Vì sao người phụ nữ tâm thần bị người nhà “giam cầm” gần 20 năm?

Lê An| 24/08/2016 17:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau thời gian được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đưa đi điều trị, chăm sóc, đến nay sức khỏe bà Sáu đã ổn định, sắc diện bà đã hồng hào.

Vẫn có khả năng hết bệnh một phần

Sáng 22/8, Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long cho biết bà Nguyễn Thị Bé Sáu (59 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) thể trạng đã dần ổn định. Bà Sáu mắc bệnh tâm thần, khiến người nhà phải "biệt giam" bà suốt gần 20 năm trong điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn.

Khi chúng tôi đến thăm bà, tại giường bệnh, bà Sáu vẫn còn bị cột chặt 2 tay. Theo những người nuôi bệnh ở đây, mỗi khi bà Sáu ngủ thì thôi, hễ bà thức là người bà không yên, hay nói chuyện nhiều và cắn đồ đạc xung quanh. Từ nhiều ngày qua, người nhà của bà cũng không thường đến thăm như lúc đầu, tất cả sự chăm sóc đều do các bác sỹ, y tá của bệnh viên lo hết.

Vì sao người phụ nữ tâm thần bị người nhà “giam cầm” gần 20 năm?

Bà Sáu bị “biệt giam” trong căn phòng gần 20 năm qua

Theo các bác sỹ nơi đây, bà Sáu đã ăn, ngủ được, sắc diện hồng hào, có thể sinh hoạt được với một số bệnh nhân khác. Tuy nhiên, bà vẫn còn có một số hạn chế như: nói những câu vô nghĩa, cảm xúc không ổn định, khả năng nhận biết còn bị giới hạn, xé mền, gối, áo, quần cũng như cần trợ giúp trong các hoạt động vệ sinh cá nhân. Các xét nghiệm cho thấy bà Sáu bị suy nhược cơ thể trầm trọng, nhưng rất may mắn là bà không mắc phải các bệnh lý nào khác về nội khoa.

Riêng về bệnh thần kinh, theo chẩn đoán bà mắc chứng “tâm thần phân liệt thể di chứng nặng”. Hơn nữa, do bệnh đã phát hiện quá trễ, nên việc phục hồi ở trong giới hạn và cần phải có thời gian. Tuy vậy, nếu được sự quan tâm từ người nhà cùng với các liệu pháp điều trị thì khả năng phục hồi cũng ở mức tốt.

“Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh viện tiếp tục tiến hành điều trị tâm lý nhằm phục hồi chức năng lao động, nếu bà Sáu có tiến triển theo chiều hướng tốt, bà sẽ sớm xuất viện và đưa về Trung tâm công tác xã hội Vĩnh Long chăm sóc. Tuy nhiên, bà vẫn phải uống thuốc theo đơn của bác sỹ và phía bệnh viện vẫn sẽ hỗ trợ khi cần thiết”, bác sỹ chuyên khoa II Phạm Văn Diên, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long, cho biết.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân, cho biết: “Chính quyền xã nhiều lần đến vận động gia đình đi điều trị cho bà Sáu, nhưng gia đình không đồng ý vì nếu thả bà ra bà hay đập phá, sợ ảnh hưởng đến người khác nên thời gian qua đành cho gia đình chăm sóc bà tại gia. Vừa rồi, nhờ có sự can thiệp của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long nên bà Sáu mới được đưa đi bệnh viện điều trị”.

Bị “giam” vì tâm thần

Nằm phía sau căn nhà tường của gia đình, giữa những bụi chuối um tùm, căn phòng rộng chừng 15 m2 với cánh cửa rỉ sé khóa chặt là nơi bà Sáu sinh sống suốt 20 năm qua. Vài lỗ nhỏ phía vách tường để lọt những tia sáng yếu ớt le lói chiếu qua. Chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy trong căn phòng đáng sợ ấy là một phụ nữ lớn tuổi chỉ còn da bọc xương, không mảnh vải che thân sinh sống nhiều năm qua.

Nhìn từ ngoài, mặc dù là giữa trưa, bóng tối như phủ trọn căn phòng. Bên trong căn phòng có bồn cầu, một chiếc giường sắt, cái mền ẩm ướt, lấm lem. Căn phòng bốc lên mùi hôi hám rất khó chịu. Chúng tôi nhìn thấy chiếc thùng nhựa đặt bên ngoài đã cạn khô nước.

Theo nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này, hàng ngày họ thấy có bà Lạc, người em dâu của bà Sáu, mang cơm, nước đến cho bà Sáu ăn, uống. Người dân địa phương cũng thường nghe tiếng rên rỉ giữa đêm, hay tiếng la hét giữa trưa hè, vang lên từ sâu trong khu vườn hoang. Không ai biết được bà Sáu phải sinh hoạt như thế nào, chống chọi bệnh tật ra sao trong căn phòng nhỏ ấy gần nửa cuộc đời đã qua.

Có con nhưng không ai nuôi

Một người dân gần nơi bà Sáu bị “giam” cho biết: “Hồi đó, chị Sáu vẫn bình thường. Sau khi lấy chồng rồi ly dị, chỉ về ở với mẹ ruột trong tình trạng lúc điên lúc tỉnh”.

Bà Lạc là em dâu thứ 8 của bà Sáu (người hiện tại đang trực tiếp chăm sóc bà Sáu) kể: “Chị Sáu có 4 người con. Sau khi ly dị chồng, tất cả các đứa con đều theo cha. Chị quay về ở với mẹ ruột. Sau đó không lâu, chị hay tin đứa con út chết vì bệnh. Nhiều nỗi buồn dồn dập khiến chị bệnh nhiều hơn, đến nay đã 26 năm”.

Cũng theo bà Lạc, sau khi ngã bệnh, bà Sáu được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) để điều trị được một năm. Tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm, bà Sáu lại năn nỉ về nhà, gia đình đưa bà về và lấy thuốc ở Bệnh viện Vĩnh Long uống. Tiếp đó, có vài biến cố, bệnh tình bà Sáu càng trở nặng. Gia đình xây cho bà căn phòng ở phía sau để cách ly bà, đồng thời dừng việc chữa trị bệnh từ đó.

Theo người dân địa phương, thời điểm đầu, bà Sáu được mẹ ruột chăm sóc. Nhưng cách đây 6 năm, mẹ ruột già yếu và mất. Căn nhà bị bỏ hoang, bà Sáu phải sống ở căn phòng sau nhà một mình, ít người lui tới. Và nhiệm vụ chăm sóc bà được vợ chồng người em thứ 8 thay thế.

“Mấy năm trước, mỗi năm, các con có về thăm, nhưng 2 năm nay không thấy. Hoàn cảnh của những người con hiện tại cũng khó lòng mà chăm sóc mẹ, bởi tụi nó cũng chỉ nuôi sống bản thân. Cả 2 đứa con gái có chồng. Nhưng nghe nói đứa em vừa ly hôn, bị thần kinh yếu phải nhờ chị gái chăm sóc. Còn thằng con trai thì đi làm ở Sài Gòn, cũng không giàu có gì”, bà Lạc cho biết thêm.

Bà Lưu Thị Tuyết Minh cho biết hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đội bảo vệ khẩn cấp. Nếu người dân phát hiện các trường hợp cần bảo vệ cần gọi ngay cho Đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội: 0703 960 001.

Những người cần bảo vệ khẩn cấp là: người rối nhiễu tâm trí và người tâm thần; trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao người phụ nữ tâm thần bị người nhà “giam cầm” gần 20 năm?