Những "cộng sự" đặc biệt của nhà báo nữ

Hà Linh| 18/06/2015 07:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gia đình đối với nhà báo nữ không chỉ là nơi “trú chân” sau mỗi ngày làm việc căng thẳng mà với họ đó luôn là một hậu phương vững chắc và ở đó có những "cộng sự" tuyệt vời.

Chọn nghề báo là xác định "một nửa đàn bà là đàn ông"

Vào nghề đã 18 năm, nhưng nhà báo Lê Thanh Lương - Trưởng ban điện tử báo Pháp luật Việt Nam không thể quên được cảm xúc mỗi lần đi tác nghiệp, đó là hình ảnh cậu con trai nhỏ lại níu chặt chân mẹ, rơm rớm nước mắt và bảo: "Con không muốn mẹ đi vắng, con không cần đồ chơi, con không cần gì cả, con chỉ cần mẹ thôi".

Nhìn cảnh ấy, nhiều người sẽ nghĩ chị tham công tiếc việc, nhưng đối với chị, khi chọn nghề báo và quan trọng là yêu nó thì đã xác định: "một nửa đàn bà là đàn ông". Phải có những cương quyết và bản lĩnh như nam giới để vượt qua những khó khăn, vất vả, gian nan, thậm chí cả nguy hiểm của nghề.

Để cân bằng giữa công việc và gia đình, chị luôn đầu tư thời gian một cách nghiêm túc, tránh "lựa chọn sinh tử": gia đình hay công việc.

“Nhà báo nữ làm thế nào để cân bằng công việc với áp lực và cường độ làm việc cao như thế để có một gia đình ấm áp, con cái được chăm sóc đầy đủ? Nói thật, tôi cũng không có một phương pháp nào đặc biệt để đi đến sự cân bằng đó ngoài sự nỗ lực thu xếp của bản thân mình. Tôi là một người "nghiện việc" nhưng cố gắng không tha việc về nhà.

Tôi thường xuyên về nhà muộn nhưng đã về nhà thì không làm việc nữa. Trong nhà tôi thậm chí còn không đặt bàn làm việc, chỉ có laptop nhỏ, cần thiết lắm tôi mới mở máy làm việc và tắt ngay khi xong việc. Sau mỗi chuyến công tác, tôi sẽ dành cho các con 1-2 ngày nghỉ ngơi thực sự và dành toàn bộ thời gian đó để chơi cùng con.

Tôi không nấu được cho con ăn mỗi ngày nhưng khi có thời gian, tôi vẫn cố gắng vào bếp và để cho chúng thấy hôm nay tôi sẽ nấu ăn cho con vì tôi rất yêu thương chúng. Tôi nghĩ rằng, mình may mắn vì các con tôi biết thích nghi với công việc của mẹ và chúng không có cảm giác bị mẹ bỏ bê cho dù công việc của mẹ quá nhiều”, chị Thanh Lương tâm sự.

Những

Nhà báo Lê Thanh Lương- Trưởng ban điện tử báo Pháp luật Việt Nam: "Chọn nghề báo là xác định "một nửa đàn bà là đàn ông"

Còn chị Đinh Hiền - phóng viên báo Công an nhân dân thì chia sẻ rằng: “Tôi thấy nhiệm vụ của một người đàn bà trong gia đình và nhiệm vụ của một nhà báo tương đương nhau, chẳng cái nào dễ hoặc khó hơn cái nào. Tôi tự thấy mình chưa phải làm gì hết để cân bằng, tôi chỉ làm công việc gia đình đơn thuần mà bất cứ người phụ nữ nào cũng nên làm và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một nhà báo mà cơ quan giao cho. Tôi chẳng đặt vị trí nào nặng hơn vị trí nào. Có thể đó cũng là một cách cân bằng chăng?”

Thời gian làm việc của nhà báo không thể tính bằng giờ hành chính, mà ở đâu xảy ra sự việc là ở đó phải có mặt của nhà báo. Là phụ nữ nhưng họ phải chấp nhận cuộc sống nay đây mai đó, với biết bao rủi ro, nguy hiểm rình rập để tác nghiệp, làm tròn sứ mệnh “người đưa tin” đến với độc giả. 

Vất vả là vậy, gian nan là vậy nhưng không ít nữ nhà báo trẻ vẫn đam mê với nghề và đôi khi bỏ quên cả những ước mơ nhỏ nhoi hay thói quen rất con gái. Họ chấp nhận hy sinh chức phận cần có trong tổ ấm, chuyện bếp núc, lớn nhỏ đành phải phó mặc cho "nửa còn lại" của mình.

Phụ nữ làm báo thực chất phải hy sinh rất nhiều. Công việc cường độ cao và áp lực nặng nề, nếu như không tìm được sự đồng cảm, cảm thông và chia sẻ từ phía gia đình thì sẽ chỉ có một tỉ lệ nhỏ giữ được mái ấm gia đình một cách trọn vẹn. Như vậy để hoàn thành công việc của mình một cách toàn tâm, toàn ý  họ phải có hậu phương vững chắc.

Nhà báo phải yêu nghề, say nghề

Đối với họ, thành tích trong nghề báo không phải là những tấm bằng khen được lồng trong khung kính mà là sau mỗi bài báo đến tay độc giả, họ nhận được sự tương tác chia sẻ của độc giả và quan trọng hơn cả đó là họ thấy thỏa mãn với những gì mình đã viết ra, giúp xã hội có cái nhìn nhân văn hơn đối với con người và sự việc.

Theo chị Đinh Hiền, nguyên nhân làm nên thành công của một bài báo đó là sự say mê. Nếu người làm báo không say mê, không yêu nhân vật của mình, không yêu công việc mình đã chọn thì sẽ rất dễ rơi vào trạng thái chán nản, buông xuôi. 

Những

Chị Đinh Hiền báo Công An Nhân Dân "Khi tôi viết, là những lúc tôi vui vẻ nhất, thăng hoa nhất, “bay” nhất"

Chị quan niệm rằng, bất cứ người làm báo nào cũng phải biết cách yêu mình thì mới cho ra đời được những bài báo hay. “Tại sao tôi nói phải biết yêu mình, bởi đơn giản, bài báo chính là bộ mặt của bạn, là phong cách của bạn, là tư duy của bạn. Nếu bạn không yêu mình, bạn sẽ để cho bộ mặt của bạn lem nhem, bạn sẽ “buông thả” trong văn phong, “xộc xệch” trong tư duy, và như thế thì làm sao có thể có những bài báo hay, bài báo thành công được.”

Chị Thanh Lương thì cho rằng, nghề báo là một nghề khắc nghiệt, khi người làm báo hài lòng và dừng lại, là lúc họ đang tự đào thải mình. “Tôi vẫn nói với các cộng sự của mình rằng, không có nghề nào bị đào thải nhanh chóng như nghề báo. Khi bạn là một phóng viên "chiến trường" xuất sắc, ai cũng biết tới bạn, công việc dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng chỉ vài năm khi các bài viết ít xuất hiện trên mặt báo, cũng là lúc bạn bị lãng quên, và vì thế, mỗi ngày, người làm báo lại phải làm việc nhiều hơn ngày hôm qua một chút, để bước tới và không bị tụt lùi”.

Những người “cộng sự”  tuyệt vời

Cộng sự của các nhà báo là ai? Chính là chồng, là con, là những người thân, bởi hàng ngày khi họ rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước, thì bên cạnh họ luôn có những lời chia sẻ, động viên của gia đình.

Gia đình là hậu phương vững chắc khi cả tuần lặn lội “đi gió đi sương” họ lại được ăn một bữa cơm gia đình đầm ấm. Rồi đôi khi trong bữa ăn những người “cộng sự” sẽ chia sẻ, góp ý về những bài viết sao cho hay hơn. Bữa cơm gia đình của người phụ nữ làm báo khi ấy được các chị gọi vui là cuộc họp của “ban biên tập”.

Những

Sau mỗi chuyến công tác, chị Thanh Lương dành cho các con 1-2 ngày để chơi cùng con.

Chị Đinh Hiền chia sẻ rằng: “Nghề viết đòi hỏi nhiều sáng tạo và cảm xúc, nên thỉnh thoảng bạn không “bay lơ lửng”, hoặc không “điên điên” một chút, thì rất khó đi đến tận cùng của niềm thăng hoa viết lách. Nhưng cái sự “bay” ấy phải đúng lúc, đúng chỗ. Khi làm người vợ, người mẹ trong gia đình, hãy giảm tông cái sự “bay” xuống một chút, nói vui là cho nó “bay là là” thôi". Và nữ nhà báo muốn hạnh phúc, trước hết hãy là người đàn bà thông minh, thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "cộng sự" đặc biệt của nhà báo nữ