Báo động "bệnh" nghiện thiết bị thông minh ở trẻ em Việt

Hồng Hạnh| 28/11/2014 06:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi các nhà khoa học Mỹ và Canada khuyến cáo rằng, trẻ từ 0-2 tuổi không nên có bất kì tiếp xúc nào với các thiết bị điện tử thông minh, thì ở Việt Nam có đến 20% trẻ trong độ tuổi này được cha mẹ thường xuyên cho dùng.

Lợi bất cập hại

Mới đây, một cuộc khảo sát xã hội được tiến hành ở hơn 1000 hộ gia đình có con nhỏ từ 3-12 tuổi tại 4 thành phố lớn do Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Giáo dục và Đời sống xã hội cùng Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion thực hiện đưa ra kết quả rằng, trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng) từ rất sớm.

Gần 80% trẻ dưới 6 tuổi được cha mẹ cho sử dụng các thiết bị thông minh, trong đó riêng trẻ trong độ tuổi từ 0-3 chiếm gần 20%. Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỷ lệ rất đáng lưu ý (4-7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết).

Báo động

Tiếp xúc quá sớm với thiết bị thông minh làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ

Những con số này không chỉ nói lên thực trạng đáng báo động về chứng nghiện thiết bị điện tử của trẻ em Việt Nam, mà còn cho thấy nhiều phụ huynh đang rất lo sợ khi ngày càng khó kiểm soát được con mình vì không biết từ bao giờ chúng trở nên phụ thuộc quá nhiều vào những chiếc màn hình cảm ứng thông minh có thể nói, có thể làm mọi thứ như con người.

Trong kết quả khảo sát, phần lớn phụ huynh cho biết con em mình có nguy cơ xao nhãng việc học tập, dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ  không lành mạnh, có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân, dễ rơi vào tình trạng phụ thuộc và nghiện, suy giảm khả năng tưởng tượng…

Giải thích về việc sớm cho con tiếp cận những thiết bị này, nhiều phụ huynh chỉ ra những lợi điểm mà phương tiện mang lại cho con trẻ như giúp trẻ thông minh, nhanh nhạy, vừa học tập vừa vui chơi, được tiếp xúc với kho kiến thức vô tận một cách hiệu quả. Tuy nhiên, do họ chưa hiểu rõ những tác hại tiềm ẩn do chúng mang lại, mặt trái của công nghệ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của trẻ nên họ chưa có sự điều chỉnh phù hợp trong việc cho con tiếp xúc với thiết bị thông minh. Họ không biết cho trẻ chơi trong thời gian bao lâu là đủ và đúng.

Cha mẹ đừng để con cô đơn

Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em, người đã, đang trị liệu cho rất nhiều trường hợp trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý và chậm phát triển cho biết, gần như tất cả trẻ khi đến trung tâm đều đã từng nghiện thiết bị điện tử.

Như trường hợp bé Khánh Hưng mà anh đang trực tiếp điều trị là một ví dụ. Cậu bé 5 tuổi có khuôn mặt khôi ngô trắng trẻo, nhanh nhẹn hoạt bát, tự tìm đồ chơi theo ý thích của mình. Thật khó có thể tin rằng, cậu bé đã phải trải qua 2 năm điều trị liên tục tại đây, sau khi có kết luận của nhiều bác sỹ về tình trạng tự kỷ cấp độ nặng, đến mức đã bỏ ăn cả tuần chỉ vì bị cách ly với ipad.

Báo động

Trẻ em còn nhà giàu đang bị nghiện thiết bị thông minh

“Không thể phủ nhận lợi ích do thiết bị điện tử mang lại cho con người nhưng bên cạnh đó nếu để trẻ tiếp xúc từ quá sớm và tiếp xúc nhiều với nó, trẻ sẽ hạn chế khả năng giao tiếp, tay chân vụng về, không nhanh nhẹn hoạt bát. Tư duy trí tuệ có thể phát triển tốt nhưng sự khéo léo thì không có, ví dụ như không viết được, không cầm nắm được, chưa kể đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực”, Thạc sĩ Chuẩn chia sẻ.

Cũng theo Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn,  nhiều bố mẹ tưởng con chậm khôn, chậm phát triển, nhưng thực tế không phải như vậy. Nhiều đứa trẻ  rất thông minh, có điều chúng gặp khó khăn trong việc diễn đạt. Nếu cho chúng dùng máy tính hay thiết bị điện tử thì thao tác rất nhanh, nhưng để cầm bút viết ra lại khó khăn vô cùng.

Đó là hậu quả từ việc phụ huynh chủ động cho con tiếp xúc và sử dụng đồ điện tử quá sớm, tràn lan, thiếu hiểu biết. Không ít bậc cha mẹ bận rộn sẵn sàng mang ipad, iphone hay tivi ra cho con chơi, xem để tranh thủ thời gian làm việc, không ít bậc cha mẹ hào hứng, tự hào khi thấy con mình sành sỏi sử dụng thiết bị thông minh như những bậc nhân tài ngay từ ngày còn nhỏ.

Báo động

Cha mẹ không nên cho con trẻ tiếp xúc với công nghệ quá sớm (ảnh minh họa)

Chia sẻ những giải pháp để giúp các bậc phụ huynh có con nhỏ trước vấn đề gia tăng trẻ em Việt bị nghiện thiết bị số, thạc sĩ Chuẩn cho rằng, không thể và không nên cấm trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử. Thiết bị số, thiết bị thông minh là xu hướng tất yếu của thế hệ trẻ trong cuộc sống hiện đại. Chúng sẽ không trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, trí tuệ, tính cách và sự phát triển của trẻ nếu phụ huynh có kiến thức sử dụng chúng tốt hơn, biết khai thác những yếu tố tích cực do chúng đem lại một cách vừa đủ.

Khi thấy con có biểu hiện ham thích những thiết bị thông minh quá mức, cha mẹ hãy bắt đầu ngay bằng việc tạo cho con những niềm vui khác, cho con tham gia nhiều hoạt động vận động bên ngoài như khu vui chơi, sân bóng…

Theo Thạc sĩ Chuẩn, cho trẻ sử dụng đồ điện tử, thiết bị thông minh cũng đòi hỏi sự quan tâm, chú ý sát sao của người lớn, bởi nó không đơn thuần chỉ là một thứ đồ chơi bình thường. Có thể học tập những phương pháp được nhiều cha mẹ áp dụng thành công như chỉ cho con chơi vào cuối tuần, mỗi lần một tiếng hay nửa tiếng. Sau đó, có những phần thưởng như cho chơi thêm một tiếng nữa nếu con ngoan hay làm được việc tốt, như vậy vừa động viên, vừa khuyến khích con mà vẫn đáp ứng nhu cầu giải trí cho trẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động "bệnh" nghiện thiết bị thông minh ở trẻ em Việt