Tấm lòng người "vợ hờ" và đứa con mang họ mẹ

Nguyễn Đình Kim Cương| 29/10/2014 17:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nó không phải con tôi… tôi không cần biết nó con ai, cô đi đi”. Nghe V. nói vậy, H. lặng người, hai hàng nước mắt tuôn trào ướt sũng cả bờ vai, cô đành ngậm ngùi ôm đứa con vừa tròn tháng ra về trong sự xót xa thương cảm của mọi người.

Ngày ấy V. và H. sinh hoạt trong một chi đoàn xóm, được tín nhiệm, cả hai, người làm Bí thư, người làm phó nên luôn sát cánh bên nhau trong mọi công việc. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, họ nảy sinh tình cảm yêu thương.

Một ngày nọ, H thấy trong người khang khác, biết mình đã có mang, cô vội báo tin cho V. Không giấu được nỗi mừng vui, V. dắt H. về nhà thưa chuyện, mong được danh chính ngôn thuận, ai ngờ gia đình V. phản đối quyết liệt. Tuy có hụt hẫng nhưng đôi bạn trẻ vẫn tràn trề niềm tin và hy vọng vào một "mầm sống" đang dần lớn lên từng ngày. V bảo H. gắng đợi để anh thuyết phục gia đình. Tin V. nên H. yên tâm chăm lo sức khỏe và cái thai trong bụng thật tốt.

Thấm thoát ngày qua ngày, H. đã sinh hạ một bé trai bụ bẫm kháu khỉnh. Tuy vậy, H vẫn nén tiếng thở dài khi bóng dáng người yêu ngày một thưa dần. H. nhận ra mình đợi chờ là vô vọng nên khi đứa bé vừa tròn tháng, cô quyết định bế con đến nhà V. Nhưng đời ai lường được chữ ngờ, lúc trước V. thề non hẹn biển, nói lời yêu thương ngọt ngào, hứa hẹn cho H. một gia đình hạnh phúc, nay V. quay mặt, khăng khăng chối đứa bé không phải con mình, dù nó giống anh ta như đúc. “Nó không phải con tôi… tôi không cần biết nó con ai, cô đi đi”. Nghe V. nói vậy, H. lặng người, hai hàng nước mắt tuôn trào ướt sũng cả bờ vai, cô đành ngậm ngùi ôm đứa con vừa tròn tháng ra về trong sự xót xa thương cảm của mọi người. H. lủi thủi bế con khuất dần ngõ nhà V - nơi mà chỉ mấy ngày sau đó, pháo hỉ của V. đỏ cả mặt đường.

Tấm lòng người

Lòng vị tha, sự hiếu thảo luôn luôn được đề cao. Ảnh: minh họa

Năm tháng thoi đưa, đứa bé ngày nào nay đã thành một sinh viên Đại học Y, tốt nghiệp bằng loại ưu, cậu được phân công về công tác ở bệnh viện huyện nhà. Trời đã không phụ lòng người, bao năm vất vả, tần tảo nuôi con khôn lớn, nay bà H. đã có thể ngẩng đầu với làng xã. Đứa con bà mang nặng đẻ đau không có bố phải mang họ mẹ, sống trong dị nghị của người đời nay đã thành danh. Những lúc nghe con hỏi “bố đâu”, bà chỉ biết ngậm ngùi nói “đã mất”.

Một ngày nọ, cậu con trai kể cho bà nghe về một người đàn ông bất hạnh 56 tuổi, bị tai nạn liệt nửa thân nằm viện đã 1 năm ròng, vệ sinh ăn uống đều phải có người túc trực giúp đỡ thường xuyên. Thế nhưng mấy tuần qua không hiểu vợ con ông ấy đi đâu bỏ ông trơ trọi một mình, tiền viện phí còn nợ hàng trăm triệu đồng.

Nghe đến đó, bà lặng người vì thương cảm. Sáng hôm sau bà mua đường sữa theo con vào viện thăm bệnh nhân nọ. Vừa đến bên giường bệnh, bịch quà trên tay bà bỗng rớt tung, bà chẳng tin vào mắt mình, con người bất hạnh kia không ai khác mà chính là V. của bà ngày nào. Quá bất ngờ và xúc động, bà ôm lấy cậu con trai nức nở: “Con ơi!…ông ấy chính là bố con đấy”.

Sau khi nghe mẹ kể rõ mọi sự bấy lâu bà cố tình giấu kín, cậu con trai vô cùng tức giận, nhưng cũng thương cảm cho hoàn cảnh éo le của người đàn ông bội bạc đó. Nhưng rồi nghĩ lại "một giọt máu đào hơn ao nước lã", nghe lời khuyên của người mẹ hiền từ, nhân hậu, cậu đã bỏ qua tất cả, đưa người cha bệnh tật đã từng bỏ rơi mình về chăm sóc, chữa trị chu đáo.

Hôm ấy, ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, sau bao ngày xa cách, hạnh phúc đến với gia đình bà H thật muộn mằn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm lòng người "vợ hờ" và đứa con mang họ mẹ