Bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp

Đức Duy| 31/03/2020 15:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để học online hiệu quả, đòi hỏi sinh viên phải có ý thức tự học và chủ động. Sự tự giác này không bắt nguồn từ nỗi sợ áp lực điểm số, mà cần được hình thành từ hứng thú với bài giảng và ham muốn khám phá kiến thức.

Hiện nay, để giải quyết tình trạng gián đoạn học tập và đảm bảo an toàn trong khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học đã nhanh chóng triển khai mô hình lớp học online. Vậy những khó khăn và thách thức trong dạy và học online như thế nào?

Thách thức về bài giảng

Theo chia sẻ của GS Nguyễn Văn Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ: “Để hình thức học trực tuyến đạt được hiệu quả mạnh hơn và tiếp cận sâu hơn đến toàn thể sinh viên, Trường sẽ tiếp tục tăng tiến độ cập nhật các bài giảng trực tuyến, các diễn đàn tương tác giữa giảng viên và sinh viên, diễn đàn thảo luận sinh viên,… để sinh viên nắm bắt được kiến thức. Bên cạnh đó, các giảng viên sẽ tạo lập các nhóm học tập để thu hút sinh viên trao đổi và thảo luận. Người thầy luôn là nhân tố quan trọng nhất cho sự thành công hay thất bại của quá trình dạy - học. Vì thế, giáo án soạn kỹ, quản lý lớp học tốt luôn là yêu cầu trước nhất trong việc khai thác các tính năng giáo dục của công nghệ thông tin trong đào tạo”.

Bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp

Ảnh minh họa. Phương Võ.

GS Nguyễn Văn Hiếu cũng khẳng định: “Trường triển khai lớp học online dịp này nhằm giúp các em củng cố kiến thức, nắm bắt được kiến thức của các học phần. Sau khi quay trở lại học tập, Trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập trên lớp đảm bảo đầy đủ khối lượng kiến thức cho các em”.

Tuy nhiên để học trực tuyến đạt hiệu quả, quan trọng nhất là sinh viên phải có ý thức học tập và văn hóa sử dụng mạng xã hội. TS Diêm Thị Thanh Hải – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh - Đại học Phenikaacho biết, nhiều em vẫn lên mạng học theo trào lưu. Để hiệu quả, hơn hết vai trò tự học là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bởi bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp. Ngoài ra, các thầy cô cũng cần xây dựng hệ thống bài học, kiến thức, đảm bảo theo đúng yêu cầu trong quá trình dạy và học.

Để học online hiệu quả, đòi hỏi sinh viên phải có ý thức tự học và chủ động. Sự tự giác này không bắt nguồn tự nỗi sợ bị rầy la hay áp lực điểm số, mà cần được hình thành từ hứng thú với bài giảng và ham muốn khám phá kiến thức.

Kỹ năng tự học là khả năng dư duy độc lập, tích cực để thu thập, chọn lọc, phân tích, phản biện và từ đó hình thành kiến thức mới. Để hình thành cho sinh viên kỹ năng tự học, TS Lê Mạnh Tú – Giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu - Đại học Phenikaa cho rằng, cần có sự phối hợp tích cực giữa giảng viên và sinh viên. Kỹ năng tự học không phải là đòi hỏi nhất thời trong thời gian dịch bệnh mà đó là một trong những năng lực tiên quyết của công dân toàn cầu và công dân thời đại số.

Sinh viên nói gì về học online

Việc học online nhiều sinh viên có tâm lý thích thú vì mới lạ và được sử dụng các thiết bị công nghệ, đồng thời tạo cảm giác thoải mái. Sinh viên Ứng Mai Linh – K13 Khoa Kinh tế và Kinh doanh cho biết: “Do thời gian nghỉ học khá dài, nên em đã sắp xếp thời gian để tự học, lịch kiểm tra bài tập của thầy cô thông qua những ứng dụng công nghệ thông tin. Trung bình mỗi ngày em thường dành từ 5 - 7 tiếng đồng hồ để học trực tuyến với thầy cô giáo. Lịch học như vậy, em có thể chủ động ôn bù đắp những kiến thức hổng và duy trì nề nếp học tập bình thường như đi học hàng ngày”.

“Học online rất thuận tiện cho sinh viên, vì ở đâu bạn cũng có thể học miễn là có kết nối internet. Điển hình có thể thấy trong dịch corona lần này ưu điểm của phương pháp học này là sinh viên không còn bị gò bó trong khuôn viên lớp học, các bạn sẽ chọn cho mình những địa điểm mà mình thích thú và tập trung vào việc học” – sinh viên Nguyễn Văn Phúc, K13 Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu chia sẻ.

Thừa nhận những lợi ích của việc học online, nhưng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng phương pháp này cũng có những nhược điểm so với phương pháp dạy học truyền thống. Đôi khi nhiều bạn mở tài khoản lên rồi để đó, họ làm một việc khác. Nếu học lâu dần, các bạn sẽ không còn cảm giác được gặp nhau trò chuyện trực tiếp, mất đi niềm vui của việc đến trường, đến lớp. Tuy nhiên, theo Phúc học online không thể áp dụng cho các môn thực hành, đường truyền mạng yếu cũng ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài, và đặc biệt là không được gặp trực tiếp bạn bè.

Hình thức học online đang dần chứng minh là một công cụ không thể thiếu trong thời đại số. Khoảng kỳ nghỉ học kéo dài là quyết định khó khăn của ngành giáo dục, là thử thách với cả thầy và trò nhưng cũng là cơ hội để những người làm giáo dục thúc đẩy sự sáng tạo vào giải pháp đào tạo trực tuyến.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài giảng trực tuyến trên mạng khác hoàn toàn với những bài giảng trực tiếp