung kiến nghị: “Nhà nước phải có những chính sách lương bổng sao cho người giáo viên phải sống được với nghề và có thể tập trung vào công việc. Để họ không cần nghĩ đến chuyện lén lút dạy thêm bên ngoài nhà trường nữa. Lương biên chế lâu nay thì chỉ có “ổn định” theo hướng là các giáo viên sống cầm chừng, chứ đâu có no đủ gì”.

TS Trung dẫn chứng: “Ở Phần Lan, những người đã làm nghề giáo sẽ không phải có bất cứ lo toan nào về đời sống. Mức lương giáo viên cho phép họ sống thoải mái mà không cần dạy thêm hay làm bất cứ nghề nào khác. Do đó, người giáo viên có thể toàn tâm toàn ý thực hiện công tác giảng dạy, phát huy hết khả năng sáng tạo của mình”.

Bộ GD-ĐT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức

Chia sẻ về chính sách bỏ biên chế trong giáo dục mà Bộ GD-ĐT sắp thí điểm, thầy Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh tại đại học Kanazawa Nhật Bản, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc cần có cơ chế thanh lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để từ đó tạo ra luồng gió mới cho ngành giáo dục. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho những người có năng lực thực sự có cơ hội phát triển, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ không phải ngồi chờ có người về hưu mới được tuyển dụng".

Bỏ biên chế: Bộ GD-ĐT nên nâng lương để giáo viên không phải dạy thêm

Bỏ biên chế, cơ hội chọn lọc được nhân tài cho ngành giáo dục nhiều hơn. Ảnh HN.

Tuy nhiên, thầy Vương cũng đưa ra một số khó khăn mà Bộ GD-ĐT phải đối mặt khi áp dụng chính sách này.

Thầy Vương nói: “Bộ máy hành chính giáo dục của ta hiện nay mang tính tập trung rất lớn, tức tính tự chủ của giáo viên còn thấp. Chính yếu tố Trung ương tập quyền, quan liêu như vậy sẽ cản trở cải cách. Do đó, muốn sắp xếp lại việc quản lý giáo dục thì việc cải cách hành chính giáo dục, bằng cách nào đó để bộ máy hành chính mang tính dân chủ hơn sẽ phải được ưu tiên thực hiện trước việc bỏ hay không biên chế đối với giáo viên”.

Nghiên cứu sâu về giáo dục Nhật Bản, thầy Vương đưa ra những dẫn chứng mà ngành giáo dục Nhật Bản đạt được trong chính sách cho giáo viên.

Thầy Vương nói: “Ở Nhật Bản, cũng thực hiện chế độ hợp đồng theo 3 mức: Hợp đồng thử việc ngắn hạn; hợp đồng có thời hạn và hợp đồng vĩnh viễn. Hiệu trưởng là người có toàn quyền quyết định việc này, song vẫn chịu sự giám sát của Ủy ban giáo dục”.

Ủy ban giáo dục là cơ quan chuyên trách về giáo dục, có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của các trường. Thành viên trong ủy ban bao gồm những nhà quản lý giáo dục, các giáo viên từng đứng lớp, lãnh đạo chính quyền địa phương và cả những người ngoài ngành giáo dục nhưng có quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực này cũng được xem xét, phê duyệt tham gia vào công tác quản lý giáo dục.

Việc tạo cơ hội cho nhiều thành phần cùng tham gia đánh giá, giám sát sẽ tạo ra tính minh bạch và dân chủ trong hoạt động giáo dục tại các trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ biên chế: Bộ GD-ĐT nên nâng lương để giáo viên không phải dạy thêm