Xung quanh việc luật sư chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm: Cần xem xét một cách thấu tình đạt lý

Đỗ Việt| 01/06/2017 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều ý kiến luật sư cho rằng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định luật sư phải tố giác tội phạm nếu phát hiện hành vi phạm tội của thân chủ là xung đột, mâu thuẫn với nhiều điều luật khác.

Quy định này không chỉ gây khó khăn cho việc hành nghề luật sư mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng như tiêu chí xây dựng một xã hội văn minh, công bằng.

Không phù hợp với các quy tắc đạo đức

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015. Nội dung được nhiều người quan tâm và gây nhiều tranh luận nhất là Điều 19 và Điều 389 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, quy định: Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy tại Điều 389 của Bộ luật này”.

Xung quanh việc luật sư chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm: Cần xem xét một cách thấu tình đạt lý

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

Quy định trên đã tạo ra hai luồng ý kiến trái ngược, luồng ý kiến bảo vệ Dự luật cho rằng luật sư cũng là công dân thì luật sư cũng có trách nhiệm bảo vệ công lý. Vì thế, khi biết thông tin về tội phạm thì đương nhiên phải có trách nhiệm tố giác. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng quy định như trên không chỉ gây khó khăn cho việc hành nghề luật sư, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Trao đổi về quy định tại khoản 3 Điều 19 BLHS 2015: Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Ðiều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại Điều 389 BLHS 2015 thì các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác là rất rộng, có 83 tội. Do đó, phạm vi người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác người mà mình bào chữa là rất rộng. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý người bào chữa cũng như ảnh hưởng tới hoạt động hành nghề của luật sư. Luật sư là người bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của người được bào chữa, khách hàng nhưng khi đang làm việc lại thực hiện việc tố giác thân chủ của mình, điều này không phù hợp với các quy tắc đạo đức cũng như ảnh hưởng tới hình ảnh của luật sư.

Luật sư Hòe đặt vấn đề, khi luật sư thực hiện bào chữa, người bị buộc tội cung cấp các thông tin cho luật sư là khách quan nên để xác định liệu người đó có phạm tội hay không luật sư cũng cần phải xác minh, xem xét về các thông tin đó. Vậy theo quy định trên thì luật sư phải thực hiện việc xác minh, xem xét liệu thân chủ của mình có là tội phạm hay không. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc xác minh, phát hiện tội phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan điều tra mà không phải luật sư.

Xung quanh việc luật sư chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm: Cần xem xét một cách thấu tình đạt lý

Luật sư Trương Quốc Hòe

Trưởng Văn phòng luật sư Interla bày tỏ quan điểm, luật sư là người có vai trò đặc thù trong vụ án hình sự, luật sư hoạt động hành nghề phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên quan đến nghề nghiệp của luật sư và luật sư khác với những người như: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Do đó, không thể so sánh luật sư và những người thân thích, ruột thịt của người phạm tội. Với tính chất là hoạt động nghề nghiệp đặc thù, hoạt động của luật sư phải chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật chuyên ngành như Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Đại Nam cho biết, việc quy định luật sư phải tố giác thân chủ là phụ đi cái lòng tin của thân chủ, ngược với đạo lý và như vậy là phá vỡ cái mà chính pháp luật hướng tới, đó là tạo ra nền tảng để xã hội tốt đẹp.

Ông Tuấn cho biết, quy định buộc luật sư phải tố giác thân chủ như thế là thừa, là trùng lặp với quy định chung về tội không tố giác tội phạm. Đồng thời mang tính kỳ thị, không những phá vỡ nguyên tắc đạo lý về lòng tin mà còn bịt hết con đường hướng thiện, phục thiện của tội phạm, biến họ trở thành nguy hiểm hơn cho xã hội. Quy định đó sẽ gây “hoài nghi” của thân chủ đối với luật sư, và vai trò, điều kiện hành nghề của luật sư chắc chắn sẽ bị hạn chế rất nhiều. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho việc hành nghề luật sư mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp cũng như tiêu chí xây dựng một xã hội văn minh, công bằng.

Cần xem xét điều chỉnh hợp lý

Theo ý kiến của nhiều luật sư, để đảm bảo quyền của luật sư khi thực hiện hoạt động tranh tụng cần xem xét sửa đổi quy định trên của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015.

Bàn luận về trách nhiệm tố cáo của luật sư, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Cộng sự cho rằng cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không “buông” hẳn khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS 2015, vì luật sư không có trách nhiệm gì thì không đúng, nhưng phải được giới hạn như thế nào.

Theo ông Nguyễn Huy Thiệp, đối với khoản 3 Điều 19 Dự thảo BLHS năm 2015 nên điều chỉnh lại như sau: Trừ trường hợp không tố giác các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này khi có căn cứ rõ ràng cho thấy tội phạm đó đang được chuẩn bị thực hiện, đang thực hiện”.

“Quan điểm của tôi không bỏ hẳn nhưng điều chỉnh lại khoản 3 Điều 19, chỉ dừng lại ở tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng trong tình trạng “đang chuẩn bị thực hiện” hoặc “đang thực hiện". Có như thế mới thấu tình đạt lý, còn các tội phạm đã thực hiện, tôi nghĩ không nên quy định vì quy định như vậy sẽ gây xung đột, mâu thuẫn”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bày tỏ quan điểm.

Ông Thiệp phân tích, đối với tội phạm “đang chuẩn bị thực hiện” hoặc “đang thực hiện” thì nguồn nguy hiểm có thể gây ra cho xã hội là rất cao, còn tội phạm đã thực hiện thì hậu quả đương nhiên đã xảy ra rồi, vì vậy việc điều tra, truy tố, xét xử chỉ nhằm mục đích trừng trị kẻ thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải thuộc về ai khác, bị can, bị cáo có quyền chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ buộc phải chứng minh (theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015). Còn luật sư chỉ có trách nhiệm bào chữa mà không có trách nhiệm chứng minh buộc tội.

“Nếu tôi không tố cáo, thì với chức năng, kỹ thuật, kinh nghiệm của mình, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tìm ra tội phạm. Nếu không có tố cáo mà không điều tra ra tội phạm thì cần xem lại các hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng”, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu vấn đề.

Phản biện dưới góc độ mâu thuẫn với các điều luật khác, Luật sư Đặng Văn Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, quy định trên của luật hình sự không thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 73 BLTTHS 2015: “Không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Theo đó, người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản, nhưng theo Dự thảo BLHS 2015 thì người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 BLHS.

Luật sư Sơn khẳng định, quy định này của luật hình sự cũng không thống nhất với các quy định của Luật Luật sư. Bởi theo quy định của Luật Luật sư 2012 thì luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng và nghiêm cấm tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản.

Việc luật sư tiết lộ thông tin về khách hàng mà luật sư được biết trong khi hành nghề là vi phạm quy định của Luật Luật sư. Hơn nữa, người phạm tội là khách hàng của luật sư, nếu luật sư tố giác khách hàng của mình là không tôn trọng khách hàng, ảnh hưởng uy tín nghề nghiệp của luật sư. Từ đó, ông Sơn đề nghị Ban soạn thảo luật, Liên đoàn Luật sư và các chuyên gia luật cần xem xét lại một cách thấu tình đạt lý để đảm bảo tính công bằng, dân chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh việc luật sư chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm: Cần xem xét một cách thấu tình đạt lý