Xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn, Nghệ An: Hàng vạn người dân mơ về một cây cầu

congly.com.vn| 13/04/2012 11:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ bao năm qua, người dân xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn - Nghệ An) sống hai bên bờ sông Hiếu vẫn không nguôi mơ ước về một cây cầu.

Đời nọ nối tiếp đời kia, lớp già truyền lại cho lớp trẻ, cái khát vọng cháy bỏng đó vẫn chưa thành hiện thực. Ngày ngày họ vẫn phải đi làm, đi học qua những con đò chòng chành, chống chếnh, đối mặt với bao hiểm nguy của sóng to, gió cả, tất cả sinh mệnh của họ đều phó mặc cho người đưa đò…

Gần 150 học sinh phó mặc số phận cho đò

Nằm trải dài khoảng chừng dăm km, tạo hóa như trêu ngươi khi chia tách xã Nghĩa Khánh làm hai phần bởi con sông Hiếu. Hàng ngày, người dân bên này sông qua đò sang bên kia làm ruộng, làm nương, còn người bên kia sông sang bên này đi chợ mua sắm, trao đổi, giao thương hàng hóa. Cuộc sống của họ vốn dĩ đã vất vả bởi thiên nhiên không ưu đãi như các vùng khác, nay càng khó nhọc hơn vì giao thông không thuận tiện. Khác hẳn với các địa phương khác nằm ở khu vực miền Tây Nghệ An, chất đất hầu hết là đất đỏ bazan màu mỡ, thì ở Nghĩa Khánh, đất nông nghiệp phần lớn là đất sỏi ruồi. Muốn trỉa được hạt bắp, hạt lúa xuống lòng đất, người dân phải đổ bao mồ hôi công sức mới cày cuốc lên được.

Không những vậy, con em của người dân hai xóm Bến Hương và Bến Mươi ngày ngày phải qua sông đi học trên những con đò tuềnh toàng, cũ kỹ. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa đi lại vô cùng vất vả, đường xuống bến đò trơn trượt, các em phải dò dẫm bấm từng ngón chân xuống nền đất có khi đến ứa máu.

Còn chuyện bị ngã trầy xước chân tay, đến lớp trong bộ dạng lấm lem bùn đất là chuyện bình thường. Chỉ có những em học mẫu giáo được bố mẹ đưa qua đò, còn phần lớn các em phải tự mình đi học, phó mặc số phận cho nhà đò.

Ông Đặng Công Thịnh, lái đò trên bến Mươi, cho biết: "Trung bình mỗi ngày tôi chuyên chở khoảng gần 1.000 lượt khách qua sông. Người đi chợ, đi làm đồng, nhưng khách thường xuyên nhất vẫn là các em học sinh của hai xóm Bến Hương và xóm Bến Mươi qua bên này sông đi học. Tổng cộng hai xóm này có khoảng 750 nhân khẩu thì số học sinh cả của 3 cấp học, từ mẫu giáo đến THPT vào khoảng 150 em. Các em mẫu giáo hàng ngày đến trường thì có bố mẹ đưa qua đò, vất vả nhất là các em bậc THPT, vì trường ở xa nên phần lớn các em phải dậy từ 4 giờ sáng để qua đò, khổ cực lắm anh ạ!".

Tuy học sinh hai xóm này cũng đã được chính quyền địa phương đầu tư cho một số thiết bị an toàn như cặp phao, áo phao, nhưng những chuyến đò chòng chành trên dòng sông cuộn chảy như vậy, biết bao hiểm nguy đang rình rập hàng ngày, hàng giờ. Với những cánh tay, thân hình nhỏ bé, các em làm sao đủ sức mạnh để chống đỡ với sóng nước, nếu xảy ra sự cố?

Em Hoàng Văn Bình, học sinh lớp 11 trường THPT Thái Hòa, tâm sự: "Chúng em chỉ ước chính quyền xây dựng cho quê em một cây cầu, to nhỏ không quan trọng để người dân quê em đỡ khổ, mẹ em đi chợ, đi làm đồng, bọn em đi học không còn phải qua đò. Nhà em cách trường có 12 km mà sáng nào em cũng phải dậy từ 4 giờ sáng, có hôm vẫn còn muộn học vì phải chờ đò quá lâu. Trong khi đó, các bạn cùng xã, cùng lớp, nhưng ở bên kia sông có thể ngủ đến 6 giờ đi học vẫn thoải mái. Bọn em lớn rồi còn đỡ, chứ các em lớp nhỏ nhìn tội lắm, những hôm trời mưa rét, đứng trên đò cứ run bần bật vì gió sông, đứng còn không vững, nói chi đến chuyện bơi vào bờ nếu gặp sự cố!".

Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn chìm đò gây hậu quả tang thương, mà nạn nhân phần lớn là học sinh. Ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã từng xảy ra vụ chìm đò trên sông Lam làm chết hàng chục học sinh. Tai nạn không chừa một ai, nó có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, chỉ có thể giảm thiểu, hạn chế rủi ro nhờ những thay đổi, những quyết sách của chính quyền trước khi quá muộn.

Chèo đò đưa… thóc qua sông

Học sinh đi học đã vậy, người dân Nghĩa Khánh đi làm ruộng, làm nương cũng khổ muôn phần. Oái oăm ở chỗ, diện tích đất nông nghiệp ở hai xóm Bến Hương và Bến Mươi khoảng 930 ha, chiếm 1/3 diện tích đất nông nghiệp toàn xã, nên người dân bên này, hàng ngày qua bên kia sông làm ruộng, bắt buộc phải qua đò. Đất đai cằn cỗi, từng nhát cuốc bật nhảy tưng tưng bỏng rát, đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp về 100% phải dùng đò để chở.

Với những chiếc đò thô sơ, nhỏ bé, việc vận chuyển người đã khó, nay phải oằn mình chở những bao thóc, bì sắn qua sông. Theo ước tính của ông Thịnh, mỗi mùa vụ như thế, ông phải chèo đò, vận chuyển hơn 1.000 tấn sản phẩm nông nghiệp của bà con. Trải qua những con đường ngầu sục bùn đất, những chuyến đò chòng chành, những dốc cao hun hút, hạt thóc, củ khoai, củ sắn của người dân Nghĩa Khánh thấm đẫm, mặn mòi dư vị mồ hôi.

Ông Trần Đình Hợi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh, cho biết: "Dân số của toàn xã khoảng một vạn, phần lớn trong số họ sống dựa vào nông nghiệp. Cuộc sống khó khăn, đi lại vất vả, đã nhiều lần chúng tôi có kiến nghị lên chính quyền cấp trên về xây dựng cây cầu cho dân đỡ khổ, nhưng đến nay vẫn chưa được. Chính quyền xã chỉ biết động viên bà con kiên nhẫn chờ đợi!".Suốt nhiều năm qua, người dân cũng như chính quyền xã Nghĩa Khánh đã làm đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền đề đạt nguyện vọng về xây dựng một cây cầu.

Có những lúc tưởng như mong ước đó sắp trở thành hiện thực, khi năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án cho xây dựng cầu treo trên vị trí bến Mươi. Nhưng thời gian trôi đi, đến nay đã gần 3 năm, cái dự án đó vẫn nằm đâu đó trên bàn giấy, ngày ngày người dân Nghĩa Khánh hai bên bờ sông Hiếu vẫn lặn lội qua đò để học hành, để mưu sinh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, giải thích về sự chậm trễ này: "Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án xây dựng cầu treo Nghĩa Khánh, ước tính tổng dự toán kinh phí vào khoảng 16 tỷ đồng, giao cho Sở Giao thông - Vận tải khảo sát, thiết kế. Nhưng do trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều vùng, địa phương còn khó khăn hơn, cần được ưu tiên đầu tư xây dựng trước, nên tiến độ dự án mới bị chậm lại".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, mới đây xã Nghĩa Khánh đã được UBND huyện Nghĩa Đàn chọn là một trong hai xã thí điểm xây dựng chương trình nông thôn mới theo đề án của Chính phủ. Để thỏa mãn một trong 19 tiêu chí của đề án đó, Nghĩa Khánh phải xây dựng được hệ thống giao thông thuận tiện. Hy vọng rằng, gắn với sự kiện này, mơ ước của hàng vạn người dân Nghĩa Khánh về một cây cầu sớm trở thành hiện thực.

Nguyễn Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn, Nghệ An: Hàng vạn người dân mơ về một cây cầu