20 năm, dai dẳng một nỗi đau

Sơn Tùng| 14/07/2016 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù 20 năm đã trôi qua, thế nhưng ký ức về những ngày tháng kinh hoàng ấy vẫn không thể nào phai trong lòng người phụ nữ ở xóm chài Gành Cả.

Ở xóm chài Gành Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) người dân nơi đây vẫn miệt mài một đời gồng gánh biển cả, họ như những “cột mốc” sống giữa trùng khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương. Một chuyến ra khơi là vô số nguy hiểm rình rập: sóng to, gió lớn hay một cơn bão bất chợt đổi hướng cũng dễ dàng lấy đi sinh mạng của họ. Và giờ đây sự nguy hiểm đó còn đến từ tàu Trung Quốc.

Giữa đại dương mênh mông, những chiếc tàu vỏ thép khổng lồ được trang bị vũ khí hiện đại nguy hiểm chẳng kém gì so với cơn bão dị thường kia. Khi ấy, sự sống của các ngư dân trong tay không có một tất sắt chẳng khác nào như ngọn đèn giữa biển, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Trong câu chuyện của người dân xóm Gành Cả, người ta vẫn thường kể cho nhau nghe về sự tần tảo nuôi con suốt 20 năm của một người phụ nữ có chồng bị bắn chết ở Hoàng Sa. Chị là Trương Thị Nhị (SN 1975), chị là hàng xóm với ngư dân Võ Văn Lựu (SN 1966) thuyền trưởng, kiêm chủ tàu cá QNg 90497 TS vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa ngày 9/7.

20 năm, dai dẳng một nỗi đau

Dù 20 năm đã qua đi nhưng đau thương vẫn âm ỉ trong lòng chị Nhị

Trong câu chuyện chị kể, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng người phụ nữ tần tảo này, khi kẻ gieo rắc đau thương cho gia đình nhỏ của chị chính là tàu Trung Quốc.

Đó là một ngày giữa tháng 3/1996, 2 tàu đánh cá của ngư dân Nguyễn Cư và Ngô Văn Dũng nhổ neo hướng ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đánh bắt hải sản, trên mỗi tàu có 8 ngư dân. Trong chuyến đi định mệnh năm ấy, có chồng chị là ngư dân Phạm Huy (SN 1974).

Lật lại ký ức, ngư dân Ngô Văn Dũng cho biết, hôm đó là ngày 12/3/1996, sau khi đánh bắt hải sản, các thuyền viên cho tàu tiến vào cách đảo Cây (thuộc quần đảo Hoàng Sa) 3 hải lý về phía Đông Bắc để nghỉ ngơi.

“Trong lúc các thuyền viên đang ngủ thì bất ngờ một canô chở theo một đám lính Trung Quốc kéo lên tàu, trong đó có một tên cầm súng liên tục chĩa về phía các ngư dân. Những tên lính xả súng bắn như mưa vào cabin. Các ngư dân hoảng hồn nhìn mảnh gương vỡ tung tóe, nước chảy lênh láng”, thuyền trưởng Dũng kể.

Sau khi lấy đi hết tài sản, đám lính Trung Quốc bắt các ngư dân cúi đầu rồi dồn về phía mũi tàu. Chỉ riêng ngư dân Phạm Huy không cúi xuống, tên cầm súng liên tục hò hét rồi bất ngờ súng cướp cò. Sau tiếng nổ vang trời giữa đại dương, máu bắt đầu chảy thấm xuống áo ngư dân Phạm Huy, rồi anh ngã gục trong tiếng khóc thét của các thuyền viên.

“Các ngư dân đang ngủ thì bật dậy vì tiếng súng. Khi vừa chui ra khỏi cabin, đám lính đã chĩa họng súng về phía chúng tôi, miệng liên tục la hét bằng tiếng Hoa. Toàn bộ ngư dân bị dồn về phía trước mũi. Lúc đó chúng tôi cứ nghĩ bọn chúng chỉ lấy đồ thôi, nào ngờ một tên lính cầm súng bất ngờ bóp cò. Tiếng súng nổ chát chúa giữa biển làm ngư dân Phạm Huy ngã gục xuống sàn tàu và chết tại chỗ”, thuyền trưởng Dũng bàng hoàng kể.

Cái chết của ngư dân Phạm Huy khiến vùng biển Hoàng Sa ngày hôm ấy như có “bão”, nhiều tàu thuyền vội vã kéo neo chạy về đất liền. Khoảng 3 giờ ngày 14/3/1996, thi thể ngư dân xấu số được đưa về xóm Gành Cả. Năm ấy, chị Nhị đang mang thai tháng thứ 3, lúc thi thể của chồng được đưa vào đất liền, người phụ nữ ấy dường như ngã quỵ trước một nỗi đau quá lớn.

Nhà chị Nhị nằm dưới con dốc xuống biển ở thôn Gành Cả, đã 20 năm qua nỗi đau của người phụ nữ góa chồng vẫn còn dai dẳng chưa yên.

20 năm, dai dẳng một nỗi đau

May mắn hơn ngư dân Phạm Huy, thuyền trưởng Lựu còn về được với gia đình. Thế nhưng, con tàu gần 3 tỷ đồng đã nằm lại dưới đáy biển

Những cơn sóng biển vỗ vào bờ cát trắng giống như nỗi đau dồn dập trong lòng chị. 2 thập kỷ là quảng thời gian một mình chị bươn chải, cực khổ nuôi 2 con nhỏ. “Năm ấy tôi đang mang thai tháng thứ 3, 6 tháng sau tôi sinh đôi 2 cậu con trai và đặt tên là Phạm An và Phạm Thuận. Năm anh Huy mất cũng là năm 2 con chào đời, anh ấy chưa kịp nhìn mặt con đã ra đi”, chị Nhị nói trong nước mắt.

Ngày người đàn ông trụ cột trong nhà không còn, một mình chị gồng gánh nuôi hai con trưởng thành. Quãng thời gian đó thật sự rất khó khăn đối với chị, khi từ sáng tinh mơ người phụ nữ bất hạnh đã phải dậy sớm đạp xe đi xay bột về đúc bánh xèo bán cho những người trong làng. Không có chồng bên cạnh, trong khi con đang tuổi ăn tuổi lớn nên chị phải làm quần quật cả ngày để có tiền nuôi con. Cứ thế, An và Thuận là động lực để chị vực dậy trước nỗi đau mất chồng suốt 20 năm nay.

Càng lớn, hai con của chị càng nhận thức được rằng mình thiếu vắng một thứ gì đó. Nhìn bạn bè cùng trang lứa có cha, nhiều lần An và Thuận hỏi mẹ: “Cha của con đâu hả mẹ”. Khi ấy, chị Nhị cố nén đau thương trả lời với các con: “Cha đi biển với mấy chú trong xóm, ít bữa cha về”. Vào khoảnh khắc ấy người phụ nữ đau đớn tận cùng, chị cảm thấy có lỗi khi phải nói dối hai cậu con trai, nhưng còn cách nào khác, hai con của chị còn quá nhỏ để chấp nhận một sự thật nghiệt ngã.

Nhưng rồi sự thật chẳng thể giấu được lâu, thấy cha của bạn bè trong xóm đi biển về, 2 cậu bé chạy ra hỏi cha con về chưa? “Mới đầu, người trong xóm còn nói dối, nhưng vì thương hai đứa nhỏ nên họ đành nói thật. Thà để chúng chịu đau một lần chứ cứ nói dối mãi cũng không phải là cách hay. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc”, chị Nhị u sầu nói.

Dù 20 năm đã trôi qua, thế nhưng những ngày này khi nghe tin người hàng xóm là ngư dân Võ Văn Lựu cùng các thuyền trên tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa khiến làm chị nhớ đến người chồng xấu số của mình. Ở đâu đó trong lòng chị, một nỗi đau vẫn dai dẳng không thể nguôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
20 năm, dai dẳng một nỗi đau