Bản án nào cho những người mẹ bỏ rơi con mình?

Châu Sơn| 19/12/2015 09:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận. Dù bị xử lý theo pháp luật hay may mắn thoát tội thì những người mẹ này vẫn không thoát khỏi Tòa án lương tâm của chính họ.

Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 14/12/2015, vợ chồng ông ông Hà Đức và bà Ngô Thị Bích (trú thôn 5, xã Hương An) vừa thức giấc, mở cửa nhà thì phát hiện một bé trai 2 tháng tuổi được quấn trong lớp khăn đặt nằm trước cửa nhà. Ngay sau phát hiện cháu bé, vợ chồng ông Đức đưa cháu bé vào nhà và trình báo cơ quan chức năng xã Hương An.

Trước đó, chiều 14/8/2015, khi đi ngang qua cổng chùa Vạn Đức, một số người dân ngụ tại xã Cẩm Hà, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam bất ngờ nghe tiếng khóc thét của trẻ con phát ra từ một lùm cây gần cổng chùa. Đến gần, họ phát hiện một bé trai được quấn khăn, đặt trong giỏ xách màu đỏ đang trong tình trạng sốt cao. Sợ cháu bé nguy kịch, người dân đã chuyển cháu đến ngay Trạm Y tế xã Cẩm Hà để chữa trị. Cháu bé mới khoảng 4 - 5 ngày tuổi, nặng 3kg, sốt cao gần 40 độ C, trên người cháu có nhiều vết đỏ nghi bị kiến đốt, nhìn thấy những hình ảnh đó ai cũng xót xa.

Tiếp đó, khoảng 4 giờ ngày 18/10/2015, ông Lê Văn Cam (khối Tứ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ. Tiến sát đến khu vực phát ra âm thanh gần cổng nhà, ông Cam phát hiện một bé gái tầm 7 tháng tuổi, nặng gần 8kg nằm trong một thùng xốp. Ngay lập tức, ông Cam bế đứa bé đang trong tình trạng sốt cao vào nhà rồi trình báo với chính quyền địa phương. Mãi đến chiều 19/10, vẫn chưa có người thân đến nhận bé nên UBND phường Điện Ngọc đã tiến hành lập biên bản bàn giao bé cho gia đình ông Cam tạm thời nhận nuôi dưỡng. Ít ngày sau đó, cháu bé được em gái của ông Cam nhận làm con nuôi.

Bản án nào cho những người mẹ bỏ rơi con mình?

Bé gái bị bỏ rơi trong thùng xốp

Chỉ hơn một tháng sau ngày bé gái bị bỏ rơi trước nhà ông Cam, ngày 1/12/2015, tại thị xã Điện Bàn cũng xảy ra một trường hợp bỏ rơi khác. Lần này là một bé trai sơ sinh chưa cắt rốn. Khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, bà Dương Thị Nhớ (trú khối 1, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đang ngủ bất giác nghe tiếng mọi người nói chuyện trước cổng nhà mình. Tỉnh dậy mở cửa ra ngoài, bà Nhớ trông thấy 3 người đàn ông bồng một bé trai sơ sinh nặng 2,8kg được bọc trong một túi nilông bị bỏ rơi gần nhà bà. Ngay sau đó, bà Nhớ vội quấn cho cháu bé một chiếc khăn rồi lập tức bồng cháu đến Khoa Sản của Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam nhờ giúp đỡ.

Nhắc đến bé trai bị bỏ rơi trong vườn dẫn đến việc súc vật ăn nhiều phần cơ thể vào tháng 7/2006, chắc nhiều người trong cả nước vần còn bức xúc và phẫn nộ. Sau thời gian mang thai, sáng sớm ngày 15/7/2006, H.T.T. (SN 1987, trú tại xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ra vườn sinh con rồi bỏ luôn tại đây. Đến 21 giờ cùng ngày, cha và anh trai T. phát hiện thì cháu bé đã bị mất chân phải, 2 tinh hoàn và một phần dương vật. 

Tại Cơ quan điều tra, H.T.T khai, vì đứa trẻ không được cha thừa nhận, bản thân T lại không đủ khả năng để nuôi con và sợ gia đình, xã hội dị nghị nên T đã vứt bỏ giọt máu của mình.

Bản án nào cho những người mẹ bỏ rơi con mình?

Cháu bé được nhà ông Hà Đức tạm thời chăm sóc

Chính vì lối sống buông thả, quan hệ tình dục không an toàn mà những người mẹ trên có thai ngoài ý muốn. Cũng bởi có thai ngoài ý muốn nên họ không thương yêu đứa trẻ mà mình mang nặng đẻ đau. Bên cạnh đó, sức ép của dư luận, sự thiếu quan tâm, chia sẻ kịp thời của gia đình khiến họ có hành động nhẫn tâm đối với đứa con của chính mình.

Từ sau khi phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em (1990), Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo cho trẻ em được hưởng những quyền cơ bản, được chăm sóc, giáo dục và được quyền sống một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, vẫn còn nhiều trường hợp, chính người mẹ lại nhẫn tâm vứt bỏ đứa con của mình.

Tội “Giết con mới đẻ” được quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Như vậy, hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này nên nếu nạn nhân không chết thì không có tội phạm. Chính vì lẽ đó, những người mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi con của mình thì chỉ có Tòa án lương tâm mới xét xử được!

Hướng xử lý hiện nay đối với loại tội phạm này chủ yếu là giáo dục để người mẹ thấy trách nhiệm của mình đối với đứa con do mình đẻ ra, chống lại tư tưởng lạc hậu và tàn dư của chế độ cũ. Bên cạnh đó, điều mà các ban, ngành chức năng cần phải làm là hạn chế lối sống lệch lạc, các tệ nạn trong xã hội đối với trẻ vị thành niên, phổ biến các quy định của pháp luật về quyền của trẻ em và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con em mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản án nào cho những người mẹ bỏ rơi con mình?